Ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương từ góc nhìn văn hoá học

Bảo tồn và phát huy ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương giai đoạn hiện nay là vấn đề có nhiều ý nghĩa lớn lao nhưng cũng rất khó khăn, bởi vì đây không phải là việc xây dựng một cơ ngơi mới mẻ mà là trùng tu và phát triển một cơ đồ sự nghiệp đã có sẵn.



Ảnh: Tú Giang

1. Vài nét lịch sử, quan hệ và giá trị của ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương

Cuối TK XIX đầu TK XX, trên vùng đất Nam Bộ, ca nhạc tài tử và sau đó là sân khấu cải lương ra đời như là một bước đột phá sáng tạo mới về nghệ thuật trong tiến trình lịch sử phát triển về phương Nam của cộng đồng người Việt và văn hóa Việt. Điều kiện khách quan làm bệ phóng cho sự ra đời, phát triển của ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương là:
 
Quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt, vừa không ngừng kế thừa các giá trị truyền thống vốn có vừa liên tục tích hợp những yếu tố văn hóa mới tiếp thu...
 
Bối cảnh lịch sử với những biến cố của thời đại và dân tộc...
 
Tình hình kinh tế xã hội, môi trường thiên nhiên và các yếu tố địa văn hóa Nam Bộ cùng hoàn cảnh đất nước, địa phương đương thời…
 
Trong đó, những yếu tố trực tiếp góp phần quyết định tạo ra giá trị văn hóa nghệ thuật cho các loại hình này là cái gốc âm nhạc miền Bắc, miền Trung (điệu thức / giọng Bắc và Nam) vẫn luôn là cái trục, cái nền trong ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương.
 
Điệu thức (giọng) oán (gồm hơi xuân, ai, dựng): từ bản tứ đại cảnh của Huế đến tứ đại oán của Nam Bộ (1917) và từ bài Dạ cổ hoài lang (năm 1919) trong ca nhạc tài tử đến làn điệu vọng cổ (từ1936) trên sân khấu cải lương là một tiến trình phát triển không chỉ của âm nhạc truyền thống mà còn là của lịch sử văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Về mặt đồng đại, hơi oán là sự cộng hưởng giữa âm nhạc truyền thống Việt cùng với dân nhạc Chăm, Khơme, Hoa… trong quá trình giao tiếp văn hóa khi cộng đồng người Việt khai phá tiến về phương Nam. Về mặt lịch đại, từ ca nhạc tài tử đến ca nhạc cải lương, từ ca nhạc thính phòng chuyển thành ca nhạc sân khấu, đó không chỉ là sự phát triển về giai điệu và tiết tấu mà còn là ngôn từ (ngữ nghĩa, ngữ âm, ngữ điệu, ngữ khí…) mang tính kịch. Để từ đó, người ta có thể khẳng định rằng âm nhạc cải lương là một thứ opera biết kể chuyện hoặc là thứ âm nhạc biết đối thoại bởi vì “cải lương đã giải quyết tuyệt vời sự tích hợp ngữ điệu với nhạc điệu, sáng tạo ra hình thái ca hát đối thoại, độc thoại, xung đột”(1) nhằm có thể giải quyết tốt những tâm tư, tình cảm, những nhịp sống mới của con người trong xã hội hiện đại. Tương tự như vậy, từ tiết mục ca ra bộ (sau đó là hát chập) Bùi Kiệm thi rớt theo làn điệu tứ đại oán (kết hợp phong cách diễn xuất tự sự) tiến tới thành hát lớp, màn (sau đó thành vở diễn) cải lương đầu tiên: Lục Vân Tiên (khoảng 1917), đó là quá trình phát triển sáng tạo của lịch sử sân khấu nói riêng, văn hóa nghệ thuật dân tộc nói chung trong quá trình tiếp cận những yếu tố mới của thời đại mà sự hội nhập với văn hóa phương Tây là điều mới mẻ hoàn toàn trong lịch sử văn hóa dân tộc...
 
