Nhưng với vùng trung du Nghệ An, tiêu biểu là ở Thanh Chương, một địa phương khu vực Tây - Nam có dòng sông Lam chảy qua, đặc biệt là những làng quê dọc hai bên bờ sông Găng - một nhánh của sông Lam - môn vật cù có những nét đặc trưng mang tính địa phương tiêu biểu rất được mọi người ưa thích và tổ chức vào dịp Tết nguyên đán hay vào mùa hội lễ...
Theo các bậc cao niên trong vùng, hội vật cù ở đây có từ khoảng đầu thế kỷ 15. Bắt nguồn từ việc chọn những lực sỹ, những người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn để xung vào đội quân của tướng quân Phan Đàn - một võ tướng của Bình Định Vương Lê Thái Tổ được cử coi sóc việc quân vùng này.
Từ tính chất, ý nghĩa đó, dần dần hội vật cù trở thành một sinh hoạt văn hoá mang tính hội lễ đậm nét dân gian được mọi người ưa thích và phổ biến, đi vào đời sống văn hoá tinh thần, một hội lễ không thể thiếu của những làng quê vùng Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn hàng năm, nhưng sôi nổi và náo nhiệt hơn cả là ở những làng quê dọc hai bờ sông Găng - Thanh Chương, nơi được xem như là nới xuất xứ của trò chơi thượng võ này.
Hội vật cù Thanh Chương được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng Hai, mồng Ba tết đến hết Khai hạ mồng Bảy tháng Giêng, thu hút mọi làng, mọi xã tham gia. Ngoài dịp này, đến kỳ tế lễ đền Bạch Mã (Võ Liệt - Thanh Chương) - nơi thờ tướng quân Phan Đàn - vào các ngày 12 - 13 và 14 tháng 6 âm lịch, Hội vật cù lại được tổ chức ngay tại đền với quy mô nhỏ hơn, mang yếu tố tâm linh. Chính vậy, nên dịp này, Hội cù rất trang nghiêm tuy vẫn náo nhiệt như vốn có. Tuy nhiên, dù tổ chức vào dịp Tết nguyên đán hay vào dịp tế lễ đền Bạch Mã, thì Hội vật cù vẫn là một hội lễ tập trung thu hút đông đảo mọi người đến từ các làng xã, thôn xóm trong vùng cùng tham gia.
Theo ông Hà Lành, gia đình vốn gốc tại đây từ nhiều đời, bản thân ông là một người khá am hiểu và từng là một thành viên trong đội vật cù địa phương cho biết: Từ xa xưa, Hội vật cù rất được mọi người quan tâm chú ý và hưởng ứng. Ngay cả trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và cả những khi đời sống dân quê khó khăn, hội vẫn được duy trì và tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy có những hạn chế nhất định về thời gian cũng như quy mô do hoàn cảnh. Hội vẫn giữ nguyên những nét đẹp truyền thống của mình.
Là một trò chơi dân gian gắn liền với tính chất của hội lễ truyền thống ảnh hưởng tích cực đến đời sống, sinh hoạt của mọi người, nhưng mọi yêu cầu chuẩn bị cho Hội vật cù cũng rất đơn giản. Quả cù được làm từ củ chuối hột - loại chuối rất sẵn ở đây. Trước ngày vào hội, người ta đã lựa tìm những gốc chuối hột loại lớn. Chọn được cây chuối đẹp vừa ý, đào lên lấy phần gốc (củ chuối) đưa về. Dùng dao sắc gọt sạch rễ và đẽo thành hình tròn có đường kính cỡ trên dưới 30cm, trọng lượng từ 5 đến 7kg là đã có quả cù đảm bảo yêu cầu cuộc chơi. Để quả cù sạch nhựa và có độ dẻo cần thiết, bởi tính chất cuộc chơi quả cù thường xuyên bị giành giật, quăng ném mạnh dễ vỡ; quả cù sau khi được đẽo gọt xong, được luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng khá kỹ. Lúc này quả cù chuyển thành màu sẫm, rất dẻo đảm bảo không bị nứt vỡ khi chơi.
Địa điểm tổ chức vật cù thường là những sân cát bên bờ sông hay ở ngay trong làng. Sân có kích thước thông thường với chiều dài khoảng 50 mét, rộng khoảng 25 mét tuỳ thuộc vào điều kiện cho phép. Hiện tại ở Thanh Chương vẫn duy trì ba hình thức chơi cù gồm Cù gôn, Cù đẩy và Cù nước. Cả ba lối chơi đều có chung hình thức tính điểm và quy cách giống nhau. Với Cù gôn và Cù nước, ở hai đầu sân được bố trí hai chiếc sọt đan bằng tre, nứa có kích thước cao 1,5mét, đường kính độ 50 cm. Hay là hai chiếc hố sâu rộng 50 cm x 50 cm đối với Cù đẩy. Cách tính điểm khi bên nào giành và đưa được quả cù vào sọt (hay hố) của bên đối phương là được tính một điểm. Để đưa được quả cù vào đích cũng không phải dễ dàng gì. Bởi phải giành giật, tranh cướp quyết liệt, bên nào cũng cố gắng tìm mọi cách cản phá đối phương đưa cù vào sọt (hố) của bên mình. Chính vậy nên Hội vật cù diễn ra rất sôi nổi, hào hứng thực sự cuốn hút mọi người.
