Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và đền Quả Sơn (Kỳ cuối)

Lý Nhật Quang - một con người từ cõi sống đã đi vào cõi bất tử ngàn đời được nhân dân suy tôn, ngưỡng vọng. Một con người mà tài liệu chính sử xem như một nhân vật “kéo màn” trên “sân khấu lịch sử”, nhưng lại trở thành sinh động trong pho sử văn hóa, văn học và các truyền thuyết dân gian địa phương (Nghệ An).

Lý Nhật Quang - Danh nhân Đại Việt

Việc thờ cúng tại đền Quả Sơn là một hiện tượng đáng chú ‎ý và “trong các bậc đế vương hay trong hàng các danh tướng lương thần của triều đình (xưa tới nay) cũng đã mấy ai được như thế?” Điều đó chứng tỏ Uy Minh vương Lý Nhật Quang có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của người xứ Nghệ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. 

Đền Quả Sơn có hai bức đại tự và một số câu đối khắc tại cột quyết của các tòa đền cùng tám câu đối sơn son thiếp vàng, hiện đang treo ở nội điện, thể hiện tầm quy mô, uy linh của đền. Chúng tôi xin dẫn ra một số câu tiêu biểu như: “Nam thiên Thánh tích” (Dấu tích Đức thánh tại trời Nam); “Anh linh vạn cổ” (Ngôi đền linh thiêng muôn thuở); “Danh tại sử thư, thần tại miếu/ Công ư bang quốc, đức ư dân”(Để tiếng ở sử sách, làm thần ở đền miếu/ Có công với đất nước, có đức với dân); “Xã tắc nguyên thần Hoàng Lý tử/ Hồng Lam cự Khổn Quả sơn thần” (Nguyên thần đứng đầu của xã tắc là con vua triều Lý/ Ngọn cờ Khổn của người đứng đầu tỉnh xứ Hồng Lam là thần núi Quả - ý muốn nói hoàng tử Lý Nhật Quang là người tiêu biểu nhất trong triều Lý, 215 năm). Hãy còn nhiều câu đối khác nữa thể hiện tầm quy mô, sự cổ kính của đền cũng như sự linh thiêng của Đức thánh Lý Nhật Quang.

Trong số các tài liệu chính sử viết về Ngài, thì cuốn “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên (1329) và cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc (1333) đã đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Lý Nhật Quang đối với lịch sử. Với cuốn Việt điện u linh thì: khi xếp truyện, tác giả không theo thứ tự thời gian, thần nào công đức lớn hơn được tác giả xếp lên trên. Truyện “Uy Minh dũng liệt tá thánh phu hưu đại vương” được xếp đầu tiên, xếp cả trên các thần Long Đỗ, Tô Lịch, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Với cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, có 19 quyển thì nhân vật Lý Nhật Quang được đề cập ở quyển thứ 15, phần nhân vật chí viết: “Danh nhân (Đại Việt) gồm 9 vị: Liên Hữu Phương, An Trung Vương, Uy Minh vương (Lý Nhật Quang), Lê Phụng Hiểu, Trần Lâm, Trần Toại, Trần Tấn, Lê Tần, Lê Văn Hưu”. Theo như sách An Nam chí lược đánh giá thì: cách đây ngót 700 năm, Lý Nhật Quang đã được coi là danh nhân Đại Việt!

Nếu cách đây chừng 700 năm, lịch sử đã từng công nhận Lý Nhật Quang xứng đáng là một danh nhân lớn của Đại Việt, thì ngày nay, ở góc nhìn toàn cục, khi đánh giá, soi chiếu lại lịch sử, có nên chăng cần đưa vào hai chữ “vĩ đại” để Lý Nhật Quang trở thành một “danh nhân vĩ đại” cho xứng với tên tuổi, vai trò, vị thế cùng những công lao mà ông đã đóng góp cho dân tộc, đất nước.

Ngưỡng vọng về uy danh, công đức của Uy Minh vương Lý Nhật Quang

Đời Trần, vua Trần Thái Tông (1251 - 1258), sắc phong: “Uy Minh dũng liệt đại vương”; năm 1285, vua Trần Nhân Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt hiển trung đại vương”; năm 1288, Vua sắc phong thêm: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh đại vương”; năm 1311, vua Trần Anh Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh phu hựu đại vương”. 

Đời Trịnh - Nguyễn phân tranh: chúa Trịnh Căn cho khắc bia suy tôn thần Đền Quả (ngày 20 tháng 4 năm 1661). Đồng thời miễn thuế vụ mùa và thuế binh bộ cho dân Bạch Đường để lo hương khói, tế tự cho đền. Chưa dừng lại, đời Hậu Lê: năm 1746, vua Lê Hiển Tông sắc phong: “Hiển linh hộ quốc Hồng Huân Đại vương”. 