Cho đến nay, mặc dù trải qua nhiều bước phát triển thăng trầm khác nhau, nhưng ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương vẫn được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong vốn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Giá trị văn hóa của các loại hình này nhìn một cách bao quát: “Bản chất của âm nhạc cải lương đã được tìm thấy từ trong các điệu thức dân tộc nằm rãi rác từ Bắc chí Nam. Tính chất cơ bản của điệu thức là sự thể hiện sức sống của một dân tộc gồm nhiều sắc tộc cùng sống chung trong một lãnh thổ với những hoàn cảnh địa lý và màu sắc ngôn ngữ khác biệt”(2). Đây chính là cơ sở quan trọng để lý giải tại sao cải lương có thể được đông đảo nhân dân trên nhiều vùng miền trong cả nước ưa thích...

2. Thực trạng tình hình hoạt động của ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương (chủ yếu ở Nam Bộ)

Với những giá trị vốn có của nó, ca nhạc tài tử đang được tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Riêng sân khấu cải lương, mặc dù đã và đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm nhất định của nhiều lực lượng xã hội: đã có những hình thức mạnh dạn đầu tư để dàn dựng thử nghiệm những vở cải lương quy mô lớn (Chiếc áo thiên nga…); đã có chủ trương (của UBND TP.HCM) về việc xây dựng đề án nâng cấp cải lương…; TP.HCM đã triển khai kế hoạch xúc tiến xây dựng lại rạp cải lương Hưng Đạo theo quy mô hoành tráng… Ngoài ra, một số hoạt động nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về đề tài cải lương… đã được triển khai diện rộng.
 
Một trong những hoạt động như vậy là cuộc điều tra xã hội học phục vụ cho đề tài mục tiêu quốc gia: Điều tra, phát huy sân khấu truyền thống tại TP.HCM: Sân khấu cải lương do Trường Cao đẳng VHNT TP.HCM tiến hành giữa năm 2010. Với tổng số mẫu khảo sát 1.000 phiếu trên 3 nhóm đối tượng: công chúng thường xem cải lương nhưng không đến sân khấu, công chúng thường xem cải lương tại các sân khấu, công chúng là sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học tại TP.HCM…, kết quả cho thấy, đối tượng chọn đến sân khấu cải lương chiếm 71,0%, chọn hình thức xem băng đĩa chiếm tỷ lệ 64,3%, chọn xem cải lương trên kênh truyền hình chiếm 48,5% và nghe radio không đáng kể, chỉ có 2,0%. Có thể thấy, vẫn còn một lượng khán giả yêu cải lương và tần xuất họ đi xem cải lương mỗi tháng 1-2 lần chiếm 35,5%, gần như xem hàng tuần chiếm 7,8% và không bỏ sót buổi nào chiếm 2,7%. Tần xuất đi xem cải lương của khán giả ở các sân khấu trong một tháng không tới 40% và có đến hơn 50% khán giả không bao giờ đến sân khấu xem cải lương.
 
