Kiên Giang: Chiến thắng Xẻo Rô - Mốc son chói lọi

Đây là trận tấn công tiêu diệt chi khu quân sự của địch đầu tiên trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở miền Tây Nam Bộ, tạo nên sự phấn khởi mới trong nhân dân, làm cho ngụy quân, ngụy quyền ở địa phương hoang mang, lo sợ.

Sáu mươi năm đã đi qua, song trận tấn công của lực lượng vũ trang tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) tiêu diệt chi khu quân sự Xẻo Rô của địch vào đêm 30/10/1959 tại thị trấn thứ Ba, huyện An Biên đã đi vào lịch sử, mãi mãi là một trong những  mốc son chói lọi và là trận đánh có tính chất bước ngoặt không chỉ có tác dụng mở màn cho cao trào toàn dân nổi dậy, diệt ác, phá kiềm, giành quyền làm chủ nông thôn ở tỉnh Rạch Giá nói riêng và miền Nam nói chung mà còn nâng cao sự tin tưởng của quần chúng nhân dân vào thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm rạng rỡ truyền thống quê hương Kiên Giang anh hùng.
 
 
Chi khu Kiên An ở ngã ba sông Cái Lớn, sông rộng gần 1.000m và kênh xáng Xẻo Rô rộng gần 100m. Hướng Tây Nam là chợ Xẻo Rô nằm cặp hai bên lộ đất đỏ theo kênh xáng Xẻo Rô về Rạch Xẻo Xu khoảng 1.200m. Phía Nam chi khu là bãi sình lầy. Cặp theo bờ sông Cái Lớn cách 600m có một lộ đất nhỏ chạy dọc theo kênh xáng, xa hơn một chút, khoảng 1.400m là rạch Bến Cá với vườn cây ăn trái xen kẽ với ruộng lúa. Ngọn rạch Xẻo Xu, rạch Cái Nước- kênh Xẻo Đước, Ngọn Hóc Hỏa nối liền với rừng tràm U Minh Thượng. Từ tiểu khu Kiên Giang (Rạch Giá) xuống đến chi khu Kiên An (Xẻo Rô) gần 25km có đường lộ xe chạy được xuống đến Tắc Cậu thì bị chia cắt bởi hai con sông Cái Lớn và Cái Bé khoảng hơn 3km phải đi đò mới qua được Xẻo Rô.
 
Tại chi khu này, địch xây dựng kiên cố với bốn lô cốt lớn nằm ở bốn góc hình thành thế tứ trụ bao bọc bảo vệ điểm chính chi khu. Ngoài ra, còn có các tháp canh cao khoảng 50 mét được bố trí xung quanh chi khu. Phía sông Cái Lớn sát vàm xáng Xẻo Rô còn có một lô cốt án ngự, dưới sông luôn có hàng chục tàu chiến Fum, bo-bo đậu túc trực tuần tra ra vào thị xã Rạch Giá trên tuyến xáng Xẻo Rô và Xép Ba Tàu ở Gò Quao để bảo vệ cho chi khu Xẻo Rô, quận lỵ Châu Thành và tiểu khu Rạch Giá. Ban đêm luôn có 5 đèn pha soi qua, soi lại kiểm soát chi khu. Với sự bố trí, cách bố phòng cẩn mật, chi khu quân sự Xẻo Rô như một chốt chặn “bất khả xâm phạm” ngăn cách vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng với trung tâm tỉnh lỵ Rạch Giá.
 
Chi khu Kiên An có trụ sở hành chính quận Kiên An do Lâm Quang Quận làm Quận trưởng và một đại đội chốt giữ do tên Trung úy Võ Thiện Tâm làm chi khu trưởng kiêm đại đội trưởng được trang bị súng trung liên Mát, một số súng tiểu liên Thom –xong, Ga-răng, Cạc-bin và súng trường Mát 36. Bên cạnh chi khu có công sở tề xã Đông Yên cách chi khu 800m về phía Nam, có một đồn tam giác do một trung đội chốt giữ. Bọn tề quận, xã tại đây khoảng gần 200 tên, ngoài ra còn một số tên gián điệp, chỉ điểm cư ngụ dọc kênh xáng Xẻo Rô, Ngọn Xẻo Xu và rạch Cái Nước. Bọn tề quận, xã, sĩ quan, hạ sĩ quan đều là những tên ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân, nhất là những tên đầu hàng, phản bội cách mạng. Chi khu Xẻo Rô có vị trí chiến lược quan trọng đứng đầu cửa ngõ của kinh xáng An Biên đi thẳng về sông Trẹm. Ai làm chủ được kinh xáng An Biên và sông Trẹm thì sẽ làm chủ được rừng U Minh Thượng và U Minh Minh Hạ, làm chủ được sông Cái Lớn, sông Cái Bé.
 
