Đền làng Hiếu xưa có cấu trúc mái cong hình rồng, ba tầng lầu thờ phụng (Cao Sơn Cao Các), có thượng điện và hạ điện, xà hạ kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng. Trước đền có lầu tam bảo và tắc môn đề hai chữ “Khai môn”, bên phải và bên trai có cổng ra vào và đôi câu đối cùng hình tượng hai người lính đội nón cầm gươm đứng gác. Ảnh: N.D
Nét chấm phá trong kiến trúc
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề bởi 2 cuộc chiến tranh, các đền chùa, miếu mạo trên địa phận Nghi Hải không còn nữa. Riêng đền Làng Hiếu thì vẫn còn nhưng chỉ là nền đất cũ và 1 số hạng mục đã bị thời gian làm cho phai mờ, hư hỏng nhưng vẫn được cư dân nơi đây bảo quản, hương khói thờ phụng hàng năm.
Theo các cụ cao niên truyền lại và dựa vào sắc phong thì đền Làng Hiếu xưa có cấu trúc mái cong hình rồng, ba tầng lầu thờ phụng (Cao Sơn Cao Các), có thượng điện và hạ điện, xà hạ kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng. Trước đền có lầu tam bảo và tắc môn đề hai chữ “Khai môn”, bên phải và bên trai có cổng ra vào và đôi câu đối cùng hình tượng hai người lính đội nón cầm gươm đứng gác. Đền nằm ở huyệt đầu rồng, hướng Đông Nam đón luồng sinh khí từ biển và cửa sông vào, theo thuyết phong thủy thật là đại cát. Tiếc rằng những kiến trúc cổ xưa không còn nữa. Nhưng đến nay, người dân Nghi Hải vẫn còn giữ được 6 đạo sắc của vua ban từ triều đại hậu Lê đến các triều đại nhà Nguyễn. Ngoài ra một số người dân nơi đây còn bảo quản và gìn giữ được một số di vật phụng thờ của chùa Hói Trai, điện Tam Tòa, Đình hai xã, miếu cá ông và đã bàn giao lại cho ban quản lý đền Làng Hiếu. Đây là những vật quý hiếm cần được gìn giữ cho muôn đời sau.
Nhờ có 6 đạo sắc phong của vua ban còn lại, từ triều đại hậu Lê đến các triều đại nhà Nguyễn làm cơ sở, nhân dân Nghi Hải đã xin chủ trương phục hồi lại đền. Ngày 6/4/ 2012, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đã tổ chức khởi công công trình xây dựng đền Làng Hiếu. Năm 2013 khánh thành công trình phục hồi đền, với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Những đóng góp xây dựng do các tổ chức và bà con đang sinh sống trong phường; con em đang công tác, làm ăn xa, cả trong và ngoài nước có tấm lòng hướng về quê hương nguồn cội.
Trong đền, các đồ thờ cúng, bài vị, đôi hạc, lư hương, bình hoa, trống… đều từ các tấm lòng hảo tâm cung tiến. Các gia đình tự mang đến đặt trang nghiêm, đúng vị trí trong thượng điện, trung điện, hạ điện. Đền Làng Hiếu ngày nay đã được xây dựng khang trang, nhưng vẫn giữ được phong cách cổ kính của đền xưa. Công trình kiến trúc chạm trổ rất đẹp. Đền gần như dựng lại nguyên mẫu. Từ tín ngưỡng cho đến bản sắc văn hóa.
Tín ngưỡng thờ cá voi là một hình thức của tín ngưỡng thờ thần linh biển, chỉ hoạt động thờ cúng cá voi hay còn gọi là cá Ông, gắn liền với hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên biển của ngư dân. Ảnh: N.D
Địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Nghi Hải
Tín ngưỡng thờ cá voi là một hình thức của tín ngưỡng thờ thần linh biển, chỉ hoạt động thờ cúng cá voi hay còn gọi là cá Ông, gắn liền với hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên biển của ngư dân… Đây là hoạt động văn hóa tâm linh hết sức đặc thù của ngư dân vùng biển nước ta, đặc biệt từ vùng biển Trung bộ trở vào.
Cá Ông không chỉ là Phúc Hải đại thần của biển khơi, giúp đỡ những người đi biển mà còn hiển linh đối với nhân dân trong vùng và những vùng lân cận. Chính vì vậy mà tín ngưỡng thờ cá Ông còn được thực hành rộng rãi nhằm cầu cúng những điều tốt lành trong đời sống thường ngày của mọi người dân. Họ đến đây để cầu xin sức khỏe, tài lộc, cầu cho gia đình ấm êm, con cháu thành đạt...
Xung quanh ngôi đền Làng Hiếu vẫn còn nhiều huyền thoại lưu truyền về sự linh ứng của cá Ông. Nhiều người đi biển đến đền cầu bình an, may mắn đã được thần hiển linh phù trợ; nhiều người đau ốm đến đền cũng đã khỏe mạnh; còn những người mạo phạm đến thần thì đã bị thần trừng phạt. Điều này cho thấy, một số thần linh biển không chỉ có quyền năng linh hiển trong phạm vi hoạt động khai thác biển của ngư dân mà còn được tăng quyền, trở thành những phúc thần mà giá trị linh thiêng có sức lan tỏa trong tâm lý cộng đồng.
