Cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh chừng 18km về phía Đông Bắc có một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng tọa lạc lưng chừng núi Bằng Sơn thuộc thị Trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, đó là chùa Kim Dung.
Chùa Kim Dung tọa lạc trên núi Bằng Sơn thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà
Chùa Kim Dung là nơi thờ Phật và thờ Đức Thánh Mẫu được nhân dân tôn lập từ thời nhà Trần vào khoảng thế kỉ thứ 13. Chùa tọa lạc trên lưng chừng ngọn Bằng Sơn nhìn thẳng xuống biển. Nơi đây từng tập hợp lực lượng nghĩa quân và bàn việc quân cơ hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Chùa nằm ngang lưng chừng núi, ngoảnh mặt hướng Tây Nam là hướng tĩnh tâm của Phật thiền định, thế đất rồng chầu, hổ phục, là vùng đất thiêng, vừa đẹp vừa yên bình. Từ chùa nhìn ra hướng Bắc là dãy núi Hồng Lĩnh điệp trùng, nhìn về hướng Nam là dãy núi Nam Giới như con rồng giữa biển khơi, nhìn về hướng Đông là Vịnh Bắc bộ, nhìn về hướng Tây là làng mạc, dân cư, ruộng đồng trù phú. Trước cảnh chùa là Trung tâm huyện lỵ Lộc Hà, sau lưng chùa là Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót. Hai bên chùa là hai khe suối, dưới chân chùa có hồ sen. Bên trái chùa có tượng Phật Bà Quan cao 18m sừng sững giữa trời mây.
Đá Chầu, hòn đá cổ có từ thời trăng vương
Mặt đá được gọi là Thạch Kẹ ngày xưa Hưng Đạo Vương dùng để chơi cờ, ngắm cảnh
Với quần thể thiên nhiên phong phú như: Hang Dơi, Hang Bí, Đá Rửa mặt, Đá Trâu, Đá Nghé, Đá Thủ Lợn, Đá Mào Sư, Đá rắn, Thạch kẹ... Nằm ẩn mình dưới rừng thông xanh ngát tạo cho Chùa Kim Dung một vẻ đẹp kì bí, hấp dẫn.
Đứng từ xa nhìn lên chùa như viên ngọc tỏa sáng giữa núi rừng xanh ngát.
Dãy núi Bằng Sơn - nơi ngôi chùa tọa lạc là vị trí táng mộ tổ Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là địa bàn hoạt động của nhiều chiến sỹ yêu nước.
Theo sử sách ghi lại, Chùa Kim Dung được xây dựng vào thời nhà Trần, gần chùa còn nhiều dấu vết Trang Vương và một số cấu trúc của thời Trần - Lê. Thời Trần, Hưng Đạo Vương kinh lý phía Nam, khi đi qua vùng này, thấy cảnh đẹp dừng chân nghỉ lại, sau này nhân dân lập miếu thờ ngài ngay cạnh Chùa.
Giếng Cổ quanh năm nước xanh trong vắt
Trước khi chưa có Đảng lãnh đạo, tại núi Bằng Sơn đã có nhiều nghĩa quân yêu nước tập hợp tại đây, điển hình như cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất 1874, phong trào Văn Thân 1883, phong trào chống thuế 1908, phong trào Cần Vương chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng vào cuối Thế kỷ XIX… Với tinh thần cách mạng, nhiều xã ở 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà (nay thuộc huyện Lộc Hà) đã nổi dậy chống thực dân Pháp và Nam triều phong kiến, nhiều sỹ phu yêu nước đã tập trung các lực lượng đầu quân tiêu biểu như Nguyễn Huy Điếm, Nguyễn Huy Thuận
Ngày 11/02/1930 và ngày 03/3/1931, tại chân núi Bằng Sơn chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ với quy mô rộng lớn. Nhân dân chủ động, người dùng gươm, người dùng giáo, người dùng gậy tập hợp tại đây rồi kéo vào trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh đấu tranh chống thực dân Pháp. Chùa Kim Dung cũng chính là nơi hội họp của Đảng ta vào những ngày đầu khó khăn, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thạch Bằng. Quần thể di tích núi Bằng Sơn - chùa Kim Dung không chỉ là di tích lịch sử danh thắng mà còn là biểu tượng cách mạng oai hùng, là niềm tự hào của nhân dân xã Thạch Bằng nói riêng và cả vùng đất duyên hải Miền Trung.
Khí hậu nơi đây thật lý tưởng bởi một bên là núi cao, một bên là biển rộng, 4 mùa hương hoa đua nở khoe sắc như chốn bồng lai tiên cảnh. Đây là một danh thắng kỳ thú gắn liền với yếu tố tâm linh ngàn đời, được du khách thập phương sùng kính ngưỡng vọng về đây chiêm bái, cầu nguyện.
Khí hậu nơi đây thật lý tưởng bởi một bên là núi cao, một bên là biển rộng, 4 mùa hương hoa đua nở khoe sắc như chốn bồng lai tiên cảnh
Các công trình kiến trúc trong và ngoài chùa bố trí rất hợp lý hài hòa giữa thiên nhiên với thờ tự. Không gian như hòa nhập tạo nên sự huyền bí gần gũi với tôn giáo với đời người với cõi xưa. Lễ hội Chùa được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm. Chùa Kim Dung là một địa chỉ đỏ của các phong trào Cần Vương của Cụ Phan Đình Phùng, là nơi mà các sỹ phu yêu nước hoạt động lúc bấy giờ và là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thạch Bằng nay là thị trấn Lộc Hà.
Đức Điệp