Tại chi khu Xẻo Rô thuộc địa bàn huyện An Biên trong quá trình triển khai chính sách tố cộng tàn bạo với khẩu hiệu “đạp lên oán thù mà tiến”, “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” bọn địch thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bắn giết người vô tội vạ. Trên địa bàn này, chúng lùng bắt, giết hại hàng trăm ngàn cán bộ và đồng bào ta dưới nhiều hình thức tra tấn man rợ để uy hiếp tinh thần nhân dân như: mổ bụng, moi gan, chặt đầu cán bộ làm lễ “tế cờ”, giết người bằng cách bỏ người vào bao, buộc đá tảng quăng xuống sông, dùng đá tảng, gậy sắt đập vào đầu cho đến chết. Trong số người bị sát hại tại đây có đồng chí Nguyễn Thanh ( bí thư huyện ủy An Biên), đồng chí Trương Tấn Hiệp (tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá). Những tên đao phủ ở đây tra tấn, giết người không biết mỏi tay như tên Sáu Giỏi, Hai Tây, Tám Lọ… Từ chi khu Xẻo Rô, địch mở rộng hoạt động đánh phá vùng căn cứ kháng chiến của ta ở U Minh và rừng tràm Bang Biện Phú là nơi địch tổ chức thủ tiêu nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở vùng căn cứ U Minh Thượng.
 
Trung tuần tháng 8 năm 1959, sau khi được Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ phổ biến tóm tắt nội dung Nghị Quyết 15 của Trung ương, Thường vụ Tỉnh Ủy Rạch Giá tổ chức quán triệt tinh thần cơ bản Nghị Quyết 15 và chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ cho các Tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy và các cán bộ chủ chốt các ngành trong tỉnh. Đồng thời, Tỉnh ủy quyết định chuyển hướng đấu tranh: vừa đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang. Lực lượng vũ trang từ phân tán thực hiện nhiệm vụ diệt ác trừ gian, chuyển thành đơn vị tập trung tổ chức tiến công diệt đơn vị và đồn bốt địch, tạo thế và lực mới đẩy mạnh khởi nghĩa vũ trang, phá thế kìm kẹp của địch ở cơ sở, giành quyền làm chủ đại bộ phận vùng nông thôn.
 
Đầu tháng 9 năm 1959, Tỉnh ủy Rạch Giá chủ trương sử dụng lực lượng vũ trang đánh một số trận diệt đơn vị, đồn bót và chi khu để hạ uy thế địch, kết hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giành chính quyền làm chủ từng phần, tạo ra thế mới để phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Tiểu đoàn Ngô Sở, đơn vị lực lượng võ trang cách mạng, do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy mang danh nghĩa giáo phái ly khai chống Mĩ-Diệm, được thành lập tháng 7 năm 1957, được chọn là đơn vị thực hiện tiến công địch ở Chi khu Xẻo Rô. Tiểu đoàn Ngô Sở đứng chân trên các địa bàn trọng yếu của tỉnh, có tinh thần chiến đấu cao, công tác tổ chức và kỷ luật tốt, liên hệ mật thiết với nhân dân và cơ sở cách mạng tại địa phương. Cán bộ tiểu đoàn đã kinh qua kháng chiến chống thực dân Pháp, có quân số trên dưới 300 cán bộ chiến sĩ được trang bị chủ yếu là súng trường, vài khẩu trung liên, mìn và lựu đạn…..
 
