Nhưng hiện nay cả nhân loại nói chung và dân tộc ta nói riêng đang sống trong kỷ nguyên mà khoa học tự nhiên đã chiếm lĩnh hầu hết cuộc sống của xã hội, nó khác với thời đại tiền sử, quan niệm cuộc sống xã hội của người phương Đông xưa là do “ma” “quỷ” và “hồn” chi phối (ma ác thành quỷ dữ).
Ngay ở ta, trong sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, hoặc sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng đầy rẫy chuyện “ma” sống với người, hoặc sách Nghìn lẻ một đêm của người A Rập đạt độ tuyệt mỹ, Mác ximgóc ky từng viết: “… Như những sợi tơ vàng phủ kín cả mặt đất với những từ ngữ đẹp lạ thường” thì cũng đầy rẫy ma sống với người.
Sự xuất hiện “ma” và “hồn”
Sách Lịch sử triết học phương Đông của Liên Xô cho rằng: Nhận thức hiện tượng “ma” và “hồn” xưa là do: Khi nằm ngủ mơ thấy người chết đã lâu rồi mà hiện về, người ta cho đó là “ma”, hoặc ngủ mơ thấy mình đang dạo chơi ở một thắng cảnh nào đấy thì đó là “hồn” (1). Vậy, ma hiện về sẽ bắt người sống chết theo - tức là hiện tượng người đau ốm rồi chết, còn “hồn” thì có sức mạnh cứu được mình (đấy là quan niệm ở thời đại chưa có ngành Y tế và thuốc trừ sâu), cho nên người xưa phải tìm cách diệt trừ “ma quỷ”. Đó là các bậc “tiên triết”: Pháp sư, Mo then, họ là những Phù thủy siêu phàm, lấy vật linh Nõ Nường làm vật hèm “bùa chú” bằng động thái ma thuật với lời thần chú trù yểm, diệt trừ ma quỷ để cứu giúp mạng sống cho con người: động thái ma thuật trù yểm ấy gọi là “múa mo" - tức là “Hô thần nhập tượng”như sau:
Tại ngôi miếu của các làng có tục này, hàng năm diễn ra một nghi lễ ma thuật, tục hèm linh thiêng huyền bí vào giờ Tý nửa đêm, gọi là lễ mật tắt đèn diễn trò Linh tinh tình phộc, còn gọi là “múa mo”. Dưới sự điều khiển của chủ tế với khẩu lệnh: Linh tinh tình phộc: nam cầm dùi “phộc” vào mo nang của nữ đưa lên, làm ba lần đều “phộc” đúng cả (ảnh 1) đèn sáng lại, “dập” chiêng trống kính cáo Thần linh Thiên Địa và đân làng biết cuộc Lễ mật tắt đèn ở trong miếu đã thành công. Toàn dân làng nghe chiêng trống dập thì mọi người nam nữ của làng phải tiến hành tình phộc “bổ sung” để trừ đuổi ma quỷ và mọi rủi ro xúi quẫy cả năm cho gia đình và cả làng (xem thêm Lễ hội Trò Trám).
Làng Sơn Đồng huyện Đan Phượng, Hà Nội có lễ hội này được lưu truyền bằng câu ca: Sơn Đồng có hội múa mo/ Bánh dầy bánh cuốn đem cho các làng.
Như vây vật linh Nõ Nường không những là vật hèm bùa chú linh nghiệm trừ đuổi ma quỷ (ảnh 2) mà còn làm bánh dầy, bánh cuốn thứ thuốc ăn để phòng ngừa bệnh tật và trừ đuổi ma quỷ. Vì đấy là loại linh vật có đầy đủ linh nghiệm trong việc dùng những động thái “lắp khít” nhau để thụ tinh một thai nhi sinh ra một con người thì “vật ấy” phải có trách nhiệm là “bùa chú” bảo vệ con người mà “nơi ấy” đã sinh ra. Nhưng ngày nay cho tượng nam nữ ở ảnh 2 là phồn thực - tức là ca ngợi việc giao phối để sinh tồn. Nhìn thế mà nói thế thì bà hàng nước cũng nói được cần gì nhà khoa học. Bởi lẽ nó là nó nhưng không phải nó vì đã thay đổi chất (triết học).
Còn “thần hồn” thì có khả năng bảo vệ “thần xác” của mình, như các bậc đế vương, ngay từ thuở thiếu thời đã thể hiện sức mạnh ấy. Chẳng hạn “thần hồn” của Đinh Bộ Lĩnh lóe sáng chặn lưỡi thuổng lao vào gót chân của người chú độc ác (Chuyện cổ tích). Với Lý Công Uẩn, sinh ra không có cha, mẹ nghèo phải cho đi tu và làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Văn ở chù Dạm. Mới 6 tuổi, Uẩn đã tinh thông khá nhiều sách vở, lại là một cậu bé tinh nghịch và mãi chơi. Có lần, cha nuôi sai cậu đem oản lên cúng Hộ Pháp, thay vì thành tâm vâng lời, chú lại khoét ruột oản ăn trước.
