Bốn ngôi đền lớn nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ - Tĩnh kể trên, được Nhà nước xây dựng và tổ chức tế tự, được coi là: “Anh châu đệ nhất từ”, “Anh linh đệ nhất từ”, “Chung cổ tối linh từ” (Đền linh thiêng vào bậc nhất) thì duy chỉ có Đức thánh Đền Quả được mệnh danh là: “Đại phúc thần của cả châu”.
Điều đó chứng tỏ rằng đền Quả Sơn có một vị trí đặc biệt, xứng tầm với tên tuổi, công trạng mà Lý Nhật Quang đã đóng góp cho vùng đất Nghệ An cũng như sự hiển ứng linh thiêng của Ngài đối với đất nước, nhân dân ngót gần một nghìn năm lịch sử. Có lẽ xuất phát từ những bình diện đó nên ngày 12 tháng 2 năm 1998, đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Chứng tích hiển ứng linh thiêng
Vào thời Trần Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong (1225 - 1258), trong lần xuất quân đánh Chiêm Thành, vua cho thuyền chở kiệu Ngài đi tiên phong. Trận đó, quân nhà Trần thắng lớn. Sau khi khải hoàn, đền Quả Sơn được vua sắc phong “Uy Minh dũng liệt đại vương”.
Mùa đông năm Tân Hợi (1311), vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trong trận đánh ấy, ngự dinh của vua bị quân Chiêm Thành bao vây, đương lúc nguy cấp bỗng trời nổi giông tố, “một toán quân do một tướng, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, uy nghi ngồi trên mình ngựa kéo đến. Tướng này tả xông hữu đột, khi đến trước đoàn quân Chiêm Thành, tướng này lấy mũ trụ ra, tự xưng: “Ta là Tam Tòa Đại vương đây!”. Quân Chiêm Thành nghe nói vậy, biết là Tam Tòa Lý Nhật Quang liền bỏ khí giới, quỳ xuống lạy. Khi ngẩng đầu lên không thấy Đại vương đâu nữa”. Vua Trần Anh Tông sắc phong cho đền Quả Sơn là: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh phu hựu Đại vương”.
Khi hai phe phái Trịnh - Nguyễn phân tranh (1658 - 1661), quân Trịnh (Đàng Ngoài) thế lực yếu; quân Nguyễn (Đàng Trong) thế lực mạnh, chúng định tập kích tại đồn của Trịnh Căn đóng ở xã An Trường (Rú Quyết), huyện Châu Phúc, nay thuộc TP.Vinh. Chúa Trịnh sai người về đền Quả cầu đảo, được Lý Nhật Quang giáng linh, truyền bảo: “Có giặc từ phía Đông Thành, đưa thư thông với trại giặc, ta đã bắt sống giữ ở lưng núi. Các ngài mau mau giải đến cửa quân để tuyệt mọi âm mưu của chúng”. Sự việc quả ứng nghiệm như vậy. Sau chiến thắng, Chúa Trịnh cho khắc bia (ngày 20 tháng 4 năm Vĩnh Thọ thứ tư, tức 1661) để tưởng tôn Đức thánh Lý Nhật Quang, đồng thời miễn thuế vụ mùa và thuế binh bộ cho nhân dân xã Bạch Đường để tiện bề lo việc hương khói, hàng năm tế tự cho Đền Quả.