Tháng 10 năm 1959, đồng chí Nguyễn Tấn Thanh (Chín Cửu), Phó bí thư Tỉnh Ủy Rạch Giá chính thức giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Quang Quýt (Tám Quýt), Bí thư huyện ủy An Biên và đồng chí Đoàn Thanh Tần (Bảy Tần), Chính trị viên Tiểu đoàn Ngô Sở bằng mọi cách phải tiêu diệt cho được Chi khu Xẻo Rô nhằm làm xáo trộn, phân hóa hàng ngũ địch, hỗ trợ phong trào nổi dạy đấu tranh giành quyền làm chủ của quần chúng. Trận đánh phải đạt được yêu cầu là diệt Chi khu Xẻo Rô, thu toàn bộ chiến lợi phẩm, bảo toàn lực lượng ta, giải thoát cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân bị địch giam giữ trong Chi khu; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân tại chợ Xẻo Rô. Tù binh bắt được, giáo dục tại chỗ rồi thả; tiêu diệt cho được Lâm Quang Quận, tên Quận trưởng gian ác, có nhiều nợ máu với cách mạng, với nhân dân địa phương. Trận đánh cần kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công: Quân sự diệt gọn chi khu, chính trị phát động quần chúng trong huyện nổi dạy giành quyền làm chủ, binh vận đẩy mạnh  hoạt động phân hóa làm tan rã hàng ngũ địch, khéo léo cài mâu thuẫn ly gián làm địch nghi ngờ thanh trừng trong nội bộ.
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng chí Phó bí thư tỉnh ủy giao cho đồng chí chính trị viên tiểu đoàn Ngô Sở tấm sơ đồ nơi chôn giấu vũ khí trước khi lực lượng ta tập kết ra miền Bắc sau hiệp định Genevo. Theo sơ đồ, ta tổ chức tìm kiếm và lấy được đầy đủ số vũ khí bộ đội chôn giấu lại trước khi tập kết, đưa về trang bị cho đơn vị. Tiểu đoàn Ngô Sở nhanh chóng tổ chức chuẩn bị cho trận tiến công Chi khu Xẻo Rô. Ban chỉ huy tiểu đoàn Ngô Sở nhận định tiêu diệt Chi khu Xẻo Rô là đánh vào cơ quan đầu não tại địa phương của địch, bởi, Xẻo Rô có trụ sở hành chính quận Kiên An, nơi đóng quân của tên quận trưởng cùng bọn tề quận, xã, sĩ quan, hạ sĩ quan ác ôn phản cách mạng có nhiều nợ máu với nhân dân. Tại đây, địch có nhiều sơ hở, mục tiêu dễ bị cô lập, hệ thống phòng ngự xung quanh chỉ có 4 lô cốt với hàng rào đơn bố trí đơn giản, phía Nam chi khu có bãi sình lầy, địch cho rằng đây là vật cản tự nhiên nên ít chú ý đề phòng, ta có thể bí mật tiếp cận; phía Tây chi khu địch chỉ bố trí một lớp hàng rào kẽm gai đơn nhưng bị chia cắt ở đoạn giữa bởi một con kênh nhỏ từ sông Cái Lớn chảy vào. Nếu chi khu bị tấn công, để chi viện cho mục tiêu này quân địch chỉ có thể cơ động lực lượng từ Rạch Giá xuống, tuy nhiên, từ tiểu khu Kiên Giang (Rạch Giá) xuống đến Chi khu Xẻo Rô gần 25km chỉ có một con đường duy nhất mà xe cơ giới cơ động được nhưng lại bị chia cắt bởi hai con sông Cái Lớn và Cái Bé, sẽ gây khó khăn nhất định cho quá trình ứng cứu của địch. Tiêu diệt Chi khu Xẻo Rô là chặt đứt vòi bạch tuộc của địch đang thọc sâu vào căn cứ cách mạng U Minh Thượng.
 
Nhờ sự giúp đỡ  tận tình của đảng bộ và nhân dân địa phương, sau 10 ngày, Tiểu đoàn Ngô Sở đã hoàn thành mọi công tác tổ chức chuẩn bị và phương án chiến đấu. Lực lượng tham gia chiến đấu gồm 50 cán bộ chiến sĩ được trang bị súng trung liên, súng trường và mã tấu. Đêm 10 tháng 10 năm 1959, lực lượng của tiểu đoàn hành quân bằng xuống từ mé rừng Ngọn Xẻo Cạn hành quân qua cánh đồng Xẻo Đước đến Ngã Cạy kéo xuồng qua rạch Bàu Môn và ém quân ở khu đồng vắng đìa Cây Mét, hậu Lô Hai xã Đông Yên.
 
