Ký ức nhà nông qua những câu ca dao, tục ngữ

Trong chuyến đi sưu tầm văn hóa phi vật thể gần đây chúng tôi được chú Phạm Văn Tâm “thầy Năm thợ mộc” (trước đây là giáo viên, nay làm nghề thợ mộc) ngụ tại ấp Long Thới, xã Long An, huyện Châu Thành đọc và đôi khi ngâm nga những câu ca dao, tục ngữ của người xưa mà thấy thú vị làm sao.



“Thầy Năm thợ mộc” đang đọc và ngâm nga những câu ca dao

Qua những câu ca dao, tục ngữ đã đưa ta trở về cảnh quê hương Tiền Giang ngày xưa êm ả, thanh bình. Thầy Năm cho biết: Năm nay thầy đã 69 tuổi. Ngay từ khi còn nhỏ đã được nghe ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi hàng xóm thường xuyên ngâm nga các câu ca dao, tục ngữ vào những khi lao động sản xuất hay khi rỗi rãi quây quần, vui vẻ bên nhau.

Sau này lớn lên là thầy giáo dạy văn nên thầy vốn đã yêu thích ca dao, tục ngữ nay càng có điều kiện sưu tầm những câu ca dao để vừa dạy bảo con cháu, học trò và ca ngợi quê hương đất nước. Trong đó có một số câu ca dao, tục ngữ ca ngợi về cảnh lao động sản xuất của nhà nông tuy vất vả nhưng thật vui tươi hạnh phúc. 


Trước hết khi vào vụ sản xuất trước đây, người nông dân do thường phải lệ thuộc vào thời tiết để canh tác và khi gặp thời tiết khô hạn thì than thở:

Nhọc lòng thiếp lắm chàng ơi
Kiếm nơi khuất tịch thiếp ngồi thiếp than
Than vì cây lúa úa vàng
Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo thảm chưa hỡi trời

Nhưng khi cần nắng thì trời lại mưa nên lại phải cầu cho nắng lên:

Lạy ông nắng lên
Cho trẻ nó chơi
Cho gà bắt rận
Cho tôi đi cày.

Vì vậy, bước vào vụ mùa người nông dân luôn cầu mong “mưa thuận, gió hòa” để có vụ mùa bội thu:

Lạy trời mưa thuận gió hòa
Để cho chiêm tốt mùa tươi em mừng
Ngô khoai chẳng được thì đừng
Có nếp, có tẻ trông chừng có ăn.
 


Cô gái miền Tây. Ảnh: Châu Anh

Trải qua hàng trăm năm lao động sản xuất, người nông dân cũng đã đúc kết  kinh nghiệm phỏng đoán về thời tiết thông qua hướng mưa:

Cơn mưa đàng đông vừa trông vừa chạy
Cơn mưa đàng tây mưa dày bão giật
Cơn mưa đàng nam vừa làm vừa chơi
Cơn mưa đàng bắc đem thóc ra phơi.
Nhìn trăng sao đoán thời tiết:
Trăng quầng trời hạn
Trăng tán trời mưa
Sao dày trời nắng
Sao vắng trời mưa.
Trông mây đoán mưa:
Vảy trúc thì mưa
Ráng vàng trời nắng
Ráng trắng trời mưa.
 Nhìn hiện tượng cầu vồng đoán mưa:
Vồng rạp mưa rào
Vồng cao mưa táp
Vồng dài thời lụt
Mống cụt thời mưa.

Không chỉ có kinh nghiệm  phỏng đoán thời tiết mà người nông dân còn có cả kho kinh nghiệm trong sản xuất:

Cấy thưa thừa thóc
Cấy dày cóc được ăn
Cấy thưa hơn bừa kỹ.
Vụ mùa cấy cao
Vụ chiêm cấy trũng
Lúa mùa thì cấy cho sâu
Lúa chiêm cấy cạn chạy mau mà về.

Ngoài việc trông chờ vào thời tiết thì vốn dĩ người nông dân luôn phải lao động cày cấy vất vả từ khi trời sáng tinh sương cho tới khi chạng vạng tối mịt hoặc cả vào ban đêm:

Mặt trời tang tảng rạng đông
Chàng ơi trở dậy đi đồng kẻo trưa
Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Mắt nhắm, mắt mở đuổi trâu ra đồng.
Đêm hè đom đóm nó soi
Em đi tát nước bên ngoài cuốc kêu
Bao giờ cho nước nó lên, cho lúa chóng tốt thì em vui lòng.

Mỗi khi công việc nhà nông vất vả thì người nông dân thường dùng câu hát để khích lệ nhau:

Nhác trông sao Đẩu về đông
Chị em ra sức cấy xong ruộng này
Tay chân dù nặng bùn lầy
Hãy trông cây lộc có ngày đơm hoa.
Bao giờ cho đến tháng hai
Con gái làm cỏ con trai be bờ.
 Sự đồng tâm chia xẻ mỗi khi lao động cực nhọc, vất vả:
Gió đưa ngọn lúa rung rinh
Cô kia cấy lúa một mình bên sông 
Sao không rủ bạn đi cùng
Vui làm có bạn, vui làm cô ơi.

Mải nghe những câu ca dao, tục ngữ của thầy Năm, trời sập tối lúc nào không hay, chúng tôi vội vã cảm ơn thầy rồi xin ra về. Trước khi đi thầy còn đọc với theo câu ca dao như thể kết lại những gì mà chúng tôi được nghe từ sáng đến giờ. 

Rạng ngày vác cuốc ra đồng
Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên
Hết mạ ta lại gánh thêm.
Nửa mai lúa tốt đầy đồng
Gặt về đập sảy bõ công cấy cày.

Và, hẹn ngày gặp lại như quay về những câu ca dao, tục ngữ từ thuở hôm nào.
 
Nguyễn Mạnh Thắng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-nha-nong-qua-nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-a17417.html