Còn vào đời Nguyễn: năm 1821, vua Minh Mạng sắc phong: “Hữu thánh Khuông quốc chi thần”; năm 1843, vua Thiệu Trị sắc phong: “Vệ chính Khuông quốc chi thần”; cùng năm ấy, vào tháng 10 lại sắc phong: “Vệ chính địch Quả khuông quốc chi thần”. Từ 1850 đến 1860, vua Tự Đức có 3 lần sắc phong: năm 1850 là “Khuông quốc tôn thần”; năm 1854 là “Nghệ An khuông quốc tôn thần”; năm 1860 là “Đặc chuẩn hứa kỳ y cựu phụng tử”. Năm 1886, vua Đồng Khánh sắc phong: “Đặc chuẩn hứa kỳ y cựu phụng tử, dực bảo trung lương, trung đẳng thần”. Năm 1914, vua Duy Tân sắc phong: “Đặc chuẩn y cựu phụng tự”. Năm 1917, vua Khải Định sắc phong: “Đoan túc dực bảo trung hưng tôn thần”.

Kiến trúc thời Lý - Trần

Đền Quả Sơn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, được liệt vào hàng “quốc tế, quốc tạo”, sau đó được trùng tu và nâng cấp nhiều lần vào thời Hậu Lê, Nguyễn. Đến đầu thế kỷ thứ 20, ngôi đền có quy mô 7 toà 42 gian mang phong cách kiến trúc thời Lý - Trần đã được xếp vào hạng Quốc tế và Quốc tạo, tức là nhà nước đứng ra tế lễ và xây dựng, là một trong “tứ đại thắng tích” (Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng), “đệ nhất danh thiêng” của xứ Nghệ. Trải qua chiến tranh, hầu hết các công trình kiến trúc gốc của đền đều bị phá hủy. 

Đến thời hậu Lê thì diện mạo của đền có quy mô lớn gồm ba toà chính điện (thượng, trung, hạ điện), tả vu, hữu vu, lầu ca vũ, nhà hoả, nhà canh, tam quan. Trong đền có di tượng Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, có nhiều đồ tế khí chạm khắc tinh vi, đạt trình độ điêu khắc cao, do vua chúa nhiều triều đại ban tặng hoặc nhân dân tiến cúng. Phần mộ đức thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, có nhà bia, có nhà ngựa và ông ngựa, có cổng Tam quan và hàng nghìn cổ vật, bằng bạc, đồng và gỗ, đặc biệt có di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các long ngai, tế khí thời Lý…

Lễ hội đền Quả Sơn

Tại Nghệ An, lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội lớn vào loại bậc nhất. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng giêng Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thông nhất đất nước ở thế kỷ XI (1039 - 1055). 

Tương truyền, xưa kia, trước khi Ngài đi đánh giặc thì thường lên Tiên Tích Tự (Chùa Bà Bụt) để khẩn cầu. Và sau khi đánh giặc về đều lên Tiên Tích Tự để báo công. Chính vì thế, trong lễ rước bao giờ cũng rước từ đền Thánh lên chùa Bà Bụt là vậy. Lễ rước tại đền Quả rất đặc biệt, rước đường sông và rước đường bộ (phỏng theo ngày xưa Ngài đi đánh giặc). Đây là hoạt động nhằm tái diễn lại ngày xưa Ngài luyện quân thủy, tạo hào khí chiến đấu. Lễ chính của Ngài được tổ chức vào ngày 17/12 (âm lịch). 

Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm sống động tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá dân gian.

Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian và nghệ thuật dân tộc như đánh đu tiên, chọi gà, cờ thẻ, cờ người, đấu vật, múa võ, đặc sắc nhất là đua thuyền bơi chải xuôi ngược dòng Lam, hát chầu văn, ca trù, diễn các tích chèo, tuồng cổ… Lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao như: Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cắm trại, triển lãm, trưng bày bán các loại ấn phẩm văn hoá, tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đi tham quan các di tích danh thắng trong vùng. 

Có dịp, chúng ta nên một lần về với Đền Quả Sơn, để nghe dân chúng nơi đây thủ thỉ những giai thoại về Ngài - Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, để hòa mình vào phần lễ hội, để thả mình vào những trò chơi dân gian được tổ chức. Hơn cả, để mắt thấy tai nghe một trong tứ đại thắng tích, và đệ nhất danh thiêng - Đền Quả Sơn. 

“Hiển hách thần linh hương khói miếu đền lưu vạn đại/ Lừng danh tông tộc núi sông ghi nhớ mãi ngàn năm”. 

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/uy-minh-vuong-ly-nhat-quang-va-den-qua-son-ky-cuoi-a17446.html