Sáng ngày 21/10, trinh sát tiểu đoàn kết hợp với cơ sở cách mạng hợp pháp của địa phương trên địa bàn điều nghiên nắm tình hình địch. Qua điều nghiên, trinh sát ta biết được  Quận trưởng đi Tiểu khu Rạch Giá họp chưa về.Chờ đến 19 giờ Quận trưởng vẫn chưa về nên ban chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh rút quân, ngụy trang, xóa mọi dấu vết trên đường hành quân để đảm bảo bí mật tuyệt đối. Đồng thời bố trí cán bộ, bộ phận trinh sát bám lại địa bàn cùng với cơ sở hợp pháp theo dõi tình hình chi khu.
 
Một tuần sau, đêm 28 tháng 10 năm 1959, lực lượng tiểu đoàn tổ chức xuất phát theo đường hành quân lần trước và vẫn ém quân ở vị trí cũ. Ngày 29/10, chỉ huy tiểu đoàn nhận được tin từ cơ sở hợp pháp báo cho biết tên Quận trưởng có mặt tại chi khu nên quyết định tấn công. Ngay trong đêm, lực lượng đặc công tiểu đoàn cắt rào, mở đường cho bộ đội tiếp cận mục tiêu trong chi khu. Lực lượng ta chia thành 3 mũi tấn công. Mũi 1 có 22 đồng chí do đồng chí Hai Nhâm, đội trưởng dặc công trực tiếp chỉ huy chia làm 3 tổ thực hành luồn sâu tiếp cận và đột nhập vào chi khu, thực hành nổ súng đánh từ trong đánh ra khi có lệnh. Tại mũi 1, tổ 1 có 14 đồng chí do đồng chí Hai Nhâm chỉ huy luồn sâu ém sẵn, nổ súng lệnh đánh chiếm mục tiêu nhà quận trưởng và nhà hành chính quận, phát triển đánh chiếm lô cốt số 3; tổ 2 với 5 đồng chí do đồng chí Bảy Cảnh chỉ huy ém sẵn cặp bờ sông Cái Lớn có nhiệm vụ đánh chiếm lô cốt số 1, bắt liên lạc với mũi số 2 chiếm giữ trại tù chính trị; tổ 3 với 3 đồng chí ém sẵn bờ sông Cái Lớn, nổ súng đánh từ trong đánh ra chiếm lô cốt số 4 và đánh phát triển dọc hai bên đường lên lô cốt số 3 hợp với tổ 1.
 
Mũi 2 với 17 đồng chí do đồng chí Bảy Ngón chỉ huy, có đồng chí Tư Hiếu, Chỉ huy trưởng trận đánh đi cùng. Mũi này được chia làm 3 tổ vượt qua 3 lớp rào phía Nam chi khu ém sẵn sát bờ mương chờ lệnh nổ súng. Nhiệm vụ chung của mũi 2 là đánh chiếm các vị trí dọc theo lô cốt số 2 phát triển chiến đấu vào bên trong hợp với mũi 1 và mũi 3 nhanh chóng làm chủ trận đánh. Mũi 3 có 20 đồng chí do đồng chí Bảy Tần, Chính trị viên chỉ huy được chia làm 3 tổ ém sẵn phía sau công sở tề xã Đông Yên để đánh chiếm công sở này và phát triển đánh chiếm cửa ra của chi khu, một lực lượng bí mật phát triển dọc theo chợ Xẻo Rô đến bao vây nhà tên cảnh sát Võ Văn Ngàn ác ôn và án ngữ đánh chặn địch ở đồn Xẻo Xu không cho chúng kéo quân chi viện cho chi khu khi bị ta tấn công.
 
