Tại Hòa Bình, Đoàn đã tiến hành thẩm định thực tế một số nghi lễ mo như: Gặp gỡ, trao đổi và khảo sát bộ sưu tập cổ vật tại nhà thầy mo Bùi Văn Minh, xóm Mận, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) và dự lễ Vía kéo si (mụ thố) ở xóm Ráy, xã Văn Sơn; khảo sát bộ khót của ông mo Bùi Văn Chiến và lễ Vía hộp ở xóm Lồ, xã Phong Phú (Tân Lạc). Tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Đoàn đã thẩm định hồ sơ gồm: Cuốn sách “Mo Mường Hòa Bình”; bộ đĩa CD tư liệu Mo Mường Hòa Bình; báo cáo kiểm kê Mo Mường năm 2012 của Sở VHTTDL; một số tư liệu nghiên cứu như: Người Mường ở Hòa Bình, Nghi lễ Mo trong đời sống tinh thần của người Mường.
Qua thẩm định thực tế và hồ sơ đã phát hiện tính nhân văn, giáo dục sâu sắc của di sản Mo Mường Hòa Bình (được thể hiện qua đạo cụ, tế khí và nội dung lời Mo). Việc bảo trợ di sản Mo Mường là rất xứng đáng. Đoàn và lãnh đạo Sở VHTTDL (đại diện tỉnh Hòa Bình) đã ký biên bản ghi nhớ. Đoàn sẽ có trách nhiệm trình lãnh đạo Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam cấp Bằng bảo trợ di sản Mo Mường Hòa Bình trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Đoàn lưu ý: Tỉnh Hòa Bình cần chú trọng bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Mường, lựa chọn đề cử 20 nghệ nhân tiêu biểu Mo Mường của các vùng và hồ sơ trình Liên hiệp cấp bằng công nhận nghệ nhân Unesco Việt Nam…
Mo Mường là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời. Mo Mường được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Trên thực tế, Mo Mường được coi là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Trong Mo Mường phản ánh rõ nét những dấu ấn giai đoạn sớm nhất của xã hội loài người, những chứng tích, những tư liệu giúp chúng ta khai thác, phục hồi lại được diện mạo sinh hoạt, diện mạo xã hội và tư duy xã hội xa xưa. Thông qua sử thi huyền thoại Mo Mường, cho chúng ta thấy được phương thức cảm nhận thế giới rất đặc trưng; hình thái biểu hiện một cách tập trung và khái quát thế giới quan của người xưa. Các yếu tố tri thức và xúc cảm, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng,... hòa quyện vào nhau, diễn tả thế giới quan của tộc người Mường thời xa xưa.
Việc nghiên cứu mo Mường đã được bắt đầu tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của di sản này.
Theo Dân Tộc Việt
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tham-dinh-di-san-van-hoa-mo-muong-tai-hoa-binh-a1724.html