Dân ca Bạc Liêu - sâu nặng tình người

Theo nhận xét chung thì tỉnh nào cũng có một số làn điệu dân ca, từ các thành tố: thơ. Ca dân gina, ca dao, điệu lý, dạ cổ, hò vè... được khái niệm chung là dân ca, tức là âm nhạc dân gian. Dân gian được cấu tạo từ hai nguồn: nguồn âm nhạc dân gian và nguồn nhạc khí dân gian.

Thực tế cho thấy: nó xuất phát từ bản thân địa bàn cư trú hoặc do sự giao thoa của nhiều vùng văn hóa tạo thành. Tỉnh Bạc Liêu ngày xưa địa bàn rất rộng nên loại hình văn học dân gian rất đa dạng và phong phú... Người Bạc Liêu chắc đã từng nghe câu ca dao: Xứ đâu bằng xứ Cạnh Đền/ Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh cánh.
 

Do đó những người đến đây khẩn hoang người ta càng lo sợ: Bạc Liêu xứ ở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng phải kinh.

Như đã biết, vùng đất này mới được người Việt đến khai phá chừng hơn 300 năm nay (thế kỷ XVII). Sau đó người Hoa (Triều Châu) đến cùng nương náu, đan xen với người Khmer, hồi ấy dưới sông rất nhiều tôm cá, nhất là cá chốt lội thành bầy, nên dân quê mới đặt “bôn” làm khô, làm mắm, nên có thơ rằng: Bạc Liêu xứ xở quê mùa/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu.
 
Lại thêm nạn cá sấu đầy rẫy mấy vàm sông, lên rừng đốn củi cũng dễ bị cọ vồ lắm chứ chẳng chơi: Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống áo sợ đỉa, lên rừng cọp tha.
 
Người Bạc Liêu cũng mang “tâm cách” chung của người đồng bằng sông Cửu Long, “anh hùng tứ chiếng” trọng nghĩa khinh thài, thấy ai cô thế thường ra tay giúp đỡ, “thi ân bất cầu báo”. Kiến nghĩa bất vi bvô dõng giả/ Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng.
 
Dễ hiểu nhất, như lời nhà văn Sơn Nam viết về vùng đất này: Trong khói sóng mênh mông/ Có bóng người vô danh/ Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu/ Mang theo chiếc độc huyền/... Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ/ Chướng khí mù như sương/ Thân không là lính thú.../ Sao chưa về cố hương (trích Lời tựa Hương rừng Cà Mau).
 
Người Bạc Liêu đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nên càng tỏ rõ lòng kiên trung bất khuất, dù gặp cảnh gian nan: Trời sanh cây cứng, lá gai/ Gió lay mặc gió, chiều ai ta chẳng chiều.
 
Sự kiện đồng Nọc Nạng càng tỏ rõ tiết tháo của người dân Bạc Liêu, cuộc đấu tranh dù không cân sức, nhưng thắng lợi thuộc về những người nông dân Bạc Liêu trước bọn thực dân “ác bá cường hào”. Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng/ Tràm xanh củi lục, anh hùng thiếu chi.
 
Sự kiện ấy còn mang lại cho đất Bạc Liêu nhiều thơ ca, tuồng tích khác như: vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạng của Phạm Ngọc Truyền và cuốn tiểu thuyết Đồng Nọc Nạng của Phú Vân. Vè Nọc Nạng đã trở thành thơ ca dân gian đi vào lòng người mãi còn ngâm ngợi.
 
Từ thập niên 50, phong trào chống Pháp dâng cao ở Bạc Liêu. Bài vọng cổ tạm thời bị cấm sử dụng. Đất này lại sản sinh ra điệu nói thơ Bạc Liêu để thay thế vào. Điệu này được nghệ nhân Thái Đắc hàng sáng tạo ra và được nhiềy người sử dụng... trước đí chừng 30 năm (lối 1920), bài iDạ cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng được sáng tác ra trên mảnh đất thân yêu này. Làn điệu bài Dạ cổ của Bác Sáu Lầu mang đầy tâm trạng, được viết ra với 20 câu nhịp 4: Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Đêm năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ơi, gan vàng quặn đau í a. (Trích từ 20 câu Dạ cổ Hoài Lang).
 
