Làng Hoàng Đan - Xưa & nay

Làng tôi bên bờ sông Đáy (cách cố đô Hoa Lư 8km) có đồng lúa, nương ngô xanh mướt cánh cò bay, có cây đa, bến nước, sân đình lưu giữ bao trầm tích văn hóa. Thuở xưa, làng tôi có người con gái lấy Vua, được phong Hoàng Thái hậu.

Đã bao lần nghe mẹ kể chuyện làng, hấp dẫn kỳ lạ. Mẹ tôi kể rằng, làng ta xưa có nàng Phương Dung đẹp người, đẹp nết cắt cỏ bên sông Đáy, giữa trưa nắng có đám mây che trên đầu, vừa làm vừa hát “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Bao nhiêu thảo mộc lai hàng tay ta”.

Lúc ấy, Vua ngự thuyền Rồng đi qua, mê giọng hát hay, cho là duyên trời se, rồi đưa nàng về Cung làm vợ.Bà sinh hạ Hoàng tử, sau lên làm Vua, bà được phong Hoàng Thái hậu. Sau khi bà qua đời, Triều đình đưa thi hài, xây Lăng, Đền thờ bà tại làng ghi rõ, một lần vua Lê Thần Tông ngự thuyền Rồng xuôi dòng sông Đáy, khi qua một dải đất có hình dáng kỳ lạ ở xã Hoàng Đan, xứ Sơn Nam hạ (nay là làng Hoàng Đan, Yên Hưng, Ý Yên, Nam Định), Vua truyền dừng lại để hỏi, người dân cho biết nơi họ sinh sống tên gọi xóm Thoi. Khi ấy, có tiếng hát từ xa vang đến, Vua rất ngạc nhiên thấy cô gái cắt cỏ bên sông, vừa làm vừa hát, trên đầu cô lơ lửng đám mây xanh có hình như chiếc lọng.Cho đó là chuyện khác thường, Vua truyền gọi cô đến. Cô có dung nhan diễm lệ, cử chỉ nhẹ nhàng, tự tin, ứng đáp thông minh, khiến Vua rất mến, bèn cho rước lên thuyền Rồng, đưa về Cung làm Phi. Cô tên là Nguyễn Thị Bạch Ngọc. Vua còn truyền chỉ đổi tên xóm Thoi của mỹ nữ thành thôn Thanh Vân (Mây Xanh).Vào Cung hơn một năm, Quý phi Bạch Ngọc sinh hạ Hoàng tử Lê Duy Hựu. Có con trai nối dõi, Vua ban chiếu lập Hoàng Thái tử, đến năm Quý Mùi thì truyền ngôi để làm Thái Thượng hoàng. Thái tử kế vị ngai vàng, đặt niên hiệu Phúc Thái, thường gọi Lê Chân Tông, làm Vua được 7 năm (1643 - 1649) thì mất. Lê Thần Tông trở lại làm Vua lần thứ hai, là bậc Vua giỏi, có 6 vợ, 10 con, 4 con trai đều lên ngôi Hoàng đế. Ngày 22 tháng 9 năm 1662, vua Lê Thần Tông băng hà, hưởng thọ 56 tuổi, làm Vua 2 lần tổng cộng 37 năm. Hai năm sau, Quý phi Bạch Ngọc qua đời (1604 - 1664), Triều đình cho rước linh cữu Bà về quê an táng. Đến nay, tại làng Hoàng Đan vẫn còn nhiều địa danh liên quan đến đám tang Bà, như: Vườn Rồng (nơi thuyền Rồng đưa linh cữu cập bến), Triều Trên (nơi quan đại thần làm lễ cúng tế), Mả Cháy (nơi nấu nướng, nung gạch xây Lăng), Vườn Thụ (nơi hưởng thụ tiền thưởng)… Năm Giáp Tý (1684), Triều đình truy tôn Quý phi Nguyễn Thị Bạch Ngọc làm Minh Thục, Thuần hòa Hoàng Thái hậu, cho xây điện Hoàng Long ở thôn Thanh Vân để thờ phụng.

Tấm bia “Hoàng Long điện bi ký”, viết: “Thôn Thanh Vân, nơi sinh ra Nguyễn Thị Phương Dung công chúa, húy Bạch Ngọc, tuổi Giáp Thìn, là người trăm nết vẹn toàn, bao quát muôn khéo, tưởng hay có đủ Tứ đức, cực khéo cực đẹp.

Vậy là đã rõ.Lời kể của mẹ tôi khá trùng khớp với sử sách nước nhà.Gần 1.000 năm tuổi, làng Hoàng Đan xưa & nay có hàng ngàn hộ dân vẫn bám đất giữ làng, hàng trăm hộ di cư khắp mọi miền Tổ quốc và hàng chục hộ ra nước ngoài lập nghiệp.Làng tôi, đã từng bị giặc Pháp đốt cháy trụi làng, từng bị bom Mỹ tàn phá.Làng tôi “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Làng tôi, có hàng trăm người tham gia kháng chiến, có hàng chục liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, có đại biểu Quốc hội, nhiều người là thương binh, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, doanh nhân... tiên tiến. Dù ở nơi đâu, dân làng Hoàng Đan cũng đều hiếu học, cần cù, vượt khó, nghĩa tình, giầu lòng yêu nước và thành đạt.

Theo Báo Du Lịch

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-hoang-dan-xua-nay-a1767.html