Nhìn chung, kết quả điều tra cho thấy khán giả đi xem cải lương vì nhiều lý do khác nhau, tùy từng đối tượng. Có hơn 50% khán giả xem cải lương để giải trí và họ biết thông tin về lịch diễn, vở diễn thông qua bạn bè hoặc người thân, những người tặng vé mời; 30% khán giả đi xem vì quan tâm đến nội dung vở diễn, số còn lại xem vì có diễn viên nổi tiếng, yêu thích và lý do xem vì hình thức vở diễn, xem cho biết không đáng kể. Điều này cho thấy phải chăng các sân khấu cải lương hiện nay, đặc biệt là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chưa có nhiều vở diễn hay với những diễn viên nổi tiếng mà khán giả yêu thích để tham gia thường xuyên vào các vở diễn tại nhà hát để thu hút khán giả. Về thể loại và nội dung các vở cải lương, có 414 ý kiến cho rằng họ thích loại tâm lý xã hội, 344 ý kiến thích tích cổ, 201 ý kiến thích thể loại hương xa, và 90 ý kiến thích tích lịch sử. Nhìn chung, thị hiếu của khán giả hiện nay thích những vở cải lương thuộc thể loại tâm lý xã hội lẫn tích cổ với những đề tài về xã hội hiện đại (có tính hài, nói lên các vấn nạn xã hội, giáo dục đạo làm người…) và những nội dung về lịch sử dân tộc... Về chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng cải lương hiện nay nhiều hơn trước nhưng chất lượng không cao như khán giả kỳ vọng, một số vở dàn dựng có vẻ quá hấp tấp, vội vàng giống như kiểu mì ăn liền, không sâu sắc, không ấn tượng và không đi sâu vào lòng người. Về chất lượng diễn viên, nhiều khán giả bày tỏ khi đến sân khấu cải lương, họ mong muốn tìm lại hình ảnh những diễn viên mà họ từng yêu thích ở thập niên 1960, 1970. Hiện nay có rất nhiều diễn viên cải lương trẻ, có chất giọng tốt nhưng hình như họ chưa tạo cho mình một phong cách, một làn hơi riêng như những người đi trước. Chính vì thế, những khán giả ở tuổi trung niên, người già, yêu thích cải lương càng khao khát nghe được những giọng ca đã từng làm say đắm lòng họ…
 
Thực trạng sân khấu cải lương hiện nay trên địa bàn TP.HCM cho thấy đã có một số hiện tượng tiêu cực do “khuynh hướng thương mại hóa sân khấu, khuynh hướng chạy theo hình thức, coi nhẹ nội dung vở diễn, mà hệ quả trực tiếp của nó “... hình thành một kiểu cải lương ca sĩ, chứ không phải cải lương diễn viên mà đối tượng phục vụ là thính giả thích xem mặt ca sĩ, chứ không phải khán giả sân khấu”(3); “sân khấu cải lương và âm nhạc cải lương đã trở thành thủ phạm gieo mầm, nuôi dưỡng và phát triển một thị hiếu và tập quán thưởng thức nghệ thuật cũng chắp vá như bản thân nó trong công chúng...”(4). Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, nghệ thuật cải lương vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thích nó và đến với nó bằng nhiều hình thức khác nhau. Đúng là có sự phân khúc thị trường đối với nhu cầu giải trí của người dân tại các quận huyện trên địa bàn thành phố và đặc biệt là những ảnh hưởng từ xã hội tác động đến nhu cầu giải trí của công chúng hiện nay, nhưng nhìn chung, chất lượng nghệ thuật của những vở diễn vẫn là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn hình thức giải trí của công chúng. Chất lượng nghệ thuật của những tuồng tích cải lương là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa nội dung của người soạn giả viết kịch bản, kỹ thuật dàn dựng của người đạo diễn, kỹ thuật biểu diễn tốt có chuyên môn, nghiệp vụ của người diễn viên, sự sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn, sự phối hợp âm nhạc hài hòa, cảnh trí, phục trang phù hợp với nội dung… Tất cả những điều đó chính là hình ảnh đẹp trong nghệ thuật sân khấu, làm say đắm những trái tim yêu nghệ thuật cải lương xưa cũng như nay...

