Nước mắm Diễn Châu - Vị mặn mòi của biển!

Diễn Châu (Nghệ An) không chỉ nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, những điệu ví câu giặm, nơi đây còn cất giấu “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc Việt - nước mắm.

Những vùng bãi ngang ven biển, nơi đầu sóng ngọn gió như Diễn Bích, Diễn Ngọc... có một loại nước chấm đượm vị quê, được chắt chiu từ những món quà của biển - nước mắm. Với người dân “kẻ bể”, nước mắm là bạn, về với biển, ngay từ đầu những mũi thuyền đang neo đậu cửa Lạch là vị nước mắm, được quyện vào gió, phảng phất, vương vấn.

Được xem là 1 trong 4 món ẩm thực tiêu biểu của người Việt (cùng với thuốc lào, bánh chưng và trầu cau), đã từ lâu nước mắm trở thành “quốc hồn, quốc túy” của ẩm thực Việt. 

Suốt gần 200 năm, nước mắm đã gắn liền với tên làng, tên đất “kẻ bể”. Có thể nói rằng, đây là “đặc sản” trứ danh xứ Nghệ. Nức danh đến độ danh kẻ Cao Bá Quát đã phải “mượn” cái mùi khó ưa này để chê thơ của các thi sĩ trong "Mặc Vân Thi xã" ở Huế:
 
"Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An"



Nước mắm - Vị mặn mòi của biển, là hồn quốc, quốc túy trong ẩm thực Việt. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo nhiều những tư liệu cổ thì nước mắm có tên sơ khai là "thủy hàm" (nước mặn). Mấy ông cụ nghiên cứu người Tàu thì vẽ chuyện hơn, gọi "nước mắm” bằng cái tên mỹ miều lắm: "ngư lộ" (giọt sương tiết ra từ cá). Không chỉ được ghi nhận trong thư tịch cổ, nước mắm còn được nhắc đến trong các hồi ký, nhật ký của những người phương Tây từng hiện diện ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước.

Nước mắm có lịch sử tồn tại lâu dài với người dân Diễn Châu, là một phần không thể thiếu trong nếp sống và văn hóa của người Diễn Bích, Diễn Ngọc... Không ai có thể hình dung một bữa cơm của người dân miền biển lại có thể thiếu vắng nước mắm. Nước mắm chính là linh hồn của ẩm thực người miền biển Diễn Châu, là đặc trưng giúp ẩm thực của người vùng biển Diễn Châu khác với ẩm thực của các vùng khác. Thậm chí, nước mắm là thứ để người dân Diễn Châu có thể làm biến đổi món ăn của "tha nhân" thành món ăn của người miền biển. Giá trị của nước mắm vì thế trở nên "độc nhất vô nhị" trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt nói chung, trong sức sống mạnh mẽ của văn hóa người Diễn Bích, Diễn Ngọc... nói riêng.
 


Là một phần của lịch sử, văn hóa; phản chiếu tính cách, khí chất và tâm hồn người dân vùng biển. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nước mắm thì người Việt Nam ở vùng miền nào cũng ăn, cũng có. Nhưng tình yêu dành cho nước mắm thì có lẽ không ai hơn người Diễn Châu. Người dân miền biển Diễn Châu thích ăn mặn. Sở thích này có mối quan hệ khăng khít với nước mắm. Dân Diễn Châu, dân "cá gỗ", dân "chặt to, kho mặn" nên nước mắm đóng vai trò quan trọng bậc nhất, trung tâm trong ẩm thực của người miền biển, khiến cho văn hóa ẩm thực của người dân càng đậm đà, mạnh mẽ.

Bữa ăn của người Diễn Bích, Diễn Ngọc mà thiếu nước mắm thì người cầm bát cơm cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị, không buồn cầm đũa. Nữa là, vào mùa đông, ngư dân Diễn Bích trước khi lặn xuống biển, thường uống nước mắm để chống lạnh. 


Nước mắm vượt qua chức năng là món ăn, là gia vị của người miền biển Nghệ An nói chung, người dân Diễn Châu nói riêng mà nó còn là một phần của lịch sử, văn hóa; phản chiếu tính cách, khí chất và tâm hồn người dân vùng biển. 
 
Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nuoc-mam-dien-chau-vi-man-moi-cua-bien-a17156.html