Loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ

Có thể nói, trên vùng đất phương Nam, nơi nào có dân cư sinh sống thì ở đó có ĐCTT. Trên nền văn hóa đó và với tính cách đột phá, dám nghĩ, dám làm, bao thế hệ nghệ nhân tài tử đất phương Nam đã sáng tạo để có được bộ nhạc mục hoàn chỉnh như ngày nay.

20 bài bản Tổ gồm 3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán, chính là 20 bài nhạc kinh điển của nhạc tài tử. Trong đó, bản Tứ đại oán được xem là tiêu biểu cho tâm hồn con người Nam Bộ.
 

Phần 1: Từ nhạc lễ trở thành âm nhạc dân tộc
 
Nếu miền Bắc có ca trù, miền Trung có ca Huế thì miền Nam có đờn ca tài tử (ĐCTT). Với người dân Nam Bộ, ĐCTT chính là dấu ấn văn hóa từ rất lâu đời.
 
Đặc sắc đất phương Nam
 
Chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định ĐCTT xuất hiện từ khi nào và xuất thân từ vùng đất nào. Chỉ biết rằng, âm nhạc tài tử (thường được gọi là ĐCTT) là sản phẩm tinh thần được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế được lưu dân mang theo trong hành trang đi mở cõi. Lúc đầu, chỉ là những bài bản của nhạc lễ, như: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá và Tiểu khúc. Đến thế kỷ XIX, phong trào ĐCTT phát triển khắp Nam Bộ, trong đó một số nhóm nhạc nổi tiếng ở Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc, Vĩnh Kim và Cái Thia (Mỹ Tho), Cần Đước (Long An), Sài Gòn... Các nhóm này đã liên kết thành 2 khối: Tài tử miền Tây và tài tử miền Đông với người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại (ba Đợi) ở Cần Đước và ông Trần Quang Quờn (ký Quờn) ở Vĩnh Long. Cả 2 khối đều có những cố gắng lớn trong việc soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá âm nhạc tài tử theo cách riêng của mình.
 
Đến nay, số lượng bài bản tài tử rất phong phú và đa dạng. Nhạc mục tài tử ngoài số bản của nhạc lễ trước kia đưa sang, còn có rất nhiều bài bản được cải biên theo phong cách tài tử từ một số bản nhạc cổ truyền của Huế hoặc từ các bài lý của dân ca Nam, Trung Bộ; hoặc là các sáng tác mới của các tài tử bậc thầy... Tuy nhiên, khi hệ thống lại, người ta chỉ nói đến 20 bài bản Tổ, còn gọi là “Nhị thập huyền tổ ban” được cho là của ông ba Đợi- tức Nguyễn Quang Đại ở Long An đúc kết (khoảng năm 1880).
 
Đậm dấu ấn văn hóa cộng đồng
 
Có thể nói, trên vùng đất phương Nam, nơi nào có dân cư sinh sống thì ở đó có ĐCTT. Trên nền văn hóa đó và với tính cách đột phá, dám nghĩ, dám làm, bao thế hệ nghệ nhân tài tử đất phương Nam đã sáng tạo để có được bộ nhạc mục hoàn chỉnh như ngày nay. 20 bài bản Tổ gồm 3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán, chính là 20 bài nhạc kinh điển của nhạc tài tử. Trong đó, bản Tứ đại oán được xem là tiêu biểu cho tâm hồn con người Nam Bộ.
 
Ngày nay, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ nói chung và ở An Giang nói riêng không chỉ được người dân miền sông nước yêu mến mà còn là một loại hình văn hóa nghệ thuật được quần chúng, hay ngành Văn hóa từ cấp cơ sở đến tỉnh của nhiều địa phương trong cả nước tổ chức biểu diễn trong các cuộc liên hoan phục vụ nhân dân trong những dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại...
 
ĐCTT vẫn tồn tại, phát triển ở phương Nam như một nhu cầu không thể thiếu. Nhiều bài bản của nó vẫn được truyền dạy ở các trường nghệ thuật, các lớp dạy tư của nghệ nhân, nghệ sĩ. GS-TS Trần Văn Khê đã từng khẳng định: “Miền Nam là cái nôi, là không gian để nghệ thuật ĐCTT và cải lương phát triển. Và rõ ràng, nghệ thuật ĐCTT truyền thống cũng mang đậm nét đặc trưng văn hóa của con người và vùng đất nơi này: Dân gian và bác học, phóng khoáng và thân thiện. Đồng thời, ĐCTT còn thể hiện sự chân thành và nghĩa khí của con người ở vùng đất phương Nam”.
 
ĐCTT là loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ. Vì những dạng thức của ĐCTT gắn liền với đời sống tinh thần vốn rất phong phú của người dân phương Nam nên còn được xem là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. ĐCTT còn là sự hội tụ của nhiều nguồn văn hóa khác nhau, cùng với những sáng tạo đột phá, sự phóng khoáng và thích nghi, sự hào hiệp và nghĩa khí, sự giản dị và thật thà trong tính cách của con người Nam Bộ.
 
