Đảo Yến-nhìn từ khu mộ Đại tướng ở Vũng Chùa
Từ thành phố Đồng Hới theo quốc lộ 1 ra bắc chừng 75km, hoặc từ TP Hà Tĩnh vào nam khoảng 70km là đến đèo Ngang. Ở đây dãy núi Trường Sơn như một lưỡi kiếm đâm ra tận biển, tạo nên một vùng núi non với cảnh sắc sơn thuỷ rất đỗi hữu tình. Đèo là một đoạn quốc lộ 1 dài 6,5km, quanh co uốn lượn theo triền các dãy núi, từ xã Quảng Đông (Quảng Trạch) vươn dần lên đỉnh và đổ xuống xã Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Đứng trên đèo nhìn xuống phía đông là biển Đông với đảo Yến, đảo Hòn La ở phía Quảng Bình, phía Hà Tĩnh là những ghềnh đá lô nhô đâm ngang ra bờ biển tạo thành những bãi tắm cát trắng mịn màng. Thấp thoáng dưới chân đèo phía bắc, phía nam là những ngôi nhà, dòng suối chảy quanh co, uốn khúc bên những ruộng lúa, rừng cây làm ta nhớ đến những câu thơ trong bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/Lom khom dưới núi tiều vài chú/Lác đác bên sông chợ mấy nhà”...
Dưới chân đèo về phía nam khoảng 600m là đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, nằm trong cụm di tích, danh thắng đèo Ngang. Đền được dựng từ năm 1557, sau đó bị hư hỏng nhiều, gần đây được phục hồi đền theo nguyên mẫu.
Phía tây đèo là núi dựng đứng như bức bình phong xanh ngắt với ngàn mây bay vẩn vơ trong chiều hoàng hôn trên ngọn núi cao 1.046m- là đỉnh cao nhất của dãy Hoành Sơn. Du khách khi xuôi xuống mái đèo phía nam 400m sẽ thấy một dãy núi cao hàng trăm mét, chắn trước mặt không khác gì một bức tường xanh sừng sững. Đoạn đường đèo đến đây như đâm thẳng vào bức tường đó. Để ý khi xe chạy càng gần tới dãy núi, ta thấy như cả bức tường xanh này đang chạy gần lại với ta, tạo ra một cảm giác đến lạ kỳ. Có lẽ không có ở con đèo nào cho ta cảm giác như vậy.
Lên đỉnh đèo, nơi có tấm bảng phân chia địa phận hai tỉnh Quảng Bình- Hà Tĩnh, rẽ theo con đường mòn nhỏ bên phải triền núi một đoạn ta bắt gặp thấp thoáng giữa rừng thông là di tích Hoành Sơn quan. Đây là cửa ải Hoành Sơn trấn giữ trên con đường thiên lý bắc- nam của người xưa, gợi trong ta biết bao suy tưởng về một thời phân tranh Đàng Trong-Đàng Ngoài binh đao khói lửa.
Cửa Hoành Sơn cao hơn 4m, được xây từ năm Minh Mạng thứ 14 (1833), hiện còn nguyên vẹn, cùng với hai nền móng của tường luỹ bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển. Trước đây ở mỗi phía cửa có mỗi bên 1.000 bậc đá để lên xuống theo triền núi cao. Nay cửa phía nam không còn bậc đá, phía bắc chỉ còn khoảng vài trăm bậc. Bước trên các bậc đá này, ta như thấy còn đâu đây những dấu chân của tiền nhân một thời xuôi ngược nam, bắc trên con đường thiên lý.
Cách Đèo Ngang khoảng 7km là Vũng Chùa- Đảo Yến nằm bên dải núi Thọ Sơn, nơi yên nghĩ vĩnh hằng của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Hơn một năm Đại tướng về với Vũng Chùa- đảo Yến, nơi đây đã trở thành chốn linh thiêng, đón hơn hai triệu người đến dâng hương viếng vị tướng của nhân dân.
Cũng dưới chân đèo Ngang ấy có một ngôi làng mang cái tên rất đặc biệt, làng 19-5. Bí thư Chi bộ thôn 19-5 Trịnh An Toàn giúp tôi rõ hơn về tên gọi đặc biệt ấy: “Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, chiến tranh ác liệt, xã Cảnh Dương bị bom đạn cày nát khiến người dân kéo nhau đến dưới chân đèo Ngang trú bom đạn.
Bà con lập làng bên bờ biển Vũng Chùa, lấy tên là làng Mới thuộc xã Quảng Đông. Bốn năm sau, ngày kỷ niệm ngày lập làng trùng với ngày sinh của Bác Hồ, người dân quyết định đặt tên làng là làng 19-5”. Đồng chí Trịnh An Toàn nhớ lại: “Xưa, Bà Huyện Thanh Quan qua đèo Ngang thấy Lom khom dưới núi tiều vài chú và cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, xã Quảng Đông vẫn rất nghèo. Nhưng giờ đây, ngôi làng dưới chân đèo Ngang khác xưa rất nhiều”.