3. Bảo tồn, phát huy giá trị ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương
 
Thực tế hiện nay, quả thực, đang đặt ra nhiều thử thách gay gắt đối với sân khấu cải lương. Cuộc sống mới của con người đương đại với những mối quan hệ xã hội mới, nhu cầu văn hóa tinh thần và thị hiếu thẩm mỹ mới, sự cạnh tranh quyết liệt bởi những hình thức, phương tiện giải trí phong phú hiện nay..., tất cả trở thành những yêu cầu cao theo hướng cải lương phải có những tuồng tích mới, cách dàn dựng, trình độ diễn xuất… xuất phát và tạo ra sự rung động tâm hồn thực sự, đánh trúng được những vấn đề mâu thuẫn gay gắt hiện tại, đáp ứng đúng nhu cầu, tâm lý con người thời đại… Soạn giả Lê Duy Hạnh từng khẳng định: “Đúng là xã hội loài người phát triển, tâm lý tình cảm và tư duy của con người cũng có những thay đổi theo và đã hình thành những quy luật mới… Vì vậy cải lương không thể dậm chân tại chỗ, bằng lòng với bài bản có sẵn. Cần có sự thanh lọc lại và phát triển nó…”(5). Thật ra, đây là thế mạnh vốn có của cải lương được khẳng định qua thực tế hoạt động: “Đúng như cái tên được đặt cho nó, sân khấu và ca nhạc cải lương (trước hết là ở tại đất Sài gòn) luôn luôn có sự canh tân theo đà phát triển của xã hội, theo nhu cầu, thị hiếu của công chúng và những khả năng tự phát triển của chính nó. Trong loại hình nghệ thuật này, yếu tố ngoại sinh dường như lúc nào cũng năng động, chiếm ưu thế trong khi yếu tố nội sinh phải luôn linh hoạt để cố gắng làm cái trục cơ bản giữ gìn cho nó vẫn còn những dáng nét truyền thống, dân tộc nào đó”(6). Điều cần nhấn mạnh là cải lương vẫn là cải lương chứ không thành một thứ nào khác, bởi vì nó không phải chỉ luôn luôn biến động mà chính là ở khả năng, bản lĩnh định hình của chính nó. Tóm lại, cội nguồn của vấn đề chính là ở bản sắc dân tộc tính mà sân khấu cải lương (cũng như ca nhạc tài tử) phải luôn giữ gìn. Thực tế lịch sử phát triển của cải lương đã từng chứng minh rõ về điều đó. Những màn chưng bươm bướm với những bài nhạc Tây như Madelon, Marseillaise hoặc J ai deux amours, Marinella... từng được đưa vào để giới thiệu diễn viên hay chen trong chương trình biểu diễn cải lương… nhưng rồi đã bị bật ra. Trong khi đó, đàn ghi ta và violon trong khí nhạc phương Tây lại có thể tham gia thoải mái vào dàn nhạc cải lương với điều kiện là phải thành cây ghi ta Tây Ban Nha phím lõm và cây vĩ cầm Tây lên dây theo ta… Điều đó cho thấy ngay cải lương cũng không thể chấp nhận sự lai căng, mất gốc theo kiểu bê nguyên xi cũng như sự chắp vá tùy tiện... Theo hướng đó, nhiều vấn đề cần được xem xét lại ngay trên sân khấu cải lương, ví dụ, nên chăng có hai dàn nhạc tân và cổ hoặc tiến tới thống nhất hai dàn nhạc trên cơ sở lấy nhạc cụ dân tộc làm trung tâm nhằm mục đích hòa hợp sao cho chỉ có lợi, chỉ tăng cường sức biểu hiện của nhau mà không phá phách lẫn nhau, không có mâu thuẫn với nhau... Nhìn rộng ra, qua liên hệ thực tế, rõ ràng chúng ta thấy hình như công chúng đang chờ đợi điều gì đó lớn lao từ phía sân khấu cải lương mà thực chất của vấn đề phải chăng chính là “cải lương hôm nay, cái gốc không còn vững chắc như cải lương năm xưa. Và cái gốc, tức mặt khép kín để gìn giữ bản sắc dân tộc, một khi đã lỏng lẻo, thì sân khấu mở ra để tiếp thu cái mới, trong từng lúc và ở từng nơi như vừa qua, rõ ràng không sao tránh khỏi sự lộn xộn, cái tân lấn át cái cổ, hoặc tân cổ đã không giao duyên, mà lắm lúc trở thành vô duyên”(7).
 