Đúng 00h05 phút đêm 30/10/1959, các lực lượng ta đồng loạt nổ súng tiến công. Các mũi tiến công nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, lực lượng địch và một số tên ác ôn bị tiêu diệt tại chỗ. Đồng chí Phạm Văn Nhâm cùng hai chiến sĩ đặc công đã bắt sống Quận trưởng Lâm Quang Quận, buộc hắn phải kêu gọi binh sĩ trong chi khu đầu hàng. Sau gần 20 phút nổ súng tiến công, lực lượng ta chiếm lĩnh, làm chủ trận địa, tiêu diệt 50 tên, làm bị thương 15 tên, bắt sống 52 tên, 24 tên đầu hàng,  đọc bản án nêu rõ tội ác và xử bắn tên Quận trưởng Lâm Quang Quận ngay tại cửa văn phòng quận. Bản án tử hình có đóng dấu Tiểu đoàn Ngô Sở. Lực lượng ta thu trên 70 súng các loại, 2 tấn đạn các loại, giải thoát cho trên 100 tù chính trị và nhân dân bị địch bắt giam giữ tại chi khu, số tù binh ta tổ chức giáo dục và tha tại chợ. Trong trận này, lực lượng ta hy sinh 02 đồng chí, bị thương nhẹ 01 đồng chí. Trước khi lực lượng ta rút quân, theo kế hoạch, tổ binh vận giả vờ đánh rơi sổ tay ghi danh sách những tên ác ôn trong ngụy quân, ngụy quyền địch cho là cơ sở của ta để gây mâu thuẫn trong nội bộ địch. Đông đảo quần chúng nhân dân các xã Đông Yên, Tây Yên, Đông Thái phối hợp nổi dậy uy hiếp tinh thần địch, giải tán bọn tề ấp, bọn Thanh niên cộng hòa kéo nhau trở về ruộng vườn cũ. Hàng chục gia đình binh sĩ kéo đến gặp bọn địch đòi bồi thường tính mạng cho chồng con tử trận, đồng thời kêu gọi số binh sĩ còn sống từ bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân.
 
Phát huy chiến thắng vừa giành được ở chi khu Xẻo Rô, Tỉnh ủy Rạch Giá phát động nhân dân vùng lên công kích, khởi nghĩa gỡ đồn bót địch giải phóng nông thôn. Lực lượng võ trang phát huy vai trò là mũi nhọn đắc lực hỗ trợ mạnh mẽ quần chúng nổi dậy đấu tranh làm nên những trận chiến thắng giòn dã ở Ngã Tư Công Sự ngày 30 tháng 2 năm 1960, diệt một đại đội và thu toàn bộ vũ khí, làm thất bại kế hoạch đắp lộ, xẻ rừng U Minh của địch để đánh phá căn cứ cách mạng; lực lượng vũ trang tỉnh tấn công khu trù mật Ba Thê tỉnh An Giang ngày 14 tháng 3 năm 1960, hỗ trợ cho gần 7.000 dân trong khu trù mật phá banh hệ thống kìm kẹp, trở về ruộng vườn. Các tổ chức “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”…ở các xã, ấp tan vỡ từng mảng. Nhiều đơn vị bảo an, dân vệ co lại trong đồn và nơi đóng quân hoặc đào ngũ.
 
Trận thắng Xẻo Rô đã thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh của bộ đội về lực lượng và trình độ tác chiến trước một kẻ thù đông về quân số, mạnh về vũ khí khí tài và khả năng cơ động, thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở nhiều huyện, xã trong và ngoài tỉnh, khắc phục tâm lý e ngại địch khi đối đầu, giải được bài toán cho lực lượng vũ trang của ta là: dù địch ở trong bong-ke kiên cố đến đâu ta vẫn có thể đánh được và có thể chiến thắng nếu biết rõ về kẻ địch và có cách đánh tốt.
 
Chiến thắng Xẻo Rô mang ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc, nó như ngòi nổ thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự gìn giữ lực lượng sang thế tiến công giành thắng lợi, phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch, là tiếng súng giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ và làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.
 
Tiêu diệt chi khu Xẻo Rô là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá, là sự vận dụng sáng tạo Nghị Quyết 15 của Trung ương Đảng, mạnh dạn sử dụng đấu tranh vũ trang hỗ trợ đấu tranh chính trị; chuyển phong trào cách mạng từ thế bị động thành thế chủ động, thể hiện tinh thần mưu trí dũng cảm, sáng tạo của quân và dân khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, dám đánh, biết đánh và quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước.
 
Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-chien-thang-xeo-ro-moc-son-choi-loi-a17552.html