Ở hình thức cù gôn, sân cù bố trí trên bãi cát khô, hai đầu sân đào hai hố gôn. Khi vào cuộc, hai bên dàn thành đội hình ngay giữa sân, quả cù được đặt dưới đất. Khicó hiệu lệnh của người cầm trịch (trọng tài) đấu thủ hai bên mới vào cuộc tranh cướp, giành giật chuyền nhau quả cù.
Ở hình thức Cù đẩy, sân cù cũng như Cù gôn, chỉ có khác là trước khi vào trận quả cù được chôn sâu dưới cát giữa sân. Khi có hiệu lệnh, người chơi hai bên tranh nhau đào moi lấy quả cù bằng tay không rất quyết liệt. Khi một trong hai bên đã lấy được cù, cuộc chơi chính thức bắt đầu. Quả cù được đội trưởng của bên lấy được giữ chặt bằng hai tay Hai đội xếp hàng dọc đứng sau đội trưởng cùng hợp sức đẩy thông qua quả cù. Bên nào qua lần đẩy này tỏ ra mạnh và khôn khéo hơn làm cho bên đối phương phải lùi là giành được quyền ôm cù. Ngay sau khi giành được quyền ôm cù, cả đội rất nhanh và khéo léo chạy chuyền cù cho nhau - một trong những chiến thuật chính của môn vật cù - mục đích để đưa cù tới đích. Trong khi đó bên mất cù cũng tập trung sức lực và chiến thuật rất quyết liệt giành giật quả cù về cho bên mình, nên vật cù thực sự sôi nổi và náo nhiệt...
Trong cả ba hình thức chơi cù, đặc biệt vui và hào hứng là lối chơi Cù nước. Ngoài những điểm chung như ở Cù gôn,Cù đẩy, sân Cù nước nhất thiết phải được tổ chức trên một bãi cát ngập nước sâu độ 30 đến 40 cm ven sông. Quả cù được chôn sâu dưới cát ngập trong nước. Hai đầu là hai chiếc sọt tre được néo giữ rất chắc chắn. Lúc khai cuộc, cầu thủ cả hai đội đều dầm mình trong nước tranh nhau moi quả cù, để rồi sau đó vừa chạy, vừa lội, vừa phải luồn lách đối phương cũng đang tìm mọi cách cướp cù trong tung toé nước...
Với hội vật cù Thanh Chương, cho dù hình thức nào cũng hết sức náo nhiệt, vô tư. Người ta tổ chức các cuộc thi giữa các làng, xã. Thời gian mỗi trận không quy định cụ thể, số người tham gia mỗi bên cũng không hạn chế. Có khi không khí hội vật cù lên đến đỉnh điểm, đàn ông trai tráng trong làng đều hăng hái phấn khích vào cuộc không kể tuổi tác... lúc ấy thường vào dịp Tết nguyên đán đầy không khí hội lễ, vui lắm.
Tuy vật cù mang tính hội lễ, nhưng như mục đích ban đầu theo yêu cầu tuyển chọn lực sỹ và những người nhanh nhẹn khoẻ mạnh, nên các làng xã vẫn thường chọn và cử một số trai tráng đại diện của làng, xã mình để đua tài. Người tham gia hội vật cù đều cởi trần đóng khố, chít một giải vải trên đầu. Để phân biệt người mỗi bên, thường quy định màu sắc của khố hay giải vải. Một trận vật cù giữa hai đội, đều có một người cầm. Đây là người có kinh nghiệm, trung thực và một tổ giám sát từ 4 đến 5 người, phần lớn là các bậc cao niên có uy tín được cả hai bên tín nhiệm cử ra. Mọi quyết định về điểm, thời gian thi đấu đều do những người này quyết định. Tất cả mọi người từ các tuyển thủ đến người xem đều rất tôn trọng chấp hành mọi quyết định của họ.
Kết thúc cuộc chơi, đội nào có lần đưa cù vào đích của đối phương nhiều hơn là đội thắng.Theo quan niệm dân gian, năm nào đội cù của làng xã nào giành giải - mà giải chỉ mang tính tượng trưng danh dự - thì năm đó làng xã đó hẳn sẽ được mùa lúa, ngô, chăn nuôi phát triển, trẻ già đều khoẻ mạnh. Bởi vậy nên ở hội vật cù đầu xuân người các làng xã đến xem và cổ vũ rất đông. Bao quanh sân cù chật kín người với cờ quạt. Tuy hội vật cù là cuộc thi, trận đấu giữa các làng xã, nhưng các cổ động viên rất đoàn kết, vô tư cùng nhau hò reo, đánh trống, chiêng cuồng nhiệt cho đội nhà cũng như đội bạn với những đường chạy cù ngoạn mục.
Hội vật cù kết thúc, nếu là hội ngày xuân, mọi người kéo nhau về đình làng để ăn mừng và tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian như hát đối, hát dặm, hát phường vải... Nét đẹp trong hội vật cù còn thể hiện ở chỗ ngay cả những làng không giành giải cũng không cay cú ăn thua. Họ cùng đến với làng đoạt giải để chia vui chúc mừng, bởi với mọi người hội vật cù ngoài tính chất là một cuộc thi tài còn mang những ý nghĩa tâm linh sâu xa.
Đến nay, Hội vật cù đã được xem là một hội truyền thống chứa đựng những giá trị văn hoá tinh thần ở Thanh Chương, rất được mọi người quan tâm và phát huy.
Lê Bá
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-hoi-vat-cu-dac-sac-o-thanh-chuong-nghe-an-a17298.html