Tượng Uy minh Vương Lý Nhật Quang
“Sinh thời đỡ lệch cứu suy…”
Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ - là nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp lớn lao cho vùng đất Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Một nhân vật lịch sử có nhiều công trạng như Lý Nhật Quang, đáng tiếc rằng chính sử lại ghi chép quá sơ lược so với dã sử, nguồn tài liệu văn hóa, văn học và các truyền thuyết dân gian. Điều này làm cho không ít người luôn băn khoăn và quan tâm về ông. Trong bài viết này, chúng tôi bàn đến vai trò, sự nghiệp, công lao của Lý Nhật Quang đã đóng góp cho đất nước lúc sinh thời, cũng như vị thế, tầm ảnh hưởng của Ngài với tư cách là một vị linh thần đền Quả Sơn trong tâm thức nhân dân Nghệ An và cả nước ngót gần một nghìn năm qua.
Là một người với tư chất mẫn tiệp, văn võ song toàn, thông minh và đức độ, lại xuất thân từ dõng dõi hoàng tộc - dòng dõi triều Lý, nên Lý Nhật Quang có đủ các điều kiện từ thiên bẩm đến môi trường giáo dục để trở thành một con người đảm đương sứ mệnh “cứu nước cứu dân”.
Từ năm 1039 đến năm 1055, tên tuổi của Lý Nhật Quang đã đi vào lịch sử, tâm thức nhân dân châu Nghệ An, châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), vùng Bình Định của nước Chiêm Thành… về hình ảnh một vị anh hùng, một vị dũng tướng đầy oanh liệt trên chiến trận và một vị Tri châu luôn quan tâm đến đời sống, cái ăn cái mặc của nhân dân. Sau khi mất (1055), tên tuổi của ông lại càng đi vào lịch sử, huyền sử đầy sắc màu thần thánh của những vùng đất này: là một vị thần, một vị thành hoàng, một đại phúc thần của cả châu. Ngôi đền Quả Sơn thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là nơi đặt ngai vị và di tượng thờ Ngài. Cuộc đời, sự nghiệp của Lý Nhật Quang trở thành một nhân vật bất tử “Sinh vi tướng, tử vi thần” hay “Sinh thời đỡ lệch cứu suy/ Quy tiên hiển thánh giải nguy hộ đời”.
Năm 1039, sau khi được vua Lý Thái Tông (Lý Đức Chính - Phật Mã) cắt cử vào Nghệ An để giữ chức thu thuế, Lý Nhật Quang đã phát huy cao độ trách nhiệm của mình tại vùng đất này. Chính vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, cộng với việc ông tiếp tế quân lương đầy đủ cho nhà vua trong lần chinh phạt Chiêm Thành, nên khi chiến thắng trở về, được vua Lý Thái Tông tin cẩn, ban cho tước “vương” và quyền “tiết việt”, được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An (1041). Như vậy, chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, từ một vị quan giữ chức thu thuế của một châu, lại được phong lên làm một vị quan Tri châu - người đứng đầu của châu đó. Từ một tước “hầu” (Uy Minh hầu) rồi được ban quyền “tiết việt” lại tiếp tục được phong tước “vương” (Uy Minh vương). Tất cả, chứng tỏ rằng Lý Nhật Quang rất có tài, có năng lực đảm đương trọng trách được giao ở một vùng biên viễn, cơ mi (ki - mi - “ràng buộc lỏng lẻo”), phên dậu phía Nam của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ.
Trong vòng 16 năm ở châu Nghệ An (từ 1039 đến 1055) Lý Nhật Quang từng giữ hai chức vụ chính: chức thu thuế và chức tri châu. Hành trình 16 năm nhậm chức trên đất Nghệ An, với ông là một hành trình không mệt mỏi, không ngưng nghỉ cho lý tưởng giúp nước giúp dân. Nghệ An thời đó, từ một châu nghèo nàn biến loạn, sau 16 năm được Uy Minh vương Lý Nhật Quang ra sức xây dựng, dìu dắt nhân dân trở thành một châu phồn thịnh về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, làm chỗ dựa cho Thăng Long, cho triều Lý và các triều đại về sau.
