“Người tình truyền kiếp” - Thông điệp ngoài văn bản

Tôi phải xếp lại các bề bộn thường nhật, dẫu bề bộ có lý và bề bộn “thanh minh” thời công nghệ số để đọc truyện ngắn “Người tình truyền kiếp” của nhà văn Như Bình. “Người tình truyền kiếp” có vẻ “quỳnh giao” và quen thuộc lắm lắm.

 
Nhà văn Như Bình.

Tra trên goole, tên các chương trình, phim ảnh có tên tương tự khá nhiều, riêng Truyền hình Thái Lan đã từng có bộ phim dài tập “Duyên tình truyền kiếp” làm không ít khán giả rơi nước mắt. Có gì hấp dẫn không đây? Cảm giác thiếu “tự tin” khi vấp vào tên truyện ngắn. Vậy mà tôi đã “ngã” và “ngộ” vì truyện ngắn “Người tình truyền kiếp”.

Phải nói rằng, từ sau đổi mới đến nay, sự “trỗi dậy” của giới nữ trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng đã xác lập bản sắc riêng trong tiếng nói nghệ thuật. Đó là một “chất nữ” đậm nét - các vấn đề của cuộc sống được “cái viết” dưới cách nhìn của phụ nữ và theo cách thể hiện phụ nữ. Dấn thân vào mọi đề tài của văn xuôi đương đại, với những ưu thế riêng của giới mình, các nhà văn nữ đã góp một cách nhìn rất sâu sắc, rất “phụ nữ” về một hiện thực trong tính toàn vẹn của nó. Cùng với nội dung, hình thức nghệ thuật cũng in đậm dấu ấn của giới tính trong sáng tạo nghệ thuật.

Nhà văn nữ lâu nay viết truyện ngắn thường có điểm chung về đề tài hạnh phúc. Họ giải mã để trả lời được về tình yêu, những “va đập” trong đời sống hôn nhân với bao khát khao và ước vọng của người vợ, người mẹ. Họ viết về bình đẳng giới trong xã hội hiện đại. Không ít nhà văn nữ khai thác đề tài sex, vốn là câu chuyện nhạy cảm, người phụ nữ thường chịu nhiều thua thiệt, chưa được giải phóng, bình đẳng trong xã hội “văn hóa phong kiến”. Ngôn ngữ văn học cũng đã mạnh bạo, quyết liệt hơn.

Như Bình là một trong những gương mặt nổi trội đó. Chị là nhà văn có tài, truyện ngắn của chị thường thắt nút, mở nút bất ngờ. Phải đọc.

“Người tình truyền kiếp” của nhà văn Như Bình, dẫn dụ người đọc bắt đầu từ khung cảnh thơ mộng và bí hiểm về đêm của biển. Trước biển, mỗi người có một tâm trạng khác nhau. Riêng, với “tôi”, nhân vật của truyện ngắn “Cảm giác như biển dầy sóng, sóng động dữ dội nhiều hơn đêm trước. Những lớp sóng đen trũi, lực lưỡng dâng từ đáy sâu của biển cả từng đợt đập vào bờ. Từng đợt, từng đợt triều cường nối đuôi nhau chồm lên như nuốt chửng lấy bãi cát bé bỏng… Tôi thấy nước tràn vào dập duềnh trong lồng ngực mặn đắng…”, “Cái lạnh sâu từ dưới đáy biển chạy dọc sống lưng lên đến đỉnh đầu buôn buốt…”.

Bất chợt, “Mắt tôi tối sầm lại, rồi dường như có hình dáng ai đó mạnh mẽ rẽ sóng lướt đến bên tôi, có ai đó mạnh mẽ nâng tôi lên từ đôi canh tay lực lưỡng. Tôi nép vào ngực người đó ngủ hiền ngoan. Cái lạnh biến mất thay vào đó là một luồng hơi ấm sực nức dâng lên như sương, phú kín lấy người tôi”.
 
 
Vẻ đẹp xao xuyến của hoa Muống biển

Truyện ngắn, báo hiệu nhân vật “tôi” bắt đầu “tự sự” về mối tình truyền kiếp. Thực tế, người đọc đi qua những xung đột tâm lý, bày tỏ về khát vọng hạnh phúc của nhân vật. “Chúng tôi ngồi khít khao vào nhau hơn. Khít đến nỗi tôi thấy mình như đang đắm chìm trong vị biển mặn chát. Nghe thấy rõ tiếng đập thình thịch, thình thịch của trái tim khỏe mạnh đang nóng giẫy lên trong vòm ngực rộng của anh. Khít đến nỗi tôi hít được mùi đàn ông nồng lên trên thịt da và tóc anh như lửa cháy”. Đó là một giấc mơ.

