Bằng mắt thường, khách hàng rất khó phân biệt được sâm Ngọc Linh thật và sâm giả.
Khó phân biệt sâm giả
Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý và được xem là “quốc bảo” Việt Nam. Loài sâm quý này mọc chủ yếu ở khu vực núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia.
Trên thị trường, sâm Ngọc Linh rất hiếm và được thương lai rao bán với giá từ vài chục cho đến vài trăm triệu/kg. Tuy vậy, do có hình dáng khá giống với một số loài cây củ như tam thất tím, điền trúc nâu nên một số đối tượng đã sử dụng các giống cây này (có giá trị thấp) giả thành sâm Ngọc Linh đem bán ra thị trường.
Anh Hoàng Văn Thanh, trú tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum cho biết, mới đây, anh được một người tên H. (trú tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mời chào bán một số sâm Ngọc Linh trồng loại 25 củ/kg với giá 120 triệu/kg; sâm loại 20 củ/kg với giá 150 triệu/kg và loại đắt nhất 5 củ/kg có giá tới 250 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, khi anh Thanh đặt vấn đề muốn mua sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên trên rừng thì ông H. cho biết mặt hàng này không có sẵn vì loại này cực hiếm, phải chờ người đi rừng gặp được, mang bán thì mới có. Tuy vậy, ông H. khoe trong nhà hiện vẫn đang còn một củ sâm Ngọc Linh rừng đang ngâm rượu và đã được kiểm nghiệm tại Viện sinh học nhiệt đới (TP HCM).
Ông H. sau đó đưa giấy kiểm nghiệm ra “khoe”, trên kết quả kiểm nghiệm ghi rõ: “Căn cứ vào kết quả kiểm định bằng phương pháp hóa học và sắc ký lớp mỏng cho thấy có sự hiện diện của các chuẩn M-R2, G-Rg1, G-Rb1 đặc trưng của sâm Ngọc Linh; hàm lượng saponin tổng số 4,23% (TLK)”. Tuy nhiên, anh Thanh cuối cùng cũng vẫn từ chối mua.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Đăng Phước (trú tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), mặc dù đã cẩn thận đưa mẫu sâm đi kiểm nghiệm nhưng cuối cùng vẫn mua phải sâm giả. Anh Phước kể, cuối năm trước, qua giới thiệu, anh mua được 2 củ sâm Ngọc Linh loại 0,2kg mỗi củ từ một thương lái địa phương với giá 10 triệu đồng. Trước khi xuống tiền, anh Phước đã cẩn cẩn thận gửi các mẫu đến Viện sinh học nhiệt đới kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm kết luận: “đặc trưng của sâm Ngọc Linh; hàm lượng saponin 7.84%”. Một thời gian ngắn sau, anh Phước được một người bạn của anh Phước đang làm việc tại Sở KHCN Kon Tum cho biết thông tin hàm lượng saponin phải trên 52% mới là sâm Ngọc Linh thật, còn thấp dưới 10% thì có thể chỉ là các loại cây khác như đinh lăng, tam thất, hồng sâm, sâm Khu... Đến lúc này anh Phước mới biết mình mua phải sâm giả.
“Mình ở địa phương, cũng gọi là biết qua chút về sâm vậy mà cũng nhầm lẫn và bị lừa thì nhiều người nơi khác chắc chắn sẽ khó phân biệt được”, anh Phước nói.
Vườn sâm Ngọc Linh của CP sâm Ngọc Linh Kon Tum tại khu vực núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Tìm giải pháp ngăn chặn
Nhằm giữ uy tín và giá trị thương hiệu cho sâm Ngọc Linh, cũng như ngăn chặn việc đưa sâm giả ra thị trường, thời gian qua, cơ quan chức năng ở tỉnh Kon Tum đã triển khai quyết liệt các đợt vây bắt vận chuyển các loại củ giống sâm Ngọc Linh không có nguồn gốc xuất xứ được đưa vào từ ngoại tỉnh.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục Quản lý thị trường Kon Tum cho biết, vừa qua đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) mật phục, vây bắt, ngăn chặn được một vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ ngoại tỉnh vào địa phương.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, qua theo dõi, rạng sáng 1/3, khi phát hiện 1 xe ô tô chở khách chuyển 3 thùng xốp trên xe xuống tại khối 7, thị trấn Đắk Tô, lực lượng QLTT đã phối hợp với Công an huyện Đắk Tô mật phục, chờ người đến nhận rồi kiểm tra.
Một lúc sau, có 2 đối tượng đi xe máy xuất hiện để nhận 3 thùng xốp nói trên. Tuy vậy, các đối tượng nhanh chân bỏ hàng chạy trốn khi lượng lượng chức năng xuất hiện và yêu cầu kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong 3 thùng xốp có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh. Cả 3 thùng xốp đều không có thông tin người nhận, người gửi. Qua kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định số củ này có giấu hiệu giả mạo sâm Ngọc Linh.
“Kon Tum là thủ phủ sâm Ngọc Linh do vậy các đối tượng tìm cách đưa các loại cây củ giống sâm Ngọc Linh vào tỉnh Kon Tum là để giả mạo nguồn gốc rồi bán đi nơi khác trục lợi. Khách hàng nếu không tinh rành về sâm, mà chỉ thấy quảng cáo giới thiệu là sâm từ Kon Tum là sẽ bị lừa ngay”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô cho biết, hiện nay sâm Ngọc Linh thật đang vào mùa rụng lá nhưng trên mạng lại rao bán với lá xanh nguyên nên khẳng định đó là sâm Ngọc Linh giả. Theo ông Chung, sâm Ngọc Linh giả tràn lan không chỉ khiến người mua mất tiền oan mà còn ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu của loài sâm quý này.
“Cơ quan chức năng nên có chế tài riêng về việc quản lý, xử phạt với hành vi giả sâm Ngọc Linh bán. Đồng thời cũng phải ban hành các quy định đối với các doanh nghiệp, muốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh phải được cấp phép, chứng minh năng lực, nguồn gốc giống, nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm để truy xuất nguồn nguồn gốc”, ông Chung nói.
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum - Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389) cho biết, chương trình chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả là việc làm thường xuyên của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum, trong đó bao gồm cả lĩnh vực ngăn chặn, chống hành vi buôn bán các loại sâm Ngọc Linh giả. Tuy vậy, hiện nay do chưa có các chế tài, quy định cụ thể đối với việc quản lý mua bán sâm Ngọc Linh nên việc kiểm tra, quản lý, giám sát gặp không ít khó khăn.
“Trước mắt, cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích sâm Ngọc Linh cần lấy giống ở các đơn vị được tỉnh công nhận. Đồng thời, chủ động phát hiện, ngăn chặn và báo tin người có hành vi mua bán sâm Ngọc Linh giả cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xử lý”, ông Nhất nói.
Cũng theo Sở Công thương Kon Tum cho biết, hiện nay tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20 ha), Công ty CP Vingin, tỉnh Kon Tum (trồng 200 ha) và Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha).
Ngọc Tân