Giải nhiệt âm khí trước lúc bốc mộ...
Mỗi tổ, đội bốc mộ khoảng 3 đến 4 người, mỗi ngôi mộ sau khi bốc hoàn thành, có giá từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, ngoài ra thấy sự vất vả của người bốc mộ, gia chủ có thể bồi dưỡng thêm. Những ngày đẹp, giờ đẹp theo tử vi, phong thủy, thường có nhiều người bốc mộ, thường trùng nhau, nên có lúc cũng quá tải.
Thông thường khi gia đình có người thân mất, anh em trong gia tộc liên quan, ngồi lại bàn nhau để đưa ra phương án mai táng, có nhiều người sau khi mất, được đem đi thiêu, sau đó đưa về chôn cất tại nghĩa trang gia đình, hoặc nghĩa trang của họ tộc, nếu được sự đồng ý của anh em họ tộc, vì theo quan niệm là khi mới mất là tang đang mới nên còn đang tanh. Có gia đình chọn phương án là đem chôn thành mồ, sau giỗ hết khó 27 tháng trở đi mới được cất đưa về nghĩa trang, do điều kiện cuộc sống của từng gia đình, có người được lo lắng chu đáo, có người lên đến hàng chục năm, vẫn chưa thể đưa về nghĩa trang của gia đình và dòng họ được.
... và các công đoạn khai mộ phải được thực hiện cẩn thận, tỷ mỉ.
Khi bốc mộ thường chọn ngày, giờ đẹp, thường vào ban đêm yên tĩnh. Vượng khí trời, mộ người chết, sau khi được thầy cúng, thầy mo làm lễ, chọn giờ đào nhát cuốc đầu tiên, giao lại cho đội bốc mộ chuyên nghiệp, khi đào đến phần thi hài, dùng một nạm chổi rành đốt và khuơ trong mộ để giải nhiệt âm khí, các loại khí độc lâu ngày tích tụ lại, như Mê tan, Phốt pho,… thoát ra, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phía trên mộ cũng không nhất thiết phải làm lán che đậy, nếu gặp trời mưa thì mới phải che.
Anh Sơn, một người làm nghề bốc mộ ở Thanh Chương, Nghệ An chia sẻ: "Mộ sau khi đào gặp thi hài, do đất nén lại, thịt da phân hủy, nên độ dày chỉ khoảng 10cm trở lại, sau đó dùng bai xúc từng phần xếp lại ngay ngắn vào tiểu theo thứ tự ngăn nắp, những người khi mất mà còn nguyên quần áo thì dễ bốc hơn và đầy đủ hơn, đặc biệt có lần sau khi bốc xong, chuẩn bị đóng nắp tiểu, với kinh nghiệm bốc mộ, tôi ngồi quan sát thấy luồng khói hương quấn xuống phần mộ đã đào, tôi nhảy xuống khêu khêu cái dẻ, thấy hộp sọ lòi ra bị lún thấp hơn”.
Có những nơi, khi đào đến thi hài, có nước mạch, nước ngầm, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình bốc mộ, nếu quần áo đang nguyên, họ thường bê cả lên, để hồi lâu bốc hơi rồi mới thực hiện. Đối với người có mộ phát (gọi là mộ kết), không đào một lỗ bỏ con gà và cộ xôi cúng và lấp lại, những ngôi mộ này thường để nguyên và không cất nữa, vì theo quan điểm nếu để nguyên thế gia chủ sẽ làm ăn phát tài.
Anh Trọng một người thường xuyên bốc mộ, ở thành phố Vinh chia sẻ: "Ở Vinh chủ yếu là dân góp, nên mộ sau khi bốc xong, được chuyển về quê, và là những người có điều kiện kinh tế, khi ốm đau họ thường dùng nhiều chất bổ và hóa chất để chữa trị, vi khuẩn khó hoạt động, nên khi bốc mộ thường gặp những người còn nguyên thịt, còn máu tươi rói, nếu gặp gia chủ suồng sạ thì đem lên xẻ thịt bỏ lại, còn lấy xương bỏ vào tiểu, rồi làm lễ, còn gặp gia chủ kỹ tính thì rải cháo lấp lại…”.
Mộ sau khi được chuyển sang tiểu, được thầy cúng làm lễ đậy nắp, đối với nam hô ba lần, hú 3 hồn 7 vía, đối với nữ thì hô ba lần, hú 3 hồn 9 vía, rồi đậy nắp quan tài lại, sau đó rải cháo xuống phần mộ đã lấy thi hài, làm công tác hoàn thổ.
Tiểu sau khi đã được sắp xếp thi hài cẩn thận, được gia chủ di chuyển về nghĩa trang gia đình hoặc nghĩa trang họ tộc, có phần mộ đã xây sẵn theo vị thứ cấp bậc, rồi chỉnh trang lại, lúc đó mới được xem là nơi yên nghỉ cuối cùng, vĩnh cửu nhất đối với người đã khuất, sau khi thực hiện xong, thầy cúng làm lễ yên vị tại lăng mộ và tại gia đình, để được hương khói chu đáo, theo phong tục địa phương.
Thế Thắng