Chùa Từ Hiếu luôn là điểm đến tham quan lý tưởng cho du khách
Lịch sử ngôi chùa
Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của cố đô Huế.
Năm 1843, sau khi từ chức "Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự" và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng "Thảo Am An Dưỡng" để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già.
Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu. Tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó.
Phần mộ các quan thái giám phủ đầy rêu phong
Nghĩa trang của các quan thái giám
Nghĩa trang thái giám
Ngoài lịch sử lâu đời cùng với kiến trúc độc đáo mang đậm nét đặc trưng của vùng đất cố đô, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng khắp trong ngoài nước bởi nơi đây còn có một nghĩa trang độc nhất vô nhị - nơi chôn cất các quan thái giám của triều Nguyễn năm xưa.
Nếu các vị vua nhà Nguyễn khi còn sống lo việc xây lăng tẩm cho mình làm thế nào đẹp nhất, lộng lẫy nhất và chứng tỏ uy quyền của mình ở đó. Thì các vị thái giám lại chấp nhận số phận thấp hèn của mình, suốt đời hầu hạ trong cung, khi về già không có con cái phụng dưỡng, đành gửi gắm số phận cuối đời của mình nương nhờ cửa Phật để sau khi mình mất đi có người hương khói.
Nằm cách chính điện khoảng 50m về phía bên trái của chùa Từ Hiếu chính là khu mộ địa của các quan thái giám với hơn 20 ngôi mộ được chia thành 3 dãy rõ rệt, phía trên mỗi bia mộ đều có khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất của từng vị thái giám. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 11 âm lịch, nhà chùa lại đứng ra tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ đến công đức những người đã mất, trong đó có các quan thái giám triều Nguyễn có phần công đức tại chùa.
Tuy các thái giám không phải là những người có uy quyền gì đối với triều Nguyễn. Nhưng họ là những con người trung thành tận tình phục vụ hết cuộc đời mình cho các vị vua.
Mỗi lần ghé thăm chùa đừng quên thắp một nén hương để an ủi những con người không còn ai nhớ tới.
Ngô Sinh