Mùa Đông năm 1285, nước Đại Việt bị đại họa. Năm 1279 đế quốc Nguyên Mông đã đánh bại nhà Nam Tống, chinh phục xong Trung Quốc. Hoàng Đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt cho rằng đã đến lúc tiến hành xâm lược Đại Việt để rửa mối thù trong cuộc xâm lược lần thứ nhất thất bại năm 1258, để mở rộng lãnh thổ đế quốc không chỉ xuống Đại Việt mà còn đến tận Đông Nam châu Á và còn tiến xa hơn nữa.
Thực hiện dã tâm đó, năm 1285, Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân do Thái tử Thoát Hoan làm Tổng chỉ huy chia làm 3 đạo theo ba đường tiến vào Đại Việt. Đạo chủ lực do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy gồm 30 vạn quân vượt ải Nam Quan chiếm đạo Lạng Giang và tràn xuống Thăng Long, đạo thứ hai đột nhập vào đạo Lào Cai từ hướng Tây Bắc tràn xuống Thăng Long. Đạo thứ ba do Toa Đô chỉ huy vượt biển đột nhập vào Vương Quốc Chiêm Thành, đánh vào đạo Quảng Bình rồi tiến lên phía bắc qua vùng Hoan - Ái. Ba cánh quân như ba gọng kìm thít chặt lại nhằm tiêu diệt quân chủ lực của Đại Việt và bắt sống vương triều Trần để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Tranh minh hoa. Thoát Hoan phải chui vào ống đống chạy trốn về nước. Nguồn: Internet.
Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo từ Vạn Kiếp đem 20 vạn quân lên biên ải chặn giặc. Quân Đại Việt dựa vào địa thế hiểm yếu chặn đánh địch kịch liệt. Nhưng thế giặc quá mạnh, vòng vây của chúng bao vây quân Trần đang hình thành. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, Hưng Đạo Vương cho quân rút lui về Vạn Kiếp.
Bầu trời mùa đông miền Lạng Giang u ám, gió rét thổi từng đợt lạnh thấu da thấu thịt. Đồi núi uốn lượn xanh xám đang rung động bởi không khí chiến tranh binh lửa lan tràn, không gian vang động tiếng reo hò, chém giết, tiếng gươm giáo khua vang chết chóc, tiếng bước chân hàng vạn quân đi rầm rập, tiếng ngựa hí voi gầm. Quân Trần vừa kiềm chế quân địch vừa rút lui có trật tự và nhanh chóng, khẩn trương. Cờ xí rợp trời, bụi cuốn mù mịt. Đất trời miền Lạng Giang như rung chuyển. Phía sau không xa những cột khói đốt nhà của quân xâm lược bốc cao ngút trời. Những âm thanh hỗn loạn như những đợt sóng ào ào ập tới. Đó là tiếng người ngựa của quân Nguyên Mông đang truy kích quân đội nhà Trần.
Hưng Đạo Vương đã cho quân đội rút lui gần hết, chung quanh Quốc công Tiết chế chỉ còn đạo hậu binh đi chặn hậu và những gia nô tùy tướng. Quốc công Tiết chế cỡi trên mình một con voi đen do Dã Tượng điều khiển, nó sãi những bước như trái núi di động. Con voi cũng cảm nhận được sự nguy hiểm đang đe dọa chủ tướng nên nó sãi bước rất nhanh. Xung quanh con voi là những con ngựa chiến của tướng Phạm Ngũ Lão, của Cao Mang, của Nguyễn Địa Lô đang phi nhanh theo voi để bảo vệ chủ tướng. Chạy theo ngựa voi là những dũng sĩ chạy bộ lao vun vút rầm rập.
Từ phía hậu quân một lính do thám phi nhanh ra cờ hiệu cho Quốc công Tiết chế dừng lại. Dã Tượng gõ nhẹ búa vào đầu con voi, voi dừng lại. Lính do thám cấp báo:
- Dạ, bẩm Quốc công Tiết chế, kỵ binh giặc đã nhanh chóng bịt chắn tất cả các ngả đường bộ. Nếu Quốc công đi đường bộ sẽ rất nguy hiểm. Xin Quốc công nhanh chóng quyết định.
