Đi qua đồng nước nổi

Mùa nước nổi đồng bằng đã khác xưa rồi, khác về bản chất và khác về những tên gọi lung tung; một sự đổi thay theo chiều hướng xấu.

Người ta đã áp đặt cho người đồng bằng một thứ văn hóa mới rất xa lạ và sau bao nhiêu thập kỷ bức tử mùa nước lên đồng, người miền Tây được gì? Nhưng mất thì nhiều lắm- một hệ sinh thái cá tôm bị phá vỡ và nhiều giống cây bản địa đã tuyệt chủng, một tập quán sinh hoạt, một nền văn hóa mùa nước nổi đã lùi xa vào dĩ vãng!
 
 
Rưng rưng đồng nước nổi quê mình.
 
Văn hóa mùa nước nổi, đặc biệt cách ứng xử của người dân đầu nguồn, đó là một lịch sử mấy ngàn năm rồi, đừng nghĩ rằng nó chỉ mới vài trăm năm theo công cuộc khai khẩn phương Nam.

Thành ra, khi lần đầu tiên, có cảnh mấy anh du kích xách súng rảo từng nhà bắt dân miền Tây “đóng gạch” làm đê ngăn nước vào đồng, đó là lúc bắt đầu một hành trình bức tử mùa nước nổi xứ này rồi. Một cách hành xử vội vàng ngược ngạo với thiên nhiên.
 
Chúng ta đều biết, đê điều là một công việc trị thủy quan trọng hàng đầu của mọi ông vua, mọi triều đại phong kiến nước ta. Một lịch sử chống lũ, bảo vệ làng mạc, thành quách vĩ đại của dân tộc ta, nó quan trọng sống còn không thua gì công cuộc chống giặc ngoại xâm.
 
Nhưng miền Tây thì khác, hoàn toàn khác, người dân ở đây đã quá quen với nước nổi mênh mông cả vùng đất rộng lớn kéo dài đến tận miệt Đồng Nai xưa. Những di chỉ của Vương quốc Phù Nam, những cổ vật nền văn hóa Óc Eo là một minh chứng và chúng còn tồn tại trong đời sống hiện tại của người dân đồng bằng.
 
Nhưng rốt cuộc, chính chúng ta đã tự mình chối bỏ mùa nước nổi bằng nhiều cách; trước khi có cuộc “hạ sát” thủy chế sông Mekong của nhiều nước dọc theo vùng thượng lưu.
 
Mùa nước nổi là cả một nền văn hóa, mà cũng là kho tàng khác nào “lộc trời” ban tặng cho đất và người nơi đây. Phải hiểu thấu, hiểu sâu xa mới biết quý, biết trân trọng trong cách ứng xử một cách hợp lẽ trời.
 
Vậy nên, giờ đây vào cái tháng 7 mưa ngâu, lẽ ra người đồng bằng xưa đang rộn ràng đón mùa nước nổi, thì chúng ta đang ngồi ngóng trông bằng những hoài niệm xót xa.
 
Nếu ai đã sinh ra và lớn lên từ đây, dù có nhắm mắt lại mà lắng nghe sự chuyển động của dòng sông bên nhà, lắng nghe mùi hương và thinh âm của xóm làng cũng sẽ biết được từng “bước đi” của sự chuyển mùa tinh tế, rồi vỡ òa trong tiếng reo vui: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”.
 
Khi mà dòng nước ngầu đỏ ngoài sông càng chảy thao thiết và dâng cao rồi đổ vào các con kinh rạch nội đồng, chúng bắt đầu tràn ngược trở lại xóm làng. Thú vị cái hình ảnh con nước cứ liếm dần vào đến hàng tre rồi tràn vào khