Khám phá sự tích về ngôi đền Ba Dùi ở Thanh Chương

Dưới chân núi Hòn Rọ - nơi giáp ranh giữa hai xã là Thanh Tiên và Thanh Liên của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là ruộng lầy với hàng chục ha. Người nơi đây hay gọi là rọng lầy.

Cũng do là rọng lầy (ruộng lầy) vừa sâu vừa heo hút nên người dân ít canh tác thế nên ruộng lầy mọc đầy cỏ lác và cho đến bây giờ vẫn còng nguyên vẻ hoang sơ. Ít tai biết rằng nơi đây trước kia là nơi đã từng diễn ra cuộc huyết đấu giữa con người và thú dữ, đó chính là sự tích Đền ba dùi.

Người xưa kể lại rằng: Làng Cao Điền sống gần rừng, dân làng ngoài cày ruộng còn sống bằng nghề đi rừng lấy gỗ, lấy mây, đào củ mài, củ nâu, lấy măng… nhưng họ thường bị thú dữ trong rừng phá hoại hoa màu, rình mò bắt trâu bò và cả người nữa. 

Trong thôn có thời đó có một anh nông dân nghèo, bố mẹ mất sớm nhưng anh có sức khỏe hơn người, anh sống bằng nghề cày thuê, kéo gỗ thuê, ai nhờ làm việc gì thì làm việc đó, lần lữa kiếm sống qua ngày. 

Sống vô tư và lao động giỏi nên bà con trong làng thương tình cắt cho mấy sào ruộng công để tự cày cấy mà sinh sống, đồng thời làm cho mái nhà ở cửa rừng và giao cho công việc lùa đuổi thú dữ mỗi khi chúng kéo ra phá hoại hoa màu.

Từ ngày có anh canh gác bảo vệ, thú dữ trong rừng hễ có con nào đến là anh gõ mõ, đánh phèng la… báo động cho dân làng ùa ra săn đuổi. Anh còn làm các loại bẫy, bẫy lao, bẫy chuông, bẫy thòng lọng, bẫy rào, bẫy sập… đặt ở các lối mòn mà thú dữ từng qua lại để bẫy thú. Bọn chúng không giám hoành hành như trước nữa nên rủ nhau vào rừng sâu cầu cứu hổ. Hổ nghe nói có người chặn con đường kiếm ăn của đồng loại đã tức điên, lại nghe nói hắn coi thường mình nên càng lồng lên dữ dội.

Một buổi sáng anh nông dân dậy sớm mượn trâu ra cày lại khoảnh ruộng mà dân làng dành cho mình, anh định cày xong sẽ đạp đất luôn để trồng bông nên mang theo dùi vồ.

Cày được một luống thì bỗng một con hổ hiên ngang bước tới ngồi đầu bờ. Biết hổ ngồi đó nhưng anh vẫn bình tĩnh cày hết đường cày nọ qua đường cày kia, Hổ gầm lên: 

- Này tên nông dân kia, đồng loại ta có thù oán gì mà ông tìm cách gây khó dễ con đường làm ăn của họ quá thế?

- Tôi có cách của tôi.

- Cách gì?

- Thăng voi giáng hổ.

- Thăng voi giáng hổ là như thế nào?

- Là lên thì cưỡi voi, xuống thì cưỡi hổ.

- Ái chà chà, giỏi thật.

Hổ định chồm lên vồ anh nông dân, nhưng thấy anh ta có vẻ vẫn thách thức với mình, lại thấy bắp thịt anh ta rắn chắc cuộn tròn hai cánh tay, nên hổ cũng chờn. Hổ nghĩ bụng, thằng này sẽ chết với ta. Hổ nghĩ, thăng voi giáng hổ, voi không có ở đây, chỉ có ta, ta cho hắn cưỡi ta rồi ta chạy vào rừng sâu, thế là vừa được một bữa ngon miệng vừa trả thù cho đồng loại, nghĩ thế hổ hỏi:

- Bây giờ mày lên hay xuống?

- Xuống.

- Mày cưỡi thử ta xem sao?

- Để tôi tháo trâu lấy chạc (dây thừng) cày làm cương đã.

Nói rồi anh nông dân dùng dây thừng cày, tháo ách trâu, cho trâu đi ăn cỏ, còn anh đem chạc mũi buộc vào miệng hổ làm cương. Xong đâu đó anh buộc một đầu chạc thật chặc vào một cây lớn rồi lấy dùi đến bên hổ. Hổ hoảng:

- Mày làm gì thế?

- Tao “giáng” mày đây.

Vừa nói anh vừa giơ cao dùi vồ “giáng: Hổ, mày chết đi.

Với sức mạnh của mình, chỉ với ba dùi vồ, hổ đã chết tươi.

Từ đó các thú dữ khác càng khiếp vía, không một con nào dám bén mảng tới Cao Điền. Dân làng được yên ổn làm ăn. Nhưng rồi, chẳng bao lâu sau đó, trong một trận dịch tễ, anh qua đời.

Bà con dân làng thương tiếc người anh hùng đã trừ thú dữ, bảo vệ cuộc sống yên vui, làm đền để thờ, gọi là đền “Đức Thánh Ba Dùi” hàng năm xuân thu cúng tế, nhà vua đã ban sắc cho thần là: “Anh linh cổ pháp Ba Dùi Trung đẳng thần”.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt các hạng mục của ngôi đền đã mất hết gần như toàn bộ, mấy năm trước còn hai cây lộc vừng thì cũng bị người dân quanh vùng đào mất, hiện nay chỉ còn lại phần nền đất được biết đó là phần móng gian ngoài cùng của đền.

Phần móng này mằm giữa mênh mông ruộng hoang và cây lác. Một số người dân đã đem cọc bê tông và dây thép gai vây lại nhằm không cho trâu bò vào khu vực nền đền.

Thỉnh thoảng nơi đây vẫn có con em người địa phương xa quê trở về tìm lại và thắp hương. Một số câu chuyện tâm linh cũng được nhắc đến. Thực hư cây chuyện vẫn chưa ai giải thích được. Nhưng câu chuyện anh thanh niên giết hổ dữ chỉ trong ba dùi là hoàn toàn có thật điều đó thể hiện ở sắc vua phong: “Anh linh cổ pháp Ba Dùi Trung đẳng thần”.

Bên cạnh vấn đề mang tính tâm linh, bản sắc… Sự tích về Đền Ba Dùi còn để lại trong đời sống cộng đồng nơi đây chính là khí phách, lòng dũng cảm, là tấm gương, tinh thần lao động, của con người và khát khao cuộc sống bình yên, hạnh phúc!

Thiết nghĩ, việc bảo tồn và phát triển các giá trị vật chất và tinh thần nói chung và Đền Ba Dùi nói riêng thực sự rất cần thiết. Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An nên xem xét để có cách bảo tồn, tôn tạo và phát triển ngôi Đền Ba Dùi này.

P.V

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-su-tich-ve-ngoi-den-ba-dui-o-thanh-chuong-a17155.html