Quốc công Tiết chế nói với Dã Tượng:
- Ta đã trù liệu trước, đã cho Yết Kiêu cắm thuyền đợi ta ở bến Bãi Tân thuộc sông Lục Nam. Nhưng đã quá thời điểm ta hẹn Yết Kiêu từ lâu, vả lại quân giặc tràn ngập khắp nơi, chắc gì Yết Kiêu còn ở đó.
Dã Tượng nói:
- Bẩm Quốc Công Đại Vương, Yết Kiêu là người tận trung, lại càng không phải là người sợ chết. Quốc công chưa đến thì dứt khoát Yết Kiêu còn cắm thuyền chờ đợi. Xin Quốc công đến Bãi Tân rồi đi thuyền cho an toàn. Hưng Đạo Đại Vương nói:
- Thôi đành vậy, vận của Triều đình, của Đại Việt chưa hết thì Yết Kiêu còn cắm thuyền chờ đợi.
Dã Tượng điều khiển cho voi đi xuống bờ sông Lục Nam và tiến về Bãi Tân. Quả nhiên từ xa đã nhìn thấy Yết Kiêu đang đứng cạnh con thuyền mé sông chờ đợi. Quốc Công ra lệnh cho Phạm Ngũ Lão chỉ huy hậu quân rút theo đường bộ, không cần đi theo hộ tống nữa. Con voi lao với tốc độ kinh khủng đến Bãi Tân. Yết Kiêu đỡ Quốc công xuống thuyền. Dã Tượng điều khiển voi rút theo đường bộ theo hậu quân của Phạm Ngũ Lão. Khi thuyền của Yết Kiêu sang đến bờ phía nam sông Lục Nam thì phía bờ bắc kỵ binh quân Nguyên - Mông đã tràn xuống dày đặc. Nhưng kỵ binh Mông Cổ ghì cương ngựa bất lực trước dòng sông, ngựa tung vó trước lên trời hí vang, bụi tung mù mịt khắp dòng sông.
Sự trung thành và can đảm của Yết Kiêu đã cứu được chủ tướng, trụ cột của cuộc kháng chiến cứu nước. Chiều tối khi về đến Tổng hành dinh ở Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo Đã đánh giá sự kiện này như sau: Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ sáu trụ cánh, nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường mà thôi. Các tướng dạ ran và hiểu ý Quốc công Tiết chế muốn nói rằng: Người tướng tài giỏi cũng là nhờ những người chung quanh mình ra sức phò tá trung thành giúp sức. Nếu không thì cũng chỉ là một người bình thường, không thể làm nên nghiệp lớn.
Sau sự kiện kiên quyết cắm thuyền đợi chủ tướng, không quản hi sinh tính mạng, Yết Kiêu càng được Quốc công Tiết chế tin dùng, trở thành một trong bốn gia tướng thân cận nhất bảo vệ Hưng Đạo Vương. Ba người kia là Dã Tượng, Cao Mang, Nguyễn Địa Lô.
Lại nói về thế quân Nguyên Mông quá mạnh, để không cho giặc nhanh chóng đạt được mục đích là tiêu diệt toàn bộ quân chủ lực Trần, bắt sống vương triều, Trần Hưng Đạo thực hiện cuộc rút lui chiến lược khỏi Vạn Kiếp, khỏi kinh thành Thăng Long, hộ vệ xa giá của Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Trường Yên đạo Ninh Bình. Hai đạo quân ta ở Tây Bắc do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy và đạo quân phía Nam do Chiêu Minh Vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy cũng đã rút về đây. Phía bắc quân Thoát Hoan đã truy kích đến Thiên Trường Nam Định, phía Nam quân Toa Đô đã truy sát đến Ái Châu (Thanh Hóa). Hai gọng kìm khổng lồ của giặc đã kẹp triều đình vào giữa. Thế nước lúc này nguy nan như nghìn cân treo sợi tóc, như trứng để đầu gậy. Trần Hưng Đạo đã đưa triều đình ra vùng biển Quảng Ninh và khi quân Toa Đô ra đến Ninh Bình thì Người lại đưa triều đình về Thanh Hóa, thoát khỏi thế bao vây truy sát của giặc.
Trong những ngày nguy nan nhất của đất nước, Yết Kiêu đã cùng các gia tướng ra sức hộ vệ Hưng Đạo Vương và triều đình, hoàn thành việc rút ra Quảng Ninh và vào Thanh Hóa an toàn.
