Nặng tình với biển

Đến tuổi trưởng thành, những người trẻ ở các làng chài miền Trung lại tiếp nối truyền thống gia đình, vươn khơi ra vùng biển truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa đánh cá mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đi về phía biển

25 tuổi, Đinh Văn Thời, ở thôn Tây, xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã có 7 năm gắn bó với biển khơi. “Vậy là 18 tuổi bắt đầu đi biển đánh cá?”, tôi hỏi. “Sớm hơn chứ anh. Em đi biển từ 15 tuổi, khi vừa học xong lớp 9. Ban đầu chỉ đi nấu ăn cho ba em và các anh đi bạn. Thỉnh thoảng nhảy xuống biển tắm, tập lặn cho quen áp suất, quen vùng biển nông sâu. Mãi 2 năm sau, em mới được lặn bắt hải sâm, đồi mồi và các loài ốc biển đấy”, Thời kể. Thời nói thêm: “Mà cũng lạ. Nghĩ đến biển là lòng cứ như có “sóng”, cứ như chưa đi biển là mình chưa thành người lớn nên cứ thế mà hăm hở xuống tàu”. “Nếu đi học, có khi được vào thành phố, lại có nhiều thú vui khác?”, tôi hỏi trêu. Thời không chút nao núng: “Chưa chắc, đâu phải ai cũng được nằm giữa biển trời Hoàng Sa ngắm trăng sao như em”. Chia tay, chúng tôi chúc Thời luôn gặp thời mỗi khi ra khơi đánh bắt cùng những người bạn tàu để có tiền, nuôi lớn ước mơ mà cậu đang âm ỉ hình thành: “Em sẽ tích cóp để đóng chiếc tàu lớn cho riêng mình”.



 
Ngư dân trẻ Trần Văn Quốc với đôi tàu tiền tỷ.

Không chỉ ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mà gần như ở các làng chài miền Trung, đa phần những thanh niên đều chọn cho mình một nghề theo nghiệp biển. Sự chọn lựa ấy đối với họ đôi khi cũng không thể nào lý giải được, nhưng họ đều hiểu đó không đơn thuần là mưu sinh. Bởi khi tiếp xúc, ở họ, đi đến tận cùng những lý giải thì cuối cùng cũng sẽ gặp ở điểm chung: “Nếu mình không kế nghiệp cha ông, không lên tàu ra vùng biển truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa thì đó có còn là quê hương của mình nữa không?”. Chỉ vậy thôi mà họ đi, đi về phía biển, về nơi mà hàng trăm năm trước, cha ông đã đổ máu xương để khẳng định chủ quyền. Trai tráng làng biển, lớn lên cứ theo cha anh dong buồm ra khơi. Mười sáu, mười bảy tuổi ngang dọc trên biển. Cứ thế, biển đã dạy họ lớn lên…

Làm giàu từ biển

Chúng tôi gặp anh Trần Văn Quốc (ở xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) trong buổi chiều tà bên chân cầu cảng nơi cửa Đại. Năm nay Quốc bước sang tuổi 31. Chừng ấy tuổi đời, nhưng Quốc đã ngang dọc khắp các vùng biển của Tổ quốc từ phía Nam, phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa. Những năm “lăn lộn” trên sóng gió ấy đã đem về cho Quốc thành quả là đôi tàu có công suất hơn 1.000 CV/chiếc. Đôi mắt hướng về phía biển xa, Quốc kể: “Trước kia, tôi khai thác hải sản với đôi tàu khoảng 400 CV/chiếc. Gần một năm trước, tôi bán đôi tàu này với giá khoảng 4 tỷ đồng. Cộng thêm số tiền dành dụm lâu nay, tôi quyết định đóng mới đôi tàu công suất lớn khoảng 10 tỷ đồng để làm ăn”. “Không sợ mạo hiểm sao?”. “Mình còn trẻ, mà gầy dựng sự nghiệp từ đôi bàn tay trắng, có gì đâu phải lo sợ. Cả gia đình đều trông chờ vào nghiệp biển. Rồi gần 20 bạn tàu gắn bó với mình bao lâu nay, những mong cuộc sống khấm khá hơn. Có cơ hội, mình phải nắm bắt thôi”. Đi biển hơn 10 năm, trong đó có gần 4 năm là thuyền trưởng, Quốc đâu còn lạ gì với sóng gió, rủi ro giữa trùng khơi...

Ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), người dân hay kháo nhau về ngư dân Nguyễn Anh (ở thôn Phổ An) khiến chúng tôi rất tò mò. Khi gặp Nguyễn Anh rồi, sự tò mò ấy lập tức bị anh “đánh” tan như bọt biển, bởi cơ ngơi của anh, chỉ nghe thôi đã phải thốt lên thán phục. “Có bí quyết gì đâu. Dường như “số” mình được tổ đãi nhiều. Cảm giác của mình khi ra khơi lạ lắm. Linh tính luôn mách bảo cho tàu của mình hướng về những vùng biển giàu cá”, nói xong Nguyễn Anh cười vang. Nhưng rồi anh chia sẻ: “Đùa vui vậy thôi, chứ để có được như ngày hôm nay, phải vật lộn với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Nhờ kiên trì, niềm tin và nỗ lực là cách để tôi gầy dựng đội tàu của mình ngày càng lớn mạnh”. Theo tính toán, mỗi năm anh cùng bạn tàu đánh bắt trên biển khoảng 8 tháng. Mỗi tháng đi chừng 20 ngày. Có chuyến ra khơi, anh mang về gần 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 25 ngư dân. Năm rồi, anh thu lãi gần 5 tỷ đồng.

Nghị lực và ý chí làm giàu từ biển của những ngư dân trẻ luôn gắn với sự mưu trí và gan dạ. Ngư dân Nguyễn Tấn Hải (25 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là một điển hình. Đã nhiều năm, Hải cầm lái con tàu QNG 90205 thẳng tiến Hoàng Sa. Có lần, tàu anh bị tàu nước ngoài tấn công. Đó là đầu tháng 5-2014, khi anh đang đánh bắt ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Sau khi thả 2 thuyền thúng với 10 ngư dân xuống hành nghề lặn thì tàu nước ngoài xuất hiện. Giữa màn đêm, thuyền trưởng Hải điều khiển con tàu băng băng trên sóng nước. Cuộc rượt đuổi kéo dài từ 8 giờ tối mãi cho đến 11 giờ trưa hôm sau. Bị nhiều tàu vây ép nên cuối cùng tàu QNG 90205 phải dừng lại. Hải và một anh trên tàu bị đánh trọng thương. Tàu nước ngoài lấy hơn 6 tấn cá, lấy cả máy dò định vị... Trong cơn đau dữ dội, Hải vẫn một tay cầm lái con tàu hướng về phía những chiếc tàu bạn đang đánh bắt gần đó, khi đến nơi là vừa lúc anh ngất lịm... Đối với Hải, đây là phiên biển nhớ đời. Không phải vì sợ, mà là nhớ để thêm quyết tâm bám biển, để thấm thía tình đoàn kết, nơi đại dương mênh mông...

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nang-tinh-voi-bien-a1674.html