Ụ súng đặt đại bác giờ chỉ còn phần móng
Thành bảo vệ bờ biển
Từ Huế, xuôi theo Quốc lộ 49 tìm về Thuận An. Đến thị trấn Thuận An, theo chỉ dẫn của một xe ôm, chúng tôi rẽ phải đến con đường mang tên Trấn Hải Thành. Sau một buổi dò hỏi từ những cao niên trong làng mới biết rằng Trấn Hải Thành hiện đang là đồn biên phòng của bộ đội biên phòng Thuận An.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đi đến một ngọn đồi và nơi xưa kia đã là địa điểm xây dựng Trấn Hải Thành.
Con đường dẫn lên thành là một bậc cấp với 10 bậc, ngay từ đường dẫn lên thành có một trạm quan sát nằm ngay bên cạnh cửa ra vào có mặt hướng ra phía biển. Thành được xây dựng bằng gạch trát vôi vữa nên rất chắc, có chu vi khoảng 302m, đường kính khoảng 100m, cao 4,5m. Hiện nay, khu thành này đang bao bọc một khu dân cư và là nơi đóng quân của bộ chỉ huy bộ đội biên phòng thị trấn Thuận An.
Thành gồm hai cửa, cửa chính hiện nay là cổng ra vào của bộ chỉ huy bộ đội biên phòng thị trấn Thuận An, ở trên cổng có khắc ba chữ "Trấn Hải Thành", cửa phụ hướng ra bờ biển. Đứng từ đường Trấn Hải Thành nhìn lên sẽ thấy thành có hình vòng cung, trên thành có 99 ụ nổi được xây dựng để đặt đại bác. Trong thành có một ngôi nhà được thực dân Pháp xây năm 1883. Trên đỉnh của tòa nhà có một đài quan sát nhỏ có tên là "Vọng hải đài" dùng để quan sát bờ biển, sau này được lắp thêm đèn dùng để chỉ đường cho các tàu thuyền đi lại trong khu vực.
Tòa nhà bên trong thành hiện bị xâm hại
Di tích hay phế tích
200 năm lịch sử tồn tại, với vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, năm 1998 khu thành này được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên ngay từ năm 1993 Trấn Hải Thành đã được đưa vào danh sách các di tích trong quần thể di tích cố đô Huế.
Theo thời gian, tòa thành này hiện đang xuống cấp trầm trọng. Đài quan sát tại mặt sau của thành hiện đã bong tróc vôi vữa và ngập đầy rác cỏ. Tòa nhà bên trong thành hiện đã xuống cấp, có một phòng lớn và một phòng bé nhưng cả hai phòng này đều bị đóng cửa. Bằng mắt thường có thể thấy rằng ở khu vực trần nhà vôi vữa đã bị bong tróc ra trơ lộ cả phần sắt bên trong. Với 99 ụ súng được đặt tại mặt trước của thành thế nhưng hiện nay nó cũng chỉ còn sót lại phần móng.
Như vậy, Trấn Hải thành xưa - nay chỉ còn lại bờ thành và tất cả đều hoang phế, không có dấu hiệu có sự quản lý, bảo tồn cần có cho một "Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia"; hay ít ra là một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế. Buồn. Rồi chợt nghĩ, cũng còn may là người ta chưa san phẳng để xây một khách sạn hay nhà hàng gì đó!
Duy Trương