Đến đêm, Hộ Pháp báo mộng cho Lý Khánh Văn, cậu bị cha nuôi mắng. Tức giận, Lý Công Uẩn lên chùa đánh cho Hộ Pháp ba cẳng tay, còn viết vào lưng pho tượng mấy chữ: "Đày ba ngàn dặm". Đêm hôm ấy, Lý Khánh Văn lại thấy Hộ Pháp đến với vẻ mặt buồn rầu báo mộng và ngỏ lời từ biệt: "Hoàng đế đã đày tôi đi xa, xin có lời chào ông". Sáng hôm sau, Lý Khánh Văn lên chùa xem pho tượng thì thấy sau lưng quả có mấy chữ "Đồ tam thiên lý" thật. Ông liền sai chú tiểu lấy nước rửa nhưng không sao rửa sạch. Cuối cùng, ông phải bảo Lý Công Uẩn vào rửa thì chú bé chỉ lấy ngón tay xoa xoa là sạch ngay (mạng).
Với những truyền thuyết ấy cho nên niềm tin vào “ma” và “hồn” cho đến hiện nay vẫn còn tồn tại, rất sâu sắc, nhưng đó là thuộc về ngành văn hóa xã hội - Nhân văn. Còn ngành khoa học tự nhiên của sự sống thì các nhà khoa học đã giải đáp sáng tỏ nhiều hiện tượng của sự chết thì mỗi cái chết đều do một loại vi trùng gây nên. Chẳng hạn chết vì sốt rét là loại muỗi Ano phen chuyền loại vi trùng, hoặc chết vì bệnh lao là do vi trùng lao v.v. chứ không phải do ma bắt. Tuy có ma và hồn, nhưng ngay cả những loại ma ấy cũng không hại người - Tức là loại ma do chết đường chết chợ hồn không siêu thoát, Nguyễn Du liệt kê trong bài Thập loại chúng sinh (2):
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn xiêu phách chiếc lênh đênh quê người
…
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trong sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời thẩn thẩn kéo ra.
Cần hiểu đúng về: sinh lão bệnh tử
Câu châm ngôn về Sinh lão bệnh tử này hiện nay có hai cách hiểu: một cách hiểu đúng và một cách hiểu sai. Ở đây xin bàn về cách hiểu sai được diễn ra trong các phương thức ứng xử của cuộc sống. Chẳng hạn: làm cầu thang lên tầng 2 của ngôi nhà phải dùng bậc cuối cùng là “Sinh”- nghĩa là chủ nhà cầu mong cho gia đình mình mọi hành động của cả nhà cái gì cũng chỉ có một mạch, một hướng theo chữ “sinh”. Nhưng quy luật của tự nhiên là Sinh - Tử - Sinh tử là hai phạm trù về sự tồn tại của vạn vật trong thiên nhiên: cây đến mùa thu, lá phải úa vàng, khô héo đến mùa đông thì trụng, để mùa xuân nẩy lộc đơm hoa, cỏ cây đến mùa hạ phải khô héo, cháy trụi chỉ còn lại gốc nằm dưới đất, để mùa mưa thì lên xanh tốt. Với loài người tuổi tác càng cao, thần xác càng già, nhưng thần hồn và trí tuệ không già:
Trăm năm trăm tuổi thần xác già
Thần hồn mơn mỡn tựa chồi hoa
Soạn bia Văn tế tầm minh triết
Câu Đối tặng người vầng sao sa
(Thơ mừng thọ cụ Vũ Khiêu trăm tuổi).
Còn người chết, với những ai khi đang sống có nhiều thành quả tốt đẹp để lại giúp ích cho đời thì tên tuổi vẫn được hậu thế nhắc đến - tức là người đó vẫn đang còn sống:
“Ngọc” mà “tú” đời mãi kiếm tìm
Câu thơ cuối của bài thơ Viếng nhạc sĩ Tú Ngọc, hoặc ca từ trong Bài ca người Lương y có câu: “Ngày xưa Lãn Ông trọn tấm lòng người Lương y gương sáng lưa truyền lại muôn đời mãi còn ghi” (3).
Qua phần lý giải để nói rằng Sinh - Tử là hai phạm trù bất biến, song song tồn tại với cuộc sống. Vậy mà người chủ nhà mong mỏi nhà mình chỉ có Sinh thì sự cầu mong ấy là không tưởng và có hại lớn cho gia đình: Chẳng hạn thế hệ cha, thế hệ con, thế hệ cháu, thế hệ chắt v.v. cứ sống mãi thì gia đình ấy là quái thai, hàng xóm lánh xa; hoặc với sự giàu có, tiền của cứ đầy lên mà không tiêu pha thì giàu để làm gì?
Cho nên tiền của phải chi tiêu - tức là “tử”; người kiếm được nhiều tiền - giàu có là người tài, nhưng chi tiêu đúng chỗ đồng tiền ấy lại là người tài giỏi hơn. Vậy người già phải chết là “tử” để cho con cháu phát triển. Ở đời, cha mẹ khi sống từng có tâm địa hại người thì sẽ chuốc lấy “nhân quả”, mà cần giúp đở người khác thì sẽ để lại phúc đức cho con cháu, có câu: Tre già để gốc cho măng. Dân tộc Thái ở Tây Bắc khi người già qua đời, trong nhà đang đau xót, khóc than da giết bi lụy theo điệu (hảy Po thẩu), thầy mo thì đang ngồi bên trái quan tài “khóc hồn người chết” (hạy xông khoăn) nhưng ngoài sân thì lớp trẻ đang múa hát thâu đêm.
Vậy người Thái vẫn còn duy trì được nét văn hóa cổ truyền. Còn người Kinh hiện đại thì muốn chữ “sinh” nằm ở bậc cuối của cầu thang tức là muốn cho mọi thứ chỉ có “sinh” nhưng cha mẹ già vẫn cứ chết, đó là “sinh - tử” theo quy luật của tự nhiên, chữ “Sinh” kia không cứu được sự chết của người già.
Còn người Kinh xưa qua phần văn hóa tang lễ cho thấy quan niệm cổ rất triết lý: Việc sử dụng khăn chế áo tang đều mầu tắng là Dương và sẽ dùng trong những lễ cúng tiếp theo như 49 ngày “Chung thất” (7 tuần) thì con cháu sẽ mặc lại. Đến kỳ giỗ năm thứ 3 xong mới thôi mặc và đốt - tức là hết tục chịu tang. Với tục vái lạy: lạy người sống 2 lạy (4) mừng thọ và cả trước quan tài, khi hạ huyệt xong thì 4 lạy coi như lạy Tổ tiên (5)
Việc coi người già chết chỉ là chết thần xác còn thần hồn vẫn sống mãi với con cháu bạn bè: không riêng dân tộc Kinh chúng ta mà nhân loại đều có chung một nhận thức như thế - tức là việc giữ gìn bộ hài cốt. Có dân tộc làm ngôi mộ vững bền vĩnh viễn như Kim Tự Tháp của Ai Cập, có dân tộc gìn giữ quan tài ở trên các hang núi, hoặc ướp xác, nếu hỏa thiêu thì giữ lại tro. Dân tộc ta thời cổ cũng theo tục hỏa thiêu như thạp đồng Đào Thịnh là một quan tài, khi tìm thấy trong lòng còn tro.Trên nắp thạp có tượng 4 đôi nam nữ (ảnh 2). Đó là vật linh bùa chú canh giữ thần xác và thần hồn của vị vua đang nằm trong thạp mộ. Do quan niệm về “Sinh lão bệnh tử - sinh” thuộc hằng số lẻ 5 cho nên ở trên tường (dọc) Hội trường của một đơn vị nọ treo hàng chử Nho 5 chữ, còn ở tường (ngang) treo 3 chữ (tam cấp), hoặc đôi đũa bông trên bát cơm cúng người quá cố làm 3 tầng.
Trong khi đó tại hội trường Đại sứ quán của nước ta ở Bắc Kinh đặt biểu tượng mỗi bên 4 lá cờ còn ở giữa Thần Đồng Ngọc Lũ (ảnh 4) – nghĩa là tuân theo biểu tượng hằng số 4 Tứ bình cổ truyền (ảnh 5).
Cổ truyền là như thế, nhưng có một số người do nhận thức lệch lạc về giá trị của quy luật tự nhiên cho nên đã thể hiện nhiều hiện tượng trái với quy luật tự nhiên. Tuy nhiên những hiện tượng sai trái ấy trong thực tế của cuộc sống nó chẳng có hại và lợi gì cả, chỉ tạo hiện tượng lộn xộn thiếu thống nhất về sử dụng biểu tượng văn hóa cổ truyền của dân tộc mà thôi. Trong khi đó Văn kiện của Nhà nước và Truyền thông luôn nhắc nhở: Cần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Bởi lẽ văn hóa là gương mặt của một dân tộc, cho biết ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu, hoặc từ “di sản” của quá khứ ta tạo thành tương lai.