Quả thực, đời sống tâm linh của con người có nhiều điều kỳ lạ mà khoa học thực nghiệm khó có thể chứng minh, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lý giải được từ góc độ xã hội học và tâm lý học, hiện tượng tăng quyền của thần thánh và sự gia tăng nhu cầu tâm linh của nhân dân, trong bối cảnh mà người dân không còn phải lo cái đói nhưng lại phải đối mặt với rất nhiều nhu cầu, thách thức mới của đời sống xã hội hiện đại.
Dù được tăng quyền dẫn đến phạm vi linh ứng rộng nhưng tín ngưỡng thờ cá voi vẫn là tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân miền biển. Chỉ những người lênh đênh trên biển, thường xuyên gặp nạn và được cá Ông cứu thoát khỏi tay thần chết mới cảm nhận được thực sự sự linh ứng và quyền năng của thần Nam Hải cự tộc. Chính vì thế, những người đi biển có tục hèm kiêng kỵ tuyệt đối không đánh bắt cá voi.
Mỗi khi gặp cá voi mắc nạn, họ lập tức dùng hết khả năng để cứu sống, đưa cá voi trở về biển cả. Mỗi khi phát hiện cá voi lụy, ngư dân tìm cách đưa vào bờ và tổ chức mai táng chu đáo. Theo quy ước, người phát hiện cá Ông lụy đầu tiên được xem là người được Ông tín nhiệm, do đó được vinh hưởng chức trưởng nam. Người này được mệnh danh là con Ông Nam Hải nên trong đám tang phải bịt khăn điều và chịu tang như con chịu tang cha mẹ vậy. Khi phát hiện Ông lụy, người ta tìm cách dìu xác Ông vào bờ, và vạn trưởng huy động dân chài đưa Ông lên bờ để làm lễ an táng. Trường hợp gặp phải xác cá ông quá lớn thì người ta dùng đăng quàng lại, cử người canh giữ cho đến khi thịt rã hết mới lấy bộ xương đưa lên lăng thờ. Thời Nguyễn, còn có quy định, làng nào bắt gặp cá Ông chết thì lý trưởng phải trình lên phủ, huyện để quan cho lính về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ 7 vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ. Đủ hai năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, khạp đưa vào khu nghĩa trang cạnh đền Làng Hiếu để thờ. Khu nghĩa trang hiện nay có 85 ngôi mộ “cá Ông” được xây bằng xi măng, phía dưới vẫn còn xương cốt. Trong lăng chính được xây, lợp mái là phần mộ thờ thần cá tương truyền là cá Ông đầu tiên được an táng tại đền từ thế kỷ 19. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư, phía sát mái có đề 3 chữ Hán “Lăng Thần Ngư”.
Tín ngưỡng thờ cá voi đã ăn sâu vào đời sống tinh thần - tâm linh của người dân vùng biển, có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế biển cũng như khẳng định quá trình con người nơi đây đã gắn bó, thích ứng và làm chủ biển khơi trong lịch sử cũng như đang nỗ lực phát triển kinh tế ngư nghiệp và giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước trong bối cảnh ngày nay. Tín ngưỡng thờ cá voi thực chất là sự thể hiện khát vọng hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cầu mong thiên nhiên đem lại nguồn lợi kinh tế và sự bình an cho con người. Niềm tin tín ngưỡng tạo ra sự cân bằng về tinh thần, tâm lý khi người dân lênh đênh trên biển, sẵn sàng đối mặt với phong ba bão táp. Như vậy, tín ngưỡng và tục thờ cá voi có ý nghĩa rất lớn trong việc khích lệ, động viên ngư dân an tâm bám biển, bám ngư trường để đánh bắt hải sản. Nhất là trong thời đại kinh tế thị trường, nghề đánh bắt thủy hải sản còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, bấp bênh so với nhiều ngành nghề khác. Sự phát triển kinh tế biển vững chắc, ý thức và tình yêu gắn bó với biển đảo, niềm hăng say lao động khai thác biển... của ngư dân chính là những điều thiết thực nhất hướng tới giữ vững chủ quyền biển đảo của nước ta.
Hàng năm, tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ trọng nhưng lớn nhất là lễ Cầu ngư 15/3 (âm lịch). Đây là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của cư dân vùng cửa biển Nghệ An. Đền Làng Hiếu cũng đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Di tích lịch sử tại Quyết định số 4871/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2015.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền Làng Hiếu luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Nghi Hải nói riêng và cả vùng nói chung, phục vụ nhu cầu thăm viếng, tưởng niệm người có công với quê hương, đất nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Việt, là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách mỗi lần về thị xã Cửa Lò.
Nguyễn Diệu