Nhà văn Như Bình đã hư cấu nên câu chuyện tình của cô Muống và chàng Biển làm nôi cho giấc mơ ràng rịt. “... có cô Muống và anh Biển yêu nhau. Anh Biển mải mê đi tìm luồng cá ngoài khơi xa nên bị sóng cuốn đi. Cô Muống ở nhà chờ đợi người yêu, chờ mãi không thấy người yêu về, biết người yêu đã bỏ thân ngoài biển cả nên khóc suốt mà gục chết trên bãi cát, hóa thành loài hoa muống biển mọc bên bờ biển, để đêm đêm nằm nghe tiếng rì rầm của sóng biển và tiếng biển ru vọng về”.

“Muống và anh Biển yêu nhau và chết ở biển để được mãi mãi bên nhau vì lúc sống họ không thành duyên phận được”.

Trong huyền sử, trong cổ tích Việt Nam đã có bao nhiêu câu chuyện về tình yêu đẹp. Chuyện về tích trầu cau là một ví dụ. Và lần này là chuyện tình muống và biển như trong một bài hát mà nhà văn Như Bình đã khéo léo “bày binh bố trận”, sắp xếp, tạo ra các mối liên hệ giữa các yếu tố một cách lôgic, hợp lí, nghệ thuật trong truyện ngắn “Người tình truyền kiếp” của chị.

“Thuở loài người có tên trước Biển.
 
Và không ai gọi Biển như bây giờ.
 
Có chàng trai tên Biển, cùng yêu thương cô Muống chân tình”
 
(Lời bài hát Hoa Muống Biển)
 
 
Hôm qua, chúng tôi đã đi mãi, đi mãi bên nhau trên bãi biển

Nói đến tiền kiếp, có thể hiểu người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước... Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ.

Con người gặp nhau là bởi chữ duyên, sống và yêu nhau là bởi chữ nợ. Nhiều cặp vợ chồng đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay... những người không hiểu duyên nợ sẽ nói rằng người kia trăng hoa, sở khanh nhưng thật ra có thể người đó đã trả xong nợ nên buộc phải ra đi...

“Hôm qua, chúng tôi đã đi mãi, đi mãi bên nhau trên bãi biển. Thiên nhiên dẫn dụ. Cát mịn đỡ bước chân… Tôi lướt như bay chậm là là trên cát. Bên cạnh tôi, chàng trai tôi không sao nhìn rõ mặt” và “Chúng tôi đi ngược chiều nhau, chặm mặt nhau, va vào nhau trong đống lưới đánh cá bùng nhùng còn tanh mùi vị biển. Một thoáng điện giật chạy từ chân lên đỉnh đầu. Cát dưới chân tôi như sụt lở, vạn những ngôi sao sáng lòa trên biển bay vọt lên trời nhấp nhánh cười. Đúng là “thiên nhiên dẫn dụ” câu chuyện tình của nhân vật tôi. Lấp lánh sau câu chuyện là khát vọng có thật về tình yêu, một khái niệm, một câu hỏi mà từ khi sinh ra, loài người luôn tìm kiếm, từ khi sinh ra chữ viết trên cuộc đời, các nhà văn, nhà thơ viết mãi về nó nhưng vẫn không sao hết được cung bậc.

“Người tình truyền kiếp” của nhà văn Như Bình trước hết là một truyện ngắn, với đầy đủ các yếu tố tình huống, cốt truyện, kết cấu. Tuy nhiên, “Người tình truyền kiếp”, khác biệt, giống như một bài thơ văn xuôi với đầy đủ ý nghĩa ẩn dụ và tư tưởng của thi ca.

Biển là không gian sống của người Việt. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia. Việt Nam là một quốc gia có bờ biển trải dài hơn 3.260 km, với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có một không gian biển rộng lớn, không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho các thế hệ người Việt mà còn là nơi hình thành nên các cơ tầng văn hóa Việt và cũng là nơi lưu giữ các trầm tích văn hóa Việt tự bao đời nay.
 
 
Em sợ biển sẽ nuốt chửng lấy anh, cướp mất anh của em

Biển đã trở thành môi trường sống, là nhân tố hợp thành và nuôi dưỡng các nền văn hóa Việt cổ, góp phần định hình bản sắc văn hóa và tư duy của dân tộc Việt Nam. Chính các yếu tố biển là tác nhân quan trọng góp phần hình thành nên tư duy thương nghiệp của dân tộc Việt Nam bên cạnh tư duy nông nghiệp lúa nước đã được định hình bởi các nền văn hóa ở sâu trong đất liền.

