Chuyện về Anh hùng Phan Hành Sơn

“Phan Hành Sơn! Miền Nam là trở gió/ Đất chôn thù, hoa nở Phan Hành Sơn!/ Hăm mốt tuổi căm hờn/ Diệt địch gấp hai mươi lần số tuổi/ Đánh trăm trận, ba năm vào bộ đội/ Núi Ngũ Hành vang dội Phan Hành Sơn”... Những câu thơ trên của nhà thơ Xuân Diệu đã làm sống dậy chiến công của người anh hùng dưới chân núi Ngũ Hành năm xưa.

Phan Hành Sơn tên thật là Phan Hiệp, sinh ngày 26-10-1947 trong một gia đình có sáu anh em đều tham gia cách mạng tại thôn Bá Tùng, xã Hòa Phụng, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Tuổi thơ của Phan Hiệp là những ngày theo cha đi làm thợ mộc, dựng nhà cửa cho các nhà giàu có trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Nếm trải những đau khổ và trực tiếp chứng kiến cảnh địch tàn sát nhân dân... đã hun đúc trong con người Phan Hiệp lòng căm thù giặc sâu sắc.
 
 
Những ngày tháng theo cha đi làm thợ, Phan Hiệp càng có điều kiện tiếp xúc với các gia đình cơ sở của cách mạng, cán bộ hoạt động bí mật. Vì thế, nhận thức cách mạng của người thiếu niên yêu nước đã chuyển dần từ nỗi bất bình trước tội ác của giặc lên nấc thang “tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc”.
 
Mặc dù đã nhiều lần xung phong đi bộ đội mong được cầm súng tiêu diệt quân thù, nhưng đến tận tháng 2-1965, khi tròn mười tám tuổi, Phan Hiệp mới được gọi nhập ngũ theo chủ trương thành lập Tiểu đoàn bộ binh 1 Quảng Đà (còn gọi là R20), đơn vị sau này nổi tiếng với câu ca: “Trên trời có phản lực cơ/ Ở dưới mặt đất có R20”.
 
Ngay từ những ngày đầu trong quân ngũ, Phan Hiệp đã bộc lộ sự táo bạo, nhanh nhạy và dũng cảm của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, quả cảm. Phan Hiệp đã tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công vang dội, diệt 452 tên địch, bắn rơi 1 máy bay bằng súng bộ binh, phá hủy 1 pháo 105 ly, 1 kho đạn, 4 xe vận tải quân sự GMC, đánh sập 8 lô cốt, 4 dãy nhà...
 
Với những chiến công đó, ông đã từng 28 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ; 26 Bằng, Giấy khen; 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất và 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Đặc biệt, ngày 20-12-1969, Phan Hành Sơn được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) giải phóng khi mới hai mươi hai tuổi.
 
Tên tuổi của Phan Hành Sơn đã đi vào báo Giải phóng miền Trung Trung Bộ và thơ ca của những thi nhân nổi tiếng như Xuân Diệu, Tố Hữu... để góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu “Ta tiến công với sức mạnh thánh thần/ Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành, diệt Mỹ!” (Xuân 69-Tố Hữu) của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khắp chiến trường. Ông còn được lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) mời với tư cách là trưởng đoàn chuyên gia quân sự của Việt Nam đến thăm và trao đổi kinh nghiệm đánh giặc giữ nước với các bạn Cu Ba.

Khi về hưu, những cơn đau triền miên do nhiều lần bị thương trong chiến đấu đã hành hạ Anh hùng Phan Hành Sơn, buộc ông phải bước sang một cuộc chiến đấu mới: “chiến đấu với đau đớn, bệnh tật”. Và bệnh tật đã không quật ngã nổi một người công dân mẫu mực, một cán bộ tổ dân phố tận tụy, một cán bộ an ninh chân đi cà nhắc mà đêm đêm vẫn tuần tra cùng anh em dân phòng để giữ bình yên cuộc sống của bà con phố phường như Phan Hành Sơn.
 
Cuộc đời của Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn như một tấm gương sáng về lòng yêu nước, khí tiết kiên trung, mưu trí, sáng tạo trong đánh giặc của người chiến sĩ cách mạng; một nghị lực phi thường trong chiến đấu chống lại thương tích, bệnh tật sau chiến tranh... thực sự là tấm gương sáng để các thế hệ tiếp nối noi gương học tập, phấn đấu.
 
Có sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, giữa những con người “không mang danh vọng vào trận đánh để tính công lao ngày hòa bình” thì mới cảm nhận được bản chất anh hùng cách mạng của một thế hệ.
 
Cuốn sách “Chuyện về Anh hùng Phan Hành Sơn” do Cơ quan đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng vừa cho ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc không những góp phần tôn vinh thành tích, công lao và cung cấp thêm thông tin về nhân thân của các anh hùng cách mạng nói chung, Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn nói riêng, mà còn phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Cuốn sách thực sự là một góc mở cho độc giả tìm đến một thời hào hùng của những con người “đi đánh giặc giữ nước, chứ có biết chi đến anh hùng, dũng sĩ”...
 
Ngô Thành Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ve-anh-hung-phan-hanh-son-a17690.html