Dự kiến trong thời gian tới, với làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ trên thế giới, cơ chế chính sách linh hoạt của tỉnh sẽ có nhiều hơn nữa các DN đến từ Nhật Bản tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư tại Vĩnh Phúc, qua đó, hứa hẹn mang lại nhiều đột phá trong phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện một số cơ quan chức năng của tỉnh chủ trì buổi tọa đàm giữa Cục Thuế tỉnh với các DN Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Vĩnh Phúc ngày 29/10/2020
Đóng góp quan trọng vào nền kinh tế
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng vào GDP với tỷ trọng ngày càng tăng, góp phần tăng cường năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ của nhiều ngành kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động. DN Nhật Bản được đánh giá là những DN uy tín nhất, quản trị tốt nhất, tuân thủ luật pháp và thực hiện tốt cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Tại tỉnh ta, thực tế cho thấy, các DN Nhật Bản luôn nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật thuế và đóng góp số thuế lớn cho ngân sách nhà nước, số thuế nộp NSNN của các DN Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu NSNN trên địa bàn và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu thu NSNN của tỉnh.
Ví như năm 2018 đóng góp tới hơn 21.000 tỷ đồng, năm 2019 là hơn 21.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách mỗi năm của tỉnh. Đặc biệt, dù tình hình dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, nhưng 9 tháng năm 2020, các DN Nhật Bản vẫn đóng góp được 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng cao hơn nhiều so với các DN đến từ các khu vực khác trên thế giới.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 42 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, trong đó có nhiều DN lớn như Honda, Toyota, Nissin, KCN Thăng Long..., tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động địa phương với thu nhập khá và ổn định.
Thống kê của ngành Thuế cho thấy: Các DN Nhật Bản chấp hành tốt các quy định về nộp hồ sơ khai thuế đầy đủ, hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn khoảng 99% trên tổng so hồ sơ khai thuế. Tính đến hết tháng 9/2020, tổng nợ đọng thuế của các DN Nhật Bản trên địa bàn chỉ ở mức 70 triệu đồng, chiếm một phần rất nhỏ trong số thực nợ thuế của các DN FDI và tổng số nợ thuế của Cục Thuế tỉnh.
"Đất lành chim đậu"
Lần ngược trở lại thời điểm 25 năm trước, khi DN đầu tiên của Nhật Bản là Tập đoàn Toyota quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Phúc Yên, không nhiều người khi ấy nghĩ rằng đây sẽ là một dấu mốc quan trọng, thậm chí góp phần quyết định đưa Vĩnh Phúc nhanh chóng vươn lên thành một “ông lớn” công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Bởi, nhờ sự thành công nhanh chóng của Toyota trên đất Vĩnh Phúc, nối gót bậc đàn anh, lần lượt nhiều DN tầm cỡ thế giới xuất xứ từ Nhật Bản xúc tiến đầu tư vào địa bàn, tạo nên một lực lượng mạnh mẽ của các DN thuộc khối FDI tại khu vực phía Bắc của đất nước, mang lại nhiều đổi thay cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo và giải quyết lao động tại chỗ của tỉnh.
Để có được sự tin tưởng đến yêu mến này, dù ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, Vĩnh Phúc cũng tạo được một sự cởi mở, thân thiện và tin cậy cao nhất đối với các đối tác nước ngoài nói chung, DN Nhật Bản nói riêng. Từ cơ chế, chính sách của tỉnh cho đến môi trường sống, cách ứng xử văn minh, thân thiện...
Đặc biệt, ngay sau khi nhậm chức vào cuối tháng 10/2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài thứ nhất của mình và mở ra một cơ hội mới với Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng trong giai đoạn làn sóng dịch chuyển đầu tư đang lan mạnh trên toàn thế giới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín, Việt Nam khống chế dịch Covid-19 hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác tại Đông Nam Á, thậm chí hơn nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Trong đó, Vĩnh Phúc tuy là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố dịch nhưng đã nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, mang lại sự tin tưởng lớn cho người dân cả nước và các DN hoạt động trên địa bàn.
Vĩnh Phúc cũng có tiềm năng lớn trong việc thu hút các DN Nhật Bản đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Không chỉ có các DN, tập đoàn lớn, mà ngay cả các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng đang tăng cường xúc tiến đầu tư vào địa bàn. Việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu sớm đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp phát triển theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Cũng theo nghị quyết trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Và, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đây cũng chính là thế mạnh của các DN Nhật Bản. Chính vì vậy, sự hợp tác đầu tư này rõ ràng sẽ có tính hỗ trợ, bổ sung, tạo thuận lợi cho nhau cùng phát triển.
Trước mắt, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nói chung, Vĩnh Phúc đặt trọng tâm vào việc phát triển hạ tầng các KCN, giao mặt bằng sạch cho DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình tìm hiểu và xúc tiến đầu tư.
Cụ thể, tỉnh tích cực tìm biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN, CCN, khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển KT-XH; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai; tăng cường công tác thanh, kiểm tra công vụ, kiểm soát trách nhiệm thực thi… Từ đó, tạo cơ sở khẳng định Vĩnh Phúc luôn là “bến đỗ” tin cậy của các nhà đầu tư.
Quang Nam