Từ những định hướng như vừa nêu, bên cạnh những vấn đề lớn như việc đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế tổ chức quản lý, chế độ chính sách nuôi dưỡng nhân tài, khuyến khích sáng tạo..., điểm mấu chốt hiện nay của cải lương vẫn là vấn đề tạo điều kiện, thúc đẩy sự nỗ lực, đột phá cua những cá nhân tài năng... Hiện tượng Mộng Vân của những thập kỷ 30, 40 của thế kỷ trước hoặc những tên tuổi sáng mãi trong làng cải lương như Trần Hữu Trang, Ba Vân, Phùng Há, Năm Châu... chính là minh chứng về vai trò của những trụ cột vững chắc cho sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ của cải lương trong mọi giai đoạn. Qua thực tế, đội ngũ soạn giả, đạo diễn đủ sức sáng tạo ra những tác phẩm tầm cỡ vẫn là vấn đề lớn của sân khấu cải lương hiện nay. Để đạt trình độ viết và dựng một vở cải lương bằng sự sáng tạo nghệ thuật, kỹ thuật phong phú, bản lĩnh và tất cả vì nhu cầu nội dung của vở diễn, hiệu quả của sân khấu chứ không phải việc làm tùy tiện, phô trương, hình thức..., quả thực là việc không đơn giản...
 
Ngoài ra, công tác nghiên cứu (cơ bản và ứng dụng) nói chung và công tác lý luận phê bình nói riêng đối với ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương hiện nay ngày càng là vấn đề cực kỳ quan trọng...
 
Bảo tồn và phát huy ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương giai đoạn hiện nay là vấn đề có nhiều ý nghĩa lớn lao nhưng cũng rất khó khăn, bởi vì đây không phải là việc xây dựng một cơ ngơi mới mẻ mà là trùng tu và phát triển một cơ đồ sự nghiệp đã có sẵn. Nhưng, vấn đề không phải chỉ là việc nâng cấp mà là làm một cuộc cách mạng để mọi hoạt động cải lương phải vừa bảo tồn được những giá trị tốt đẹp vốn có của nó đồng thời vừa có thể phát huy, phát triển theo kịp và ngang tầm với yêu cầu cuộc sống hiện tại. Theo hướng đó, các thiết chế và mọi tổ chức hoạt động liên quan ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương đã đến lúc cần được xem xét lại một cách toàn diện. Từ các nhóm ca nhạc tài tử đang hoạt động ở các trung tâm văn hóa, các điểm du lịch cho đến các đoàn cải lương ở các địa phương Nam Bộ, đặc biệt là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ở TP.HCM..., đều cần được rà soát lại về phương thức tổ chức, đặc biệt chú ý yếu tố chuyên môn trong mọi nội dung, hình thức hoạt động. Cũng từ định hướng ấy, rạp Hưng Đạo đang được đầu tư thiết kế xây dựng lại với quy mô lớn theo quy cách như một thánh đường của sân khấu cải lương, nên chăng sẽ vừa là nhà hát vừa là bảo tàng, một thứ bảo tàng sống nhằm bảo tồn, phát huy ca nhạc tài tử và cải lương một cách hoàn hảo, chuẩn mực nhất... Có thể còn nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn trong tương lai, cải lương chỉ có hai con đường để tồn tại: một, đó vẫn là một loại hình sân khấu truyền thống luôn được cập nhật bằng những sức sống mới để sống tốt trong đời sống hiện đại; hai, cải lương trở thành chỉ còn như là một thứ hiện vật gốc trong bảo tàng... Do đó, mọi nỗ lực hiện tại có ý nghĩa rất tích cực, ít nhất nó bộc lộ tâm huyết vì những vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc, mà ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương có giá trị, ý nghĩa, tầm vóc không chỉ của riêng Nam Bộ hay Việt Nam mà có thể còn ở tầm thế giới...
 
_______________
 
1, 2, 3, 4, 5, 7. Nhiều tác giả, Những vấn đề của sân khấu cải lương, TP.HCM, 1991, tr.34, 79, 37, 25, 17, 12.

6. Nhiều tác giả, Sài gòn - Thành phố Hồ Chí Minh con nguời và văn hóa trên đường phát triển, Viện Nghiên cứu xã hội TP.Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2006, tr.249-257.
 
Huỳnh Quốc Thắng
Tạp chí VHNT số 323

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-nhac-tai-tu-va-san-khau-cai-luong-tu-goc-nhin-van-hoa-hoc-a16829.html