Bài Dạ cổ Hoài lang đã thành “vọng cổ Bạc Liêu”, sau gọi tắt là vọng cổ, là một khúc dân ca truyền cảm (lúc đầu nó thế chỗ bài Hành vân và chỉ chơi trong nhạc tài tử – bây giờ người ta hát thịnh hành như một khúc dân ca – kể cả sáu câu vọng cổ “thoát thai” từ bài gốc này cũng thế). Nhắc lại, bài nói thơ Bạc Liêu “thế chỗ” một thời! Lúc ấy tôi có dự một đám cưới, nhà trai “quy tụ” trên 10 cây đờn mandoline để thay phiên thâu đêm suốt sáng, mới biết dân Bạc Liêu yêu thích dân ca biết dường nào. Nói thơ Bạc Liêu được cấu tạo theo lối (điệu thức) âm nhạc ngũ cung dân tộc (rề, fa thăng, sol, la, si bình) tương ứng với lối ghi nhạc cổ: hò, xự (già), xang, xê, cống... Nhạc sĩ Phan Nhân khi về Bạc Liêu đã “cảm hứng” khúc dân ca này, và đã sử dụng chất liệu ấy vào bài Trên quê hương Minh Hải rất thành công! Ngày nay, nhiều tác giả cải lương dựa vào giai điệu ấy “đặt lời mới” mà họ gọi là điệu Lý năm căn. Như vậy, Bạc Liêu lại có thêm một làn điệu dân ca mới nữa!
 
Về bài Dạ cổ Hoài lang được với nhịp 4 trong ngũ cung: hò, xự, xang, xê, cống. Khi kết hợp với một ngũ cung khác: hò, xự, xang, xê, oan, thì thành ra hệ 7 âm trong nhạc cải lương: hò, xự, xang, xê, cống, oan (liu) là một làn điệu dân ca nổi tiếng hiện nay trên khấu cải lương!
 
Cũng từ bài Dạ cổ, kết hợp với lý con sáo Bạc Liêu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có bài Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang được nhiều người biết đến.
 
Ngày ấy có hai cách núi thơ Bạc Liêu: nói “trực khởi” là đàn và ca một lượt. Lời nói thơ bài Mười thương của ông Phi Bằng như sau: Má ơi con “chửa” muốn chồng/ Chờ cho (mà) chiến sĩ thành công trở về... (trích)
 
Nói thơ “lung khởi” là có lối nói như vọng cổ, rồi mới vô “mùi”. Nói dối: Cơn nước loạn cần người giúp đỡ.../ Buổi lâm nguy cậy ở thanh niên...
 
Rồi vô mùi: “con ơi! Hãy dứt mối... thâm tình” (mùi)
 
Vào nhịp ca tiếp: Con ra (mà) mặt trận giữ gìn biên cương/ Thà rằng chết ở chiến trường/ Còn hơn (mà) chết ở trên giường thê nhi... (trích).
 
Vào năm 1970, lúc cao trào đánh Mỹ đang dâng cao ở Bạc Liêu, thì nhạc sĩ A-na-tô-li Bứt Xơ-Kốp của nước Cộng hòa Ka-Zắc-tan (thuộc Liên Xô cũ), đã chọn bài thơ Bạc Liêu để sáng tác vở kịch hát mang nội dung về cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam Việt Nam.
 
Từ một giai điệu trữ tình, giàu sức biểu hiện, nhạc sĩ A-na-tô-ni đã mở đầu vở kịch bằng 3 kèn trom-pét rất thành công!
 
Bạc Liêu cũng có nhiều điệu hò, sau đây là lời tiêu biểu: Hò ơi... nhớ cây đa trốc gốc thợ mộc đang cưa. Đôi lứa ta đi ra cũng xứng, đứng lại cũng vừa ờ ơ... Tại cha với mẹ hò ơ... Tại cha với mẹ kén lựa sui gia...ơ ơ....
 
Về dân ca điệu lú, cũng có một số bài, xin nghe làn điệu Lý con sáo Bạc Liêu (thường gọi là Lý con sáo sang sông): “Ở, ở, ai xuo mà con sáo cái mà qua sông, cái mà qua sông, cho nên cái mà con sáo... ở, ở sổ lồng cái kìa bay xa, cái kìa bay xa. Cái lý song mã, cái lý xàng xê, đôi ta về, dồng ruộng ơi, sáo bay xa”.
 
Lâu nay, nhiều tác giả cải lương và nhạc sĩ đã sử dụng “chất liệu” của bài lý này vào tác phẩm của mình, nhưng họ có ngờ đâu cái xứ Công tử Bạc Liêu này cũng có những làn điệu dân ca thấm đẫm tình người, đã “gây men” cho họ có nhiều bài ca nổi tiếng, như hơn một lần chúng ta đã nghe.
 
Thanh Tâm

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dan-ca-bac-lieu-sau-nang-tinh-nguoi-a17263.html