Nhưng văn hóa của ta ngày nay không biết đâu là đúng, đâu là sai. Tục vái lạy Tổ tiên cổ truyền thì hai bàn tay đặt sát, các ngón đan vào nhau, song nay hai bàn tay úp lại như lạy Phật ở chùa, hoặc trong Tang lễ thì thứ mầu đen, thứ mầu trắng; vật dụng cúng tế thì cái chiêng gọi là cồng còn cái lệnh thì gọi là chiêng.
Ngày xưa những nghi thức này của nhà nước là do Bộ Lễ quản lý, thống nhất từ Cung đình và ngoài trăm họ, nay thì ai quản lý. Bộ Văn hóa ư? hay là Hội văn nghệ dân gian tham mưu. Không ai chịu trách nhiệm cả. Văn hóa của một dân tộc là Tấm “căn cước” hội nhập toàn cầu mà bị bỏ qua!
Nếu ở ta khi treo biểu tượng mà treo hằng số 5 và hằng số 3 là thuộc về văn hóa hằng số lẻ của phương Bắc, không phải văn hóa hằng số chẵn: 2,4,8 cổ truyền của dân tộc ta. Người bình dân hiểu sai về bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc là do giới khoa học không chịu “khổ về “tâm” “đău đăú” về “trí” để dẫn ra cái đúng cái sai của việc sử dụng biểu tượng; lại còn cho số lẻ là “sinh”. Không có “đực” “cái” âm - dương thì làm sao mà sinh được.
Trong khi đó, giới khoa học của Trung Quốc thì lấy văn hóa hằng số chẵn của ta làm biểu tượng. Chẳng hạn biểu tượng của hãng Huwei là hình 8 múi (ảnh 6) đấy là một cách tuyên bố “Bản quyền”.
Văn hóa Hán hằng số lẻ văn hóa Kinh hằng số chẵn
Đó là từ thời khởi thủy, người Trung Quốc lấy vũ trụ làm đối tượng đặt thuyết Ngũ Hành, lấy thiên địa nhận làm điểm xuất phát cho nên văn hóa của họ thuộc hằng số lẻ 1 - 3 - 5 (Sử ký Tư Mã Thiên từ thế kỷ thứ 3 TCN trở về trước văn hóa TQ chưa có hằng số chẵn) Về sau, họ chiếm đoạt thuyết Kinh Dịch của ta (người Việt Thường) nhưng 64 quẻ đều xếp các thanh “âm dương” theo hằng số lẻ cả. Còn dân tộc ta người Kinh Giao Chỉ thì lấy con người làm đối tượng, đặt ra thuyết Sinh học, lấy nguyên khí Nõ Nường làm điểm xuất phát, biểu tượng bằng quả trứng người mẹ, qủa trứng thụ tinh có 2 đường máu. Từ 2 đường máu ấy tạo ra các hiện vật biểu tượng văn hóa tư tưởng thuộc hằng số chẵn 2,4,8. Cho nên cổ nhân của ta ghét hằng số lẽ, nhất là số 5, từng đặt ra ngạn ngữ: Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3. Hoặc Mồng 5 -14 -23. Đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn.
Ở đây các số cộng lại đều bội số của 5: 7+ 3= 10 là 2 số 5, hoặc mồng 5 và 14 thì 4+1=5 và 23 thì 3+2=5. Đây là lối chơi chữ -ghét số 5 của cổ nhân ta xưa.
Tóm lại. Nhận thức về một hiện tượng của khoa học tự nhiên về phạm trù Sinh-Tử ở thế kỷ 21 không thể cứ theo vết cũ của nhận thức ở thế kỷ thứ 6 (TCN) của Lỗ Ban. Tuy nhiên nhận thức ấy hiện nay vẫn còn tồn tại là của người bình dân và thực hành theo nhận thức ấy trong việc làm cầu thang thì chẳng có hại gì và cũng chẳng có lợi gì nhưng bị sai lệch về văn hóa cổ truyền. Việc làm sai văn hóa cổ truyền -đặt các biểu tượng (theo hằng số lẻ) là điều tệ hại nhất của một dân tộc-dần dà sẽ mất văn hóa. Mất văn hóa là mất dân tộc- tức là thực hiện theo văn hóa hằng số lẻ của ngoại bang.
---------
1. Lịch sử tiết học phương Đông Nxb Cầu vồng Liên Xô tiếng Việt 1960, tr 84
2. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam –nửa đầu thế kỷ XIII nửa đầu thế kỷ XIX tâp 3 Nguyễn Du tr 401 Văn tế Thập loại chúng sinh tr 429
3.Tư liệu của tác giả -chưa xuất bản.
4. Đại Việt sử ký toàn thư Nxb Văn hóa TT 2003, kỷ nhà Trần tập 2 tr 12
5. Phan Kế Bính Việt Nam phong tục Nxb Hà Nội 1999 tr 36
Nhạc sỹ Trương Đình Minh Sơn