Tranh minh họa Internet
Suốt mùa Đông truy kích liên tục mà quân Nguyên Mông không đạt được mục tiêu chiến lược là tiêu diệt quân chủ lực Đại Việt, bắt sống triều đình. Mùa hè đã sang, quân Nguyên Mông hết lương thực, đói khát, bệnh tật hoành hành, lại bị dân binh Đại Việt tiêu hao. Quân Nguyên Mông đứng trước nguy cơ bị thất bại. Trần Hưng Đạo nắm thời cơ, ra lệnh cho quân Đại Việt phản công chiến lược tiêu diệt quân thù. Quân Đại Việt đồng loạt tấn công phá vỡ phòng tuyến của địch ở đồng bằng sông Hồng với những chiến thắng ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết. Nhiều tướng lĩnh lừng danh và hàng vạn quân Nguyên Mông bị tiêu diệt trong những trận chiến trên, trong đó có tên tướng Toa Đô, một tướng thiện chiến nhất của Nguyên Mông bị chặt đầu tại Hàm Tử.
Biết chiến tranh đã thất bại, Thoát Hoan bỏ Thăng Long chạy về Vạn Kiếp. Từ Vạn Kiếp Thoát Hoan dẫn quân đội chạy theo đường Lạng Giang lên Ải Nam Quan. Dọc con đường này Quốc công Tiết chế đã cho quân Đại Việt mai phục, đánh giết quân Nguyên Mông khiến xác giặc rải dài chồng chất suốt 300 dặm. Những tướng lĩnh của quân Nguyên Mông từng lừng danh trên các chiến trường châu Âu, châu Á đều bỏ mạng trên con đường này bởi những mũi tên thuốc độc của đồng bào Tày, Nùng. Để tránh bị tên thuốc độc, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân lính khênh, mở đường máu mới thoát về bên kia biên giới.
4. Hai lần xâm lược Đại Việt thất bại đã làm cho Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vô cùng nhục nhã. Lúc này, sau khi chiếm được Trung Quốc rộng lớn đế quốc Nguyên Mông đang ở vào thời huy hoàng và đỉnh cao của những võ công hiển hách nhất kể từ thời Thành Cát Tư Hãn và Oa Khát Đài. Vó ngựa của quân Nguyên Mông đã khua dồn dập trên các chiến trường châu Âu, đã dìm các vương quốc Nga và Nam Âu trong máu lửa. Vó ngựa của các chiến binh dũng mãnh này đã khua cát bụi khắp thế giới Arập. Chỉ một buổi sáng hàng vạn dân thành Bát Đa phải đầu rơi máu chảy, đem đến những trận cuồng phong máu và lửa. Chỉ một viên tướng nhỏ của đội quân này là Ngột Lương Hợp Thai đã làm cho nước Đại Lý của người Thái (nay là Vân Nam - Trung Quốc) tan tành trong chết chóc và nước mắt. Chính Hốt tất Liệt, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn đã tiêu diệt triều đại của người Lưu khi đó đang thống trị nửa phía Bắc Trung Quốc. Năm 1279 Hốt Tất Liệt đã tiêu diệt triều Nam Tống ở phía Nam Trung Quốc. Đại Đô (Bắc Kinh) trở thành kinh đô của một đế quốc hung bạo rộng lớn mà lãnh thổ của nó vắt qua từ Thái Bình Dương đến Hắc Hải.
Thế nhưng đế quốc vô địch rộng lớn đã bị Đại Việt nhỏ chưa bằng một tỉnh của Đế quốc Nguyên Mông, dân số khoảng 7 triệu người đánh bại qua hai lần xâm lược. Không tiêu diệt được Đại Việt thì Hốt Tất Liệt không nuốt trôi mối hận thù, vó ngựa quân Nguyên Mông không thể tung hoành xuống các nước Đông Nam Á và biển Đông, không thể rửa nhục cho Thái tử Thoát Hoan, vị hoàng đế tương lai của đế quốc mà phải chui vào ống đồng mới thoát chết.
Tham vọng và hận thù đã làm cho Hốt Tất Liệt mê muội không phân biệt được chính tà, phải trái. Y chỉ có một triết lí ngu muội là đã là đế quốc lớn thì phải chinh phục nước nhỏ, bất chấp hậu quả sau này.