Có được những thành quả ngoạn mục đó là chính bởi xuất phát từ tài năng và nghị lực của mình mà Lý Nhật Quang đã làm nên những công trạng lớn như: Khi trở thành một vị tri châu, Lý Nhật Quang đã bắt tay ngay vào việc: lập lại trật tự kỉ cương xã hội; giữ nghiêm phép nước; đề cao quản lý xã hội bằng bộ máy hành chính có hiệu lực (dựa vào bộ luật Hình Thư); góp công vào thắng lợi trong lần vua Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành (1044).
Lý Nhật Quang rất quan tâm đến đời sống của nhân dân và chăm lo phát triển kinh tế cho họ. Là một vị Tri châu vừa có tài mà lại vừa có tâm. Bằng đường lối chính trị vương đạo, thân dân, biết khoan thư sức dân, đề ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho dân, biết quan tâm vỗ về họ, đó là cội rễ để Lý Nhật Quang sớm đi vào lòng dân xứ Nghệ.
Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) một trong tứ đại thắng tích, đệ nhất danh thiêng của Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Diệu
Mở mang “5 châu, 22 trại, 56 sách”
Minh chứng cho năng lực về quân sự, chính trị kể trên của Lý Nhật Quang đó là việc: ông đã có tầm nhìn rộng mang tính chiến lược khi quyết định mở các cảng biển dọc biển Thanh - Nghệ, mở các tuyến đường thượng đạo để vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quốc phòng. Hai con đường quan trọng được Lý Nhật Quang cho nhân dân mở dưới thời ông trị nhậm đó là: Đường thứ nhất: bắt đầu “từ Đô Lương qua Nghĩa Hành, Nghĩa Phúc, lên nông trường Sông Con, qua Thái Hòa (Nghĩa Đàn) rồi theo đường lên Bãi Chành để nối liền với con đường thượng đạo của Thanh Hóa ra Hoa Lư, Thăng Long”. Đường thứ hai: bắt đầu “từ Đô Lương qua Anh Sơn lên Cự Đồn thuộc phủ Trà Lân cũ tức thành Trà Long hay Thành Nam ở huyện Con Cuông hiện tại rồi qua Hội Nguyên lên Mường Mật ở Tương Dương và Kỳ Sơn đến giáp nước Lào”. Ông còn cho dân mở thêm tuyến đường từ Đô Lương vào tới Đèo Ngang.
Lúc bấy giờ giặc Lão Qua (Lào) thường quẫy nhiễu ở biên giới phía Tây, Lý Nhật Quang phải thân chinh cầm quân dẹp giặc và thu về thắng lợi. Đồng thời, ông còn trực tiếp thống lĩnh thủy quân vào Bình Định dẹp loạn theo cầu viện của chúa Chiêm Thành.
Uy lực của Lý Nhật Quang còn ảnh hưởng ra tận vùng Thanh Hóa. Ở đây, ông đã cho xây trại Bà Hòa với “thành cao, lũy sâu… chứa được ba, bốn vạn quân, kho tàng tiền lương đủ dùng ba năm. Ngoài ra ông còn đốc thúc nhân dân xây dựng thêm 50 kho thóc để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng”. Ông cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng thường trực bảo vệ phủ lỵ Bạch Đường (nơi ông làm việc). Dưới thời Lý Nhật Quang trị nhậm, đã có được một lực lượng quân sự mạnh nhờ áp dụng thực hiện tuyển binh theo luật vương triều và thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Ngoài ra, ông còn thiết lập nên các đội tuần binh, dân binh để canh phòng, giữ an ninh trong châu.
Thời đó, biên giới phía Nam nước Đại Việt mới chỉ đến Đèo Ngang. Để mở mang bờ cõi quốc gia, ông đã dùng ấn tín phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 châu, 22 trại, 56 sách” làm cho bờ cõi phía Nam được yên ổn.
Việc chọn Bạch Đường làm phủ lỵ cho cả châu Nghệ An thời đó được các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà địa lý đánh giá rất cao tầm nhìn “xuyên cả thời gian không gian”, sự hiểu biết uyên thâm của Lý Nhật Quang. Đây là vùng đất có nhiều ưu thế: vừa là nơi phong cảnh hữu tình hài hòa núi sông (núi Quả và sông Lam), mang giá trị về danh thắng; vừa là nơi trung tâm về địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự; lại phù hợp về phong thủy, long mạch. Phủ lỵ Bạch Đường có tính ổn định cho nhiều thời đại về sau.
(Còn tiếp)
Nguyễn Diệu