Xét trên khía cạnh “truyền bá văn hóa”, không gian biển chính là “đường dẫn” để văn hóa Việt Nam “nối thông” với thế giới bên ngoài và lưu lại những dấu ấn và ảnh hưởng mạnh mẽ ở những nơi mà văn hóa Việt “cập bến”. Người Việt tự hào có một không gian biển, luôn sống chết vì không gian biển.

“Anh gối đầu lên tóc tôi. Tôi thì thầm: "Em không cho anh đi biển nữa vì em sợ cảm giác phải đợi anh. Em sợ biển sẽ nuốt chửng lấy anh, cướp mất anh của em. Mình sẽ rời biển lên một ngôi làng nào đó cuốc đất trồng rau sinh sống anh nhé". Anh cười vang vang: "Anh biết làm gì ngoài nghề đi biển đánh cá. Xa biển, rời biển, anh làm sao sống được".

Đúng thế, “xa biển, rời biển, anh làm sao sống được”. Điều này không chỉ vì “Anh biết làm gì ngoài nghề đi biển” đâu? Những ngư dân như “anh” trong cộng đồng ngư dân Việt Nam, suốt từ Bắc đến Nam, từ thế hệ này sang thế hệ khác không chỉ sinh tồn nhờ biển mà họ còn là những người ngày đêm bảo vệ không gian biển cho muôn đời con cháu mai sau. “Ra khơi bám biển”, trở thành lẽ sống, niềm tự hào. Nhờ họ mà quốc gia biển có chủ quyền và quyền chủ quyền với biển, đảo quê hương.
 
Vẫn biết, trước biển con người quá nhỏ bé. Vẫn biết, thiên tai, bão tố, sóng lừng... kể cả giặc giã đe dọa nhưng không vì thế, ngư dân không ra biển. Mỗi khi có bão ập đến hoặc tai nạn, sự cố bất khả kháng, các cô gái có người yêu đi biển, vợ có chồng đi biển không thể không lo lắng đến thẫn thờ. Từng tia hy vọng đều níu kéo trên mỗi con sóng tấp vào bờ. Dễ hiểu vì sao “Tôi thì thầm: "Em không cho anh đi biển nữa vì em sợ cảm giác phải đợi anh. Em sợ biển sẽ nuốt chửng lấy anh, cướp mất anh của em”.
 
Nhưng anh ra khơi, ngoài lẽ sống là bổ phận. Đó cũng là những thành tố của tình yêu, với tư cách là một nội hàm cao quý.
 
“Chúng tôi cười vang vang và quấn lấy nhau trên bãi cát, xung quanh là bời bời hoa muống biển tím lịm. Tôi vừa hôn anh đấy, đã lại muốn hôn anh thêm nữa biết bao. Tôi đã lại muốn ngấu nghiến lấy đôi môi dày mềm mại của anh... Tôi đã lại muốn thò bàn tay vào ngực trần của anh để in lên đó những dấu hôn sâu nhất. Tôi đã lại muốn đưa hai bàn tay lên đỡ lấy khuôn ngực rắn chắc mềm mại và nóng hổi của anh trong tay. Tôi muốn gặm từng miếng cơ thể anh để rồi tan vào vầng ngực và đôi môi ngọt ngào kia, vầng trán tinh khiết kia. Tôi muốn tan biến vào anh, để trên anh tôi chỉ còn là những vệt yêu hoang dại...
 
Nhưng đêm nay anh đã bế tôi lên đi về phía biển”.
 
“Người tình truyền kiếp” với những trang viết chứa chan hạnh phúc.

Trong “Người tình truyền kiếp”, những trang viết của Như Bình thơm mùi dâng hiến, ngồn ngộn ngôn ngữ phồn thực:
 
“Tôi không nhớ tôi đã nói gì với anh.
 
Anh cũng càng không thể nhớ được những gì chúng tôi đã nói cùng nhau.
 
Cát mát lạnh da thịt.
 
Tôi hít hương tóc ở phía anh.
 
Cánh tay rám nắng tròn căng những cuộn cơ chắc đá của anh quàng lấy lưng tôi êm dịu.
 
Anh mãi miết lên người tôi những nụ hôn xiết chặt.
 
Tôi lịm đi dưới anh.
 
Ô kìa, chúng tôi làm tình với nhau như những cặp vợ chồng khát khao nhau lâu ngày không được gặp”.

Phải nói “Người tình truyền kiếp” của nhà văn Như Bình đầy chất thơ, truyện ngắn đã là một áng thơ về tình yêu, khát vọng được thể hiện bằng bút pháp đặc biệt. Khát vọng được yêu, được dâng hiến cho người mình yêu, điều không dễ có trong đời sống hiện hữu. Khát vọng được thủy chung son sắt trong tình yêu biển, gác biển, canh biển cho đất nước./.
 
Ngô Đức Hành

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-tinh-truyen-kiep-thong-diep-ngoai-van-ban-a17157.html