Tám năm gần đây, tiềm năng của dải đất ven biển Quảng Đông được đánh thức đã giúp cho người dân cải thiện cuộc sống rõ rệt. Trong đó phải kể tới việc hình thành Khu kinh tế Hòn La với nhiều dự án quan trọng như trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch, cảng Hòn La. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ di dời để tạo mặt bằng cho các dự án, người dân Quảng Đông đã có vốn để mở các nghề dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, đánh bắt hải sản.
Ngay như Bí thư chi bộ thôn 19-5 Trịnh An Toàn từ một hộ nghèo nay cũng đã là chủ một doanh nghiệp xây dựng bề thế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Người làng 19-5 vốn chưa biết gì về kinh doanh dịch vụ, làm nhà hàng thì nay họ làm chủ nhiều nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Vũng Chùa với các đặc sản quê hương như tôm hùm, mực nhảy, hải sâm...
Đang vui chuyện, Bí thư chi bộ Trịnh An Toàn chợt đăm chiêu. Anh hỏi tôi mà dường như không đợi trả lời: “Nhà báo có tin là người dân quê tôi đang được hưởng hồng phúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không”, rồi nói tiếp: “Đại tướng đã về với đất mẹ và chọn Vũng Chùa làm nơi an nghỉ cuối cùng. Người dân Quảng Đông được thay mặt cả tỉnh, cả nước chăm sóc phần mộ cho Đại tướng. Và cũng nhờ đó mà Vũng Chùa- đảo Yến, Quảng Đông này vượt ra khỏi đèo Ngang, được bạn bè năm châu biết tới”.
Từ ngày Đại tướng về, người dân Quảng Đông mở nhiều quầy bán hoa tươi và ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc trên đá trắng phục vụ du khách đến viếng thăm mộ ông. Để giúp các mẹ, các chị kiến thức về buôn bán và phục vụ khách du lịch khi đến Vũng Chùa- đảo Yến, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đến Quảng Đông mở lớp dạy nghề cho họ. Xã Quảng Đông ban hành các quy định để người dân vừa kinh doanh nhưng cũng bảo đảm trật tự ở chốn linh thiêng.
Khi những ánh nắng cuối chiều gác trên đỉnh Hoành Sơn, tôi cùng người bạn thả bộ theo con đường rẽ từ đường thiên lý bắc- nam chạy về phía biển, đến viếng mộ Đại tướng. Con đường rộng trải nhựa phẳng lì uốn cong theo triền núi, rồi men theo bờ biển Vũng Chùa dẫn tới chân núi Thọ Sơn ấy bạn tôi kể rằng, được thi công bằng tinh thần “Điện Biên Phủ” để kịp đón Đại tướng về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Con đường tựa như hình hài Quảng Bình sau lưng là núi, trước mặt là biển, vượt qua bao “dông gió” của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên tai để vươn tới, để hun đúc nên vị tướng thiên tài Võ Nguyên Giáp.
Chúng tôi rời khu mộ khi ánh đèn cao áp vừa được bật lên tràn ngập núi Thọ Sơn, hắt ra tận chân sóng Vũng Chùa. Trong mênh mang cảm giác vừa hư vừa thực dưới mái đèo Ngang ấy, lòng như chợt nao nao. Xưa, đèo Ngang “gánh” hai đầu đất nước, là niềm thương nhớ khắc khoải của các bậc tao nhân mặc khách thông qua những tuyệt phẩm thơ cổ. Nay, đèo Ngang đã hanh thông trên con đường thiên lý nhưng lại là chốn linh thiêng, nơi vị tướng huyền thoại của dân tộc tìm về, nằm nghe biển Vũng Chùa nghìn năm sóng vỗ.
Đèo Ngang ở trên núi Hoành Sơn, cao 256m, dài 6,5km được tách ra từ dãy Trường Sơn, dồn đuổi nhau từ tây sang đông, chạy dài ra tận biển. Theo sử cũ thì đường leo qua đèo Ngang đã có từ 1.000 năm trước, thời vua Lê Đại Hành (980-1005).
Đèo Ngang cách sông Gianh 27km, là ranh giới cũ giữa Đại Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ nam tiến của người Việt (1069). Thời Pháp thuộc đèo có tên trên bản đồ là Porte d'Annam. Giờ đã có hầm đường bộ xuyên đèo nên đèo Ngang trở thành tuyến đường du lịch.
Theo Báo Quảng Bình