Cây thị nghìn năm tuổi làng cổ Phước Tích

Làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú xã Phong Hòa, huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế, cùng với nghề làm gốm hàng trăm năm nay, Phước Tích còn có hàng chục đình, chùa, miếu thờ cổ kính mang nhiều giá trị văn hoá. Trong số đó, ngôi miếu cây thị là ngôi miếu được nhiều người nhắc đến hơn cả bởi lịch sử tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều truyền thuyết và huyền thoại.

Làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú xã Phong Hòa, huyện Phong Điền- Thừa Thiên Huế, cùng với nghề làm gốm hàng trăm năm nay, Phước Tích còn có hàng chục đình, chùa, miếu thờ cổ kính mang nhiều giá trị văn hoá. Trong số đó, ngôi miếu cây thị là ngôi miếu được nhiều người nhắc đến hơn cả bởi lịch sử tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều truyền thuyết và huyền thoại.
 
 
Miếu cây thị và cây thị nghìn năm tuổi

Huyền thoại về cây thị khổng lồ không có ruột
 
Dựa vào sử sách và gia phả của ba dòng họ đầu tiên trong làng Phước Tích là họ Hoàng, họ Đoàn và họ Phan thì vùng đất Phước Tích trước đây là xứ Cồn Dương, đây là vùng đất âm u, tĩnh mịch nơi sinh sống của các dân tộc ít người.
 
Vào năm 1470, ngài khai canh của làng là ông Hoàng Minh Hùng đã lập làng và cho mở rộng xứ Cồn Dương này, sau đó xứ Cồn Dương được đổi tên thành làng Phúc Giang. Đến thời Gia Long làng đổi tên lại thành Phước Tích với ý nghĩa tích lũy công đức cho con cháu và cái tên đó tồn tại cho đến ngày nay.
 
Theo lời kể của ông Hoàng Tấn Minh - Thôn trưởng thôn Phước Phú (làng Phước Tích có hai thôn là Phước Phú và Phước Tiên), khi các cư dân đầu tiên của xứ Cồn Dương đến đây họ đã thấy cây thị khổng lồ nằm bên cạnh một ngôi miếu cổ của người Chăm Pa, bên trong thờ thánh mẩu Thiên Y A Na của người Chăm. 
 
Cho dù đã đánh đuổi các tộc người khác ra khỏi xứ Cồn Dương nhưng ngài khai canh của làng và các cư dân ở đây vẫn giữ lại ngôi miếu, chăm sóc cây thị để tỏ lòng cung kính đối với vị thần của người Chăm. Ngày nay, miếu cây thị nằm tại xóm Trung Hòa - Thôn Phước Phú, theo ước tính của ông Minh và sử sách của làng thì cây thị này đã gần nghìn năm tuổi.
 
Con đường dẫn vào miếu cây thị được lót bằng gạch đỏ trải dài từ đầu xóm Trung Hòa vào tận sân miếu. Vào sân miếu điều dễ cảm nhận nhất đó là bóng của cây thị chạy dài trên một khoảng đất rộng, cây cao khoảng 23m, thân cây xù xì và phải đến 8 người ôm mới có thể ôm hết, cành lá xanh tốt, xum xuê, bộ rễ xù xì nỗi lên trên mặt đất với những hình thù kỳ lạ. Mặc dù cao trên 20m nhưng cây thị này hoàn toàn rỗng ruột từ gốc cây cho đến ngọn, tuy vậy từ hàng trăm năm nay cây thị vẫn cứ sống khỏe, những táng cây vẫn phủ bóng một vùng.
 
Miếu nằm sát bên cây thị và được bóng của cây thị che chở ngày này qua này khác. Cấu trúc của ngôi miếu khá đơn giản, có hai bức tường được làm bằng gạch dài khoảng 4m cao 0.5m bao quanh, một bức bình phong giữa lối ra vào được trang trí hình chim Phụng bằng mẻ sành. Hai cánh cổng vòm cao khoảng 1.3m và để vào miếu phải cúi đầu mới vào được, theo ông Minh thì “xây như vậy để ai vào cũng phải cúi đầu tôn kình với thánh mẫu”, cả khu miếu có diện tích khoảng 200m2. 
 
Tồn tại hàng trăm năm nay, miếu cây thị mang trong mình những câu chuyện ly kì, cây thị đã trở thành một phần trong đời sống của người dân làng Phước Tích.
 
