Tương truyền về thời Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương, vua sinh được hai nàng Mỵ Nương xinh đẹp như tiên, tư chất sáng ngời như ngọc mới đặt tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Tiên Dung tính tình phóng khoáng, không chịu gò bó ở chốn kinh thành Phong Châu chật hẹp mới xin phép vua cha giong buồm du ngoạn ngắm xem phong cảnh đất nước Văn Lang xinh đẹp. Từ kinh thành Phong Châu thuyền bơi dọc theo sông Hồng giữa hai bờ lúa ngô xanh mướt. Một hôm thuyền cập bến châu Tự Nhiên, Tiên Dung lên bãi quây màn tắm, tình cờ gặp chàng trai họ Chử trần truồng rồi kết nghĩa nhân duyên, từ đó nàng không về Phong Châu nữa.
Còn lại một mình Ngọc Hoa, vua cha vô cùng yêu quý, quyết tìm người tài giỏi cho sánh duyên cùng nàng. Vua bèn lập lầu kén rể hai tầng ở Ngã ba Hạc phía nam đô thành Phong Châu. Bấy giờ có hai người đến ứng thí. Một người là Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn Thánh, bộ chúa vùng núi Tản Viên, một người là Thủy Tinh, bộ chúa miền duyên hải. Hai người cùng tỏ ra tài giỏi hơn người, vua không biết chọn ai, bèn phán:
- Cả hai khanh cùng tài giỏi xuất chúng. Hiềm một nỗi trẫm chỉ có một con gái. Vậy sáng sớm ngày mai, ai mang đủ lễ vật đến trước thì được cưới con gái của trẫm.
Sơn Tinh vì ở gần kinh đô, lại có sách ước, sắm sửa đủ lễ vật đến trước nên được cưới Ngọc Hoa. Thủy Tinh đến sau, không lấy được người trong mộng, đem lòng thù hận, mới dâng lũ lụt, dẫn theo các loài thủy tộc giành nhau với Sơn Tinh hòng cướp lại người đẹp. Đó là lý do sinh ra cuộc chiến dai dẳng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh gây ra nạn lũ lụt cho nhân gian sau này.
Ngọc Hoa sau khi kết duyên cùng Sơn Tinh về núi Tản được một thời gian, nhân ngày Tết năm mới, nàng xin phép chồng trở về đô thành Phong Châu để thăm vua cha. Ở Phong Châu, nàng gặp lại cha mẹ, họ hàng, được vua cha cho theo đoàn tùy tùng lên núi Nghĩa Lĩnh dự lễ tế trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho đất nước Văn Lang dân đông, vật thịnh, của cải dồi dào. Ở đây, nàng được gặp lại họ hàng thân thích trong Hoàng gia, cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng, được tham dự các lễ hội mùa xuân, và nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Nàng bịn rịn không muốn trở về núi Tản nữa.
Ở trên núi Tản, Tản Viên thấy qua Tết đã lâu mà Ngọc Hoa chưa trở về, liền rời núi Tản, về Nghĩa Lĩnh thăm vua cha và đón vợ. Nể chồng, Ngọc Hoa đành từ giã cha mẹ, lên kiệu về cùng Tản Viên. Kiệu đi cách Nghĩa Lĩnh chưa được bao xa, đến địa phận làng He tức làng Cả (sau tách thành hai làng Vi, Trẹo, nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) thì gặp ngã ba đường: Một đường đi về đô thành Phong Châu, một đường đi ra bến sông để về núi Tản, Ngọc Hoa kiên quyết không đi nữa. Nàng xuống kiệu, ngồi trên một tảng đá nhớ cha mẹ, khóc tấm tức. Tản Viên dỗ dành thế nào cũng không được, chàng liền vào trong làng, nhờ dân sở tại ra giúp đỡ, khuyên giải cho Ngọc Hoa nguôi quên. Dân làng được tin vô cùng mừng rỡ, kéo nhau ra đón Ngọc Hoa. Mọi người bày các trò vui, gọi là “Bách nghệ khôi hài” làm cho Ngọc Hoa quên nỗi buồn lại lên kiệu.Đoàn người vui vẻ hát múa, kể chuyện khôi hài xung quanh kiệu của Ngọc Hoa, rồi cùng rước kiệu ra bến, xuống thuyền về núi Tản. Thế là bằng các trò chơi dân gian, dân làng đã giúp Tản Viên đưa vợ trở về núi Tản một cách êm đẹp.
Từ đó, hàng năm vào ngày xuân, tết, dân các làng Vi, Trẹo lại bày trò “rước Chúa gái” để nhớ lại sự tích này.
Từ 25 tháng Chạp âm lịch hàng năm, dân làng hai làng Vi, Trẹo tập trung về đình Cả để chọn “Chúa Gái”. Chúa Gái phải là một cô gái đồng trinh, xinh đẹp, tuổi từ 13 đến 16, nhà không có tang chế. Từ hôm ấy, cô gái được chọn làm “Chúa Gái” được ăn mặc đẹp, phải ở trong buồng không được ra ngoài. Cô là hiện thân của Ngọc Hoa. Làng lại chọn 12 cô gái cùng trang lứa, đều chưa chồng, để làm hầu gái gọi là nữ tỳ. Mọi sinh hoạt của “Chúa Gái” từ hôm ấy cho đến hết kỳ lễ hội đều do làng chu cấp và các nữ tỳ (tức 12 cô gái được làng chọn) phục dịch.