Vào đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ bảy (1746), giặc biển vào quấy phá cửa Hội, quân trấn thủ Nghệ An đối phó không được, thiết đàn cầu tế Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, thế rồi “sấm sét nổi lên, cát bụi bay mù, thuyền bè bị đắm chìm, bọn giặc biển tan tác phải tháo chạy”. Tin ấy về đến kinh đô, vua cho người mang sắc phong vào đền Quả Sơn gia phong mĩ tự là: “Hiển linh hộ quốc Hồng Huân Đại vương”. Vào tháng 3 năm sau (1747), bọn “man dân” từ Quỳ Châu tràn xuống giết chóc, phá phách và đốt cháy hai thôn Tiên Nông, Tào Giang thuộc Bạch Đường cùng một số vùng khác của Truông Dong và Tân Kỳ. Nhân dân hoảng hốt vào Đền Quả cầu đảo Ngài, “tự nhiên sấm sét, bão tố nổi lên nhanh chóng, nghe rầm rầm ở trong núi. Bọn giặc ngờ rằng gặp phải phục binh, bèn lui quân về bến Suối (thuộc Tân Kỳ). Nhưng nước sông lại dâng to lên, làm cho quân giặc chết đuối không biết bao nhiêu mà kể”. Nhà vua lại truyền cho “ba xã thôn được dùng công điền, từ điền để làm ruộng tế. Lại miễn tô thuế, miễn các việc dung sưu, binh phân, hộ phân” cho xã Bạch Đường.
“Chăm lo, phụng sự chu đáo cho Đền Quả”
Thời Hậu Lê, nhà vua lệnh cho 7 làng trong xã Bạch Đường được miễn thuế má, miễn đi lính, phu phen tạp dịch để nhân dân chăm lo tạo lễ, tế tự Đền Quả. Đó là sự ưu ái, đồng thời là sự ủy thác rất lớn của triều đình đối với nhân dân Bạch Đường, với quan niệm “chăm lo, phụng sự chu đáo cho Đền Quả”.
Các ngôi đền, ngôi chùa lớn của nước ta cũng chỉ được dăm ba chục mẫu ruộng hương hỏa hoặc một vài làng làm dân tạo lễ mà thôi. Song, có lẽ Đền Quả là ngôi đền duy nhất được 7 làng làm dân tạo lễ, với khoảng 15km2 đất đai dùng cho việc phụng sự đền.
Việc xây dựng đền được tiến hành sau khi Uy Minh vương hiển thánh. Mười lăm năm sau (1072), thái sư Lý Đạo Thành vào làm Tri châu Nghệ An, ông đã cho tôn tạo mở rộng đền. Vào đời Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông sau thắng trận đều gia phong mĩ tự (sắc) và nâng cấp Đền Quả. Thời Lê, triều đình còn phái các vị thượng thư bộ lễ, quan ở thẩm hình viện về chỉ đạo trùng tu, xây dựng đền. Cuộc trùng tu miếu điện mà thư tịch cổ địa phương còn ghi lại được: “Năm Quý Dậu, niên hiệu Đức Long năm thứ năm (1663), văn tổ Nghị Vương (Trịnh Tráng) đã sai trùng tu miếu điện và tả hữu lang, vũ nghi môn, cả bảy tòa đều lợp ngói chạm rồng”. Nếu hình dung thì quy mô cấu trúc đền Quả Sơn ngày xưa còn lớn hơn cả đền Đô và Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày nay.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, đền Quả Sơn luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cùng kết hợp với nhân dân quan tâm, tôn tạo, nâng cấp, cơi nới cũng như đẩy mạnh hoạt động lễ hội và tế tự.
Từ 1990 đến nay, Đền đã nhiều lần được thông qua dự án quốc tế có cấp tỉnh đóng dấu về việc tôn tạo, nâng cấp, cơi nới. Cứ mỗi lần như vậy, diện mạo, quy mô đền Quả lại được chỉnh trang và mở rộng thêm. Đặc biệt, năm 2009, cuộc họp diễn ra ở thành phố Vinh gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, những người lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương cùng nhau thảo luận, tham mưu, bàn bạc để đi đến thống nhất hình thành dự án, lập duyệt hồ sơ tôn tạo, nâng cấp đền Quả đúng với vị trí, quy mô, cấu trúc của ngôi đền cũ (trước 1952).
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/uy-minh-vuong-ly-nhat-quang-va-den-qua-son-sinh-vi-tuong-tu-vi-than-ky-2-a17440.html