Theo bà Lê Thị Nhớ, một người dân sống trong xóm Trung Hòa cho biết, vào ban trưa có rất ít người đi qua miếu, trẻ con và thanh niên hễ khi đi qua đây ai cũng phải khom lưng để tỏ lòng tôn kính. Bà Nhớ kể, đoạn đường đi qua miếu đã có không ít chuyện khó hiểu xảy ra như đang đi xe thì tự nhiên té ngã dù không va phải vào ai. Cũng theo bà Nhớ, đã có không dưới 10 trường hợp như vậy xảy ra mà bà và ông Minh trưởng thôn cũng là một trong số đó.
 
Ông Minh trưởng thôn kể, trước đây, trong làng có anh Nguyễn Duy Hưng chỉ vì hái hoa lan trong miếu đem về đã ốm suốt mấy ngày liền. Sau đó gia đình phải đến miếu làm lễ mới khỏi bệnh.
 
Có thể những câu chuyện của người dân Phước Tích chỉ ngẫu nhiên hoặc trùng hơp, nhưng điều đó cho thấy rằng, đối với người dân ở đây ngôi miếu cây thị là một di chỉ rất đỗi thiêng liêng và tôn thờ.
 
 
Con đường dẫn vào miếu



Cổng ra vào miếu 
 
Cây cách mạng - Cây di sản
 
Cây thị và miếu cây thị không chỉ có một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng và tâm thức của người dân làng Phước Tích mà đó còn là nơi che dấu cán bộ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh.
 
Theo lịch sử Đảng bộ thôn Phước Tích, vào đầu năm 1945 khi Nhật bắt đầu đảo chính Pháp thì một lượng lớn thanh niên trong làng bị Pháp bắt đi lính, để chống lại chính sách đó nhiều thanh niên trong làng đã nấp bên trong phần rỗng của cây thị để trốn lệnh quân dịch. 
 
Không chỉ người dân làng Phước Tích lợi dụng phần rỗng của cây thị để tránh đi lính mà bộ đội địa phương cũng nấp ở đó đợi ngày phản công. Do thân cây rỗng nên đây là nới cất giấu tài liệu và cũng là nơi ẩn nấp của một tiểu đội gồm 12 người của bộ đội địa phương.
 
Ông Trương Khắc Kiệm (86 tuổi - người dân làng Phước Tích) là một trong 12 người của tiểu đội năm đó kể lại: “Theo sự chỉ đạo của chi bộ Đảng địa phương hằng ngày chúng tôi men theo phần ruột rỗng trong cây thị để leo lên ngọn nhằm quan sát tình hình. Do cây cao nên chúng tôi quan sát được bao quát mọi hoạt động trong vùng, thậm chí những cuộc hành quân của Pháp ngoài Mỹ Chánh vào chúng tôi vẫn thấy được”. Giải thích cho việc chọn miếu cây thị làm nơi hoạt động ông Kiệm cho biết: “Những tên tay sai sợ oai linh của miếu và các chiến sĩ bộ đội tiếp tục đưa ra những lời đồn thổi những câu chuyện về thần linh nên bọn chúng không giám vào, không có chúng bọn Pháp cũng không làm gì được”.
 
Với những tính chất quan trọng về mặt văn hóa tín ngưỡng và lịch sử, tháng 10/2014 Ban quản lý khu di tích làng cổ Phước Tích đã lập hồ sơ gởi đến bộ VH, TT&DL đề nghị công nhận cây thị trong làng trở thành cây di sản. Hiện tại cây thị và miếu cây thị đã được công nhận là cây di sản và đến tháng 4/2015 chính quyền địa phương sẽ nhận bằng chứng nhận của bộ VH, TT&DL. 
 
Ông Đoàn Quyết Thắng - Phó Giám đốc Ban quản lý khu di tích làng cổ Phước Tích cho biết từ sau khi được công nhận là cây di sản thì ban quản lý đã liên hệ với công ty cây xanh Thừa Thiên Huế để có những biện pháp bảo vệ cây thị, cũng như tạo ra một không gian xanh trong khuôn viên miếu, đưa miếu cây thị trở thành địa điểm du lịch quan trọng của làng Phước Tích.
 
Hàng trăm năm với bao nhiêu biến động của lịch sử đã trôi qua nhưng người dân làng Phước Tích vẫn một lòng tôn thờ miếu. Hằng năm cứ đến ngày 16/1 âm lịch, người dân trong xóm Trung Hòa và người dân làng Phước Tích lại làm lễ để tưởng nhớ đến những người đã có công khai khẩn làng, cũng như để cám ơn sự che chở và bao bọc cho người dân của thần cây, thần miếu.
 
Trương Duy

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cay-thi-nghin-nam-tuoi-lang-co-phuoc-tich-a17398.html