Thế rồi sau hai năm hì hục chuẩn bị, cuối năm 1287 Nguyên Thế Tổ huy động 50 vạn quân gồm bộ binh, kỵ binh, thủy binh mở cuộc viễn chinh xâm lược Đại Việt lần thứ ba.
Một mùa Đông u ám, gió rét thổi căm căm, 30 vạn bộ binh và kỵ binh do Thoát Hoan chỉ huy qua Ải Nam Quan tràn xuống miền Lạng - Giang và tràn xuống Thăng Long. Đạo Thứ hai khoảng 15 vạn bộ binh và kỵ binh đột nhập vào Lào Cai, theo hướng Tây - Bắc tiến xuống. Đạo thủy binh khỏang 5 vạn lính, 500 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy từ châu Khâm, châu Liêm đột nhập từ miền biển Đông Bắc của Đại Việt vào sông Bạch Đằng. Theo sau chiến thuyền là đoàn thuyền lương 70 vạn thạch do Trương Văn Hổ, một tướng cướp biển ở đảo Hải Nam đã qui thuận nhà Nguyên chỉ huy.
Tại mặt trận phía Bắc sau những lần giao chiến tiêu hao quân địch, 20 vạn quân của Quốc công Tiết chế rút khỏi biên giới, sau đó rút khỏi Vạn Kiếp. Triều đình cũng rút khỏi Thăng Long. Cánh quân Trần ở mạn Tây Bắc cũng rút lui. Ở mặt trận Đông Bắc, thủy quân Nguyên Mông đã đánh bại cánh thủy quân Trần do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy. Do đó, Ô Mã Nhi ngạo mạn tiến nhanh vào sông Bạch Đằng, bỏ lại đoàn thuyền lương, cái dạ dày của quân viễn chinh không ai bảo vệ nên đã bị Trần Khánh Dư tiêu diệt ở Vân Đồn, 70 vạn thạch lương mà Nguyên Thế Tổ dày công chuẩn bị đã chìm xuống nuôi cá ở Bái Tử Long. Thủy quân Nguyên Mông vào đậu san sát ở Lục Đầu Giang.
Thoát Hoan chiếm kinh thành Thăng Long. Quân Nguyên Mông tràn khắp châu thổ sông Hồng, chúng đi đến đâu lửa đốt nhà ngút trời, dân Đại Việt hiền lành có làm gì chúng đâu mà đầu rơi máu chảy. Chúng bỗng nhiên vô cớ từ xa đến gây tội ác trời không dung đất không tha, quỉ thần đều rên xiết căm giận. Lòng căm thù quân xâm lược của người dân Đại Việt cháy ngùn ngụt đất trời.
Lục Đầu Giang là con sông đầu mối đi vào những con sông lớn ở miền Bắc Đại Việt. Từ Lục Đầu Giang theo sông Lục Nam, sông Đáp Cầu, sông Thương có thể du hành lên mạn Lạng Giang đầy huyền bí, về đất Vũ Ninh xưa. Từ Lục Đầu Giang có thể theo sông Kinh Thầy, Kinh Môn xuôi theo sông Giá hoặc sông Bạch Đằng ra vùng biển miền Đông Bắc. Lục Đầu Giang trong xanh, in bóng những lũy tre xanh của miền quê lung linh đáy nước. Những con thuyền của ngư dân chài lưới trên sông trôi mình thong thả, những con bò với những mục đồng trên lưng gặm cỏ ven bờ sông ngon lành, tiếng sáo diều du dương lả lướt trên thinh không minh chứng thời thanh bình êm ấm của làng quê.
Nhưng rồi bọn giặc phương Bắc mơ giấc mơ bành trướng điên rồ, đã không biết bao lần chúng đem bão lửa chiến tranh, chết chóc xuống đất nước nhỏ bé yên lành. Trong cuộc chiến tranh xâm lược lần ba này, ngoài hàng chục vạn bộ binh và kỵ binh, 500 thuyền chiến dáng dữ tợn là 500 con quái vật vào đậu san sát ở Lục Đầu Giang với 5 vạn thủy binh ngày ngày góp phần gây tội ác.
(Còn nữa)
PGS TS Cao Văn Liên