Tối 30 tháng Chạp, ông Từ làng Vi làm lễ mật khẩn, rồi đến cây hương đình Cả (cây hương được xây ngoài trời bằng đá ong, làm nơi để cắm hương thờ cúng). Ông Từ cầm con gà trống, hướng về phía kinh thành vái 3 vái. Động tác này tượng trưng cho việc Tản Viên giả tiếng gà trống gáy để quân canh tưởng trời sáng, mở cửa cho Tản Viên vào thành đón vợ. Sau đó ông Từ vừa đi vừa hú từ đình Cả tới đình Đông ( đình làng Vi). Những người đi theo cũng vừa đi vừa hú theo nhịp chiêng trống phụ họa. Hành động này nhắc lại sự tích Tản Viên đang dẫn vợ về núi thì Thủy Tinh ập đến đòi cướp lại Ngọc Hoa. Hai bên giao chiến ác liệt. Trong đêm Ngọc Hoa bị lạc, phải cất tiếng hú gọi chồng.
Ngày 5-1: Lễ rước voi mã, ngựa mã, tượng trưng cho việc Tản Viên dẫn đoàn voi ngựa xuất phát từ núi Tản đi đón Ngọc Hoa ở Kinh đô.
Ngày 7-1: Rước voi ngựa cờ, kiệu từ Vi, Trẹo về đình Cả, chủ tế hai làng vái voi ngựa. Chi tiết này nhắc lại sự tích Tản Viên đón Ngọc Hoa từ Nghĩa Lĩnh trở về núi Tản, đoàn kiệu đi qua làng, dân làng ra tiếp đón hai vợ chồng nghỉ lại làng mình.
Ngày 8-1: Là ngày hội chính của hai làng, diễn ra trò “Rước Chúa Gái”. Chúa Gái được rước từ nhà ra đình Cả. Ở đây, Chúa được thay trang phục lộng lẫy theo kiểu các công chúa thời xưa, được ngồi trên kiệu bát cống (kiệu 8 người khiêng), xung quanh có 12 nữ tỳ phục dịch, tượng trưng cho việc Tản Viên đón Ngọc Hoa về núi.
Rước đến Cây hương, đám rước dừng lại nghỉ, tượng trưng cho việc Ngọc Hoa nhớ cha mẹ, bịn rịn không chịu đi nữa. Chủ tế thắp hương lễ bái, sau đó đám rước tiếp tục đi. Dân làng làm trò “Bách nghệ khôi hài” để làm cho Ngọc Hoa nguôi khuây nỗi nhớ cha mẹ. Đến ngòi Cầu Cáp, Chúa Gái được đặt lên một cái mảng nứa để mảng trôi theo dòng nước, tượng trưng cho sự tích Tản Viên đưa Ngọc Hoa vượt qua sông trở về núi Tản. Đến đây trò diễn kết thúc, Chúa Gái hết vai trò, trở lại là cô con gái bình thường. Ông bố của cô gái vội chạy đến cõng con gái về nhà. Trước khi vào nhà phải đi qua chuồng trâu, bởi theo quan niệm dân gian, nếu không làm thế thì Ngọc Hoa sẽ bắt mất “hồn vía” của cô gái, làm cho cô trở nên lẩn thẩn.
Toàn bộ quá trình diễn biến của lễ hội từ khi chuẩn bị (dân làng họp để bầu chọn Chúa Gái, 25 tháng Chạp) cho đến khi kết thúc (ông bố cõng con gái từ ngòi Cầu Cáp về, mồng 8 tháng Giêng) trong vòng 2 tuần lễ. Người ta tin rằng, càng làm cho Chúa Gái vui thì năm ấy càng được mùa, làm ăn thuận lợi.
Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc phản ánh hình ảnh sinh hoạt cộng đồng thời đại Hùng Vương liên quan đến hôn nhân. Qua truyền thuyết và hình thức diễn tiến của lễ hội, ta thấy: Ở thời kỳ Hùng Vương, cư dân Văn Lang đã có chế độ một vợ một chồng, có tục chọn rể, thách cưới, đón dâu. Người vợ dù là con vua, sau khi cưới vẫn phải về nhà chồng “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Mặc dù nàng không thoát khỏi “nữ nhi thường tình” về nhà chồng rồi mà vẫn thương cha nhớ mẹ, bịn rịn không muốn dời chân. Điều đặc biệt là ở chỗ, Tản Viên không dùng quyền thế hay vũ lực của người chồng để cưỡng ép người vợ phải về núi theo mình mà nhờ dân làng diễn trò mua vui, một biện pháp tâm lý hết sức nhẹ nhàng làm cho vợ quên khuây nỗi nhớ. Văn minh thay và cũng nhân đạo thay truyền thống tốt đẹp của cha ông chúng ta. Và cũng tiến bộ thay lòng tôn trọng đối với nữ giới của dân tộc ta đã được bắt rễ sâu xa từ thời đại Hùng Vương !
Lễ hội rước Chúa Gái là một hình thức diễn xướng dân gian, làm sống lại những hình ảnh đẹp từ thời Hùng Vương dựng nước. Đến với lễ hội, ta như được sống lại, được hòa mình vào không gian nguyên sơ trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc.
Phan Duy Kha