 
Phần 2: Con đường trở thành di sản nhân loại
 
Đờn ca tài tử (ĐCTT) không chỉ là đặc trưng văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người ở vùng đất phương Nam… Bộ môn nghệ thuật độc đáo này đang đề nghị Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
“Tỉnh Bạc Liêu đang gấp rút chuẩn bị cho Festival ĐCTT vào đầu năm 2014. Đây là lần đầu tiên một sự kiện Festival ĐCTT mang tầm quốc gia được tổ chức. Đó cũng chính là một trong những bước đệm để ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại trong thời gian tới. Tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất triển khai xây dựng 25 công trình phục vụ cho sự kiện này. Trong đó, có một số công trình trọng điểm, như: Quảng trường Hùng Vương, Trung tâm Triển lãm Văn hóa- Văn học nghệ thuật, Nhà hát Cao Văn Lầu, Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh, dự án mở rộng Khu lưu niệm nghệ nhân Cao Văn Lầu…
 
Tỏa sáng từ rất sớm
 
Năm 1900, tại Hội chợ Quốc tế Paris và năm 1906 tại Hội chợ Thuộc địa diễn ra ở Marseille, ban nhạc ĐCTT của Việt Nam đã có dịp trình diễn cùng vũ công huyền thoại nước Pháp- Cléo De Mérode trước khán giả của nhiều nước. Phần trình diễn ấn tượng của vũ công tài danh cùng dòng nhạc vừa lạ, vừa tinh tế của Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Có thể thấy, ĐCTT đã có tầm ảnh hưởng quốc tế ngay từ giai đoạn mới hình thành.
 
Hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu, như: GS.TS Trần Văn Khê, GS. Trần Quang Hải (con trai GS.TS Trần Văn Khê), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên (giảng viên âm nhạc Đại học Quốc gia Úc), nhạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh)… đã và đang có nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển của ĐCTT.
 
Người cao tuổi chơi đờn ca tài tử
 
Theo GS.TS Trần Văn Khê, điểm nổi bật của nghệ thuật ĐCTT chính là sự hòa hợp, gần gũi giữa người trình diễn với khán giả tạo nên sức sống bền vững cho nghệ thuật trình diễn độc đáo này của người dân Nam Bộ. Khi những nốt nhạc dạo của người tài tử cất lên, đa số người nghe đều có thể ngân nga những bài hát đã nằm lòng trong tiềm thức. Nghệ thuật ĐCTT hấp dẫn khán giả bởi tính bình dân nhưng lại mang chất hàn lâm trong trình diễn.
 
TS. Hữu Luân MC kể rằng, có lần anh sang Mỹ công tác, dự xem chương trình biểu diễn ĐCTT của Việt Nam cùng với nhiều người nước ngoài. Họ say mê dõi theo từng cung bậc trầm bổng của dàn nhạc cổ. Rồi có một ông người Mỹ rơm rớm nước mắt khi nghe âm điệu của tiếng đàn cò mùi mẫn, lay động lòng người… “Bởi vậy mới biết, không chỉ người Việt Nam mình “mê” vọng cổ, mà người nước ngoài họ cũng thích thú mỗi khi có dịp thưởng thức bộ môn nghệ thuật độc đáo này” - TS. Hữu Luân chia sẻ.
 
Sức sống lâu bền
 
Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, một đĩa thu âm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được GS.TS Trần Văn Khê giới thiệu với UNESCO. Sau đó, đĩa thu âm của nghệ nhân dân gian Bạch Huệ gồm 11 bài theo thể loại ĐCTT mang tên “Viet Nam traditions of the South” cũng được phát hành với thương hiệu “Tuyển tập UNESCO”...
 
Với những giá trị độc đáo, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng Hồ sơ Quốc gia Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, công tác kiểm kê di sản này được tiến hành khắp 21 tỉnh, thành trong cả nước có di sản ĐCTT. Theo đó, không chỉ có mặt ở Nam Bộ, nghệ thuật ĐCTT còn lan tỏa ra cả miền Trung, miền Bắc nước ta và vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để đến với người mộ điệu nghệ thuật đặc sắc này. Trong hội thảo quốc tế “Nghệ thuật ĐCTT và những lối hòa đàn ngẫu hứng” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2011, với sự tham gia của 150 đại biểu, trong đó có 7 tham luận đến từ các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Cộng hòa Síp. Các chuyên gia âm nhạc và nhà nghiên cứu văn hóa thế giới đã đánh giá cao giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.
 
Bên cạnh hoạt động bảo tồn, phát triển nghệ thuật ĐCTT bằng các cuộc thi, hội diễn, loại hình nghệ thuật này còn sắp sửa được dựng thành phim. Theo đó, “Vũ khúc Đông Dương”, dự án phim điện ảnh đầu tiên về ĐCTT vừa được một nhóm tác giả Việt Nam - Pháp hoàn tất kịch bản. Nội dung phim xoay quanh cuộc đời của Nguyễn Tống Triều- người thành lập ban nhạc tài tử, nổi tiếng về tài nghệ chơi đàn kìm. Đây là sự kiện lịch sử âm nhạc có thật ở Mỹ Tho (Tiền Giang) những năm 90 của thế kỷ trước và sự kiện ĐCTT Việt Nam được mời sang trình diễn ở Hội chợ Thế giới Paris (Pháp).
 
Phần 3: Lan tỏa và phát triển
 
Cũng giống mọi miền quê Nam Bộ khác, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân An Giang không thể thiếu đờn ca tài tử (ĐCTT). Có thể nói, loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân nơi đây. Ngay trong bối cảnh xã hội phát triển nhiều loại hình giải trí hiện đại, thì ĐCTT vẫn có chỗ đứng và mang nét độc đáo, hấp dẫn riêng.
 
Ca hát làm cuộc sống thêm tươi vui
 
Một cán bộ trong ngành Văn hóa nói, ở An Giang có 156 xã, phường, thị trấn thì cũng có đến ngần ấy đội, nhóm, Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT. Chính sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương đã góp phần bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất phương Nam.
 
Trở lại quê lụa Tân Châu- một trong những nơi sản sinh nhiều danh ca, danh cầm có tiếng ở An Giang, không khí sinh hoạt ĐCTT khá sôi động. Trên mỗi con đường của thị xã trẻ, dễ dàng nghe được những thanh âm mùi mẫn của tiếng đàn và giọng hát tài tử cất lên. Riêng CLB ĐCTT TX. Tân Châu, hàng chục thanh niên sinh hoạt đều đặn vào ngày 13 âm lịch hằng tháng, thu hút đông đảo khán giả mộ điệu thưởng thức. Ở Tân Châu, tất cả các xã, phường đều thành lập CLB, đội, nhóm ĐCTT nên đây là sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt qua từng lời ca, tiếng hát.
 
Trong khi đó, các CLB ĐCTT ở huyện miền núi Tri Tôn lại đậm chất mộc mạc, bình dân. Chỉ cần mấy chiếc ghế nhựa dọn ra, “nồi cháo cá lóc” được bày lên còn nghi ngút khói là tiếng đờn - giọng ca mùi mẫn… vang lên, làm không khí sinh hoạt văn hóa ở vùng núi như Cô Tô thật ấm áp. “Ở đây, hầu hết người dân đều làm ruộng, khai thác đá hoặc làm thuê mướn, nên đời sống khó khăn lắm! Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy nên sân chơi chưa có. Các CLB ĐCTT được xem là nơi tập hợp người dân sinh hoạt hiệu quả nhất hiện nay” - một cán bộ Văn hóa xã Cô Tô nói.
 
Kỳ vọng vào lớp trẻ
 
Nói đến nhạc sĩ Thiện Vũ, giới mộ điệu ĐCTT ở An Giang đều biết đến anh là nhạc sĩ cổ nhạc, sinh hoạt ở CLB ĐCTT tỉnh. Cũng như nhắc đến cây đờn “Ngũ tư cầm” (đờn ghi ta vọng cổ 5 dây nhưng kiểu dáng độc đáo giống như đàn tranh) là nhiều người biết do nhạc sĩ Nguyễn Khuynh chế tạo… Cùng với đó là những nhạc công như năm Suôl, Hoàng Phố (Tân Châu), những người có công lớn trong việc bảo tồn, phát triển bộ môn ĐCTT và đào tạo nhiều gương mặt mới cho sân khấu cải lương. Trong đó, hơn 40 năm qua, năm Suôl đã dạy đàn hát miễn phí cho hàng trăm học trò, trong đó không ít người đã thành danh, như: Ngọc Chiếm, Khánh Văn, Kim Hồng, Ngọc Loan, Ánh Loan… và nhiều tay đờn tài tử cải lương, góp phần phát triển phong trào ĐCTT.
 
Mới đây, cô gái Nguyễn Thị Luận (học trò của năm Suôl) vừa đăng quang cuộc thi Chuông vàng vọng cổ Truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 2013 với số điểm trung bình 19,99. Ngoài ra, Luận còn đoạt luôn giải do Hội đồng báo chí bình chọn. Nghệ sĩ trẻ Kim Hồng từng đoạt giải nhất Liên hoan Tiếng hát Truyền hình tỉnh An Giang năm 2002, giải tư Chuông vàng vọng cổ Truyền hình TP. Hồ Chí Minh 2009; em cũng hoàn thành xong chương trình đào tạo của Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh và là người đang được công chúng mến mộ… Trước đó, Khánh Văn từng đoạt Huy chương bạc giải Bông Lúa Vàng TP. Hồ Chí Minh năm 2003... Đây là những gương mặt tiêu biểu ở lĩnh vực ĐCTT- cải lương của An Giang. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với niềm say mê yêu nghề, tin rằng bộ môn nghệ thuật tài tử cải lương – loại hình văn hóa đặc sắc của vùng đất phương Nam sẽ được lưu giữ và phát triển.
 
AGO - Hữu Huynh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/loai-hinh-nghe-thuat-dac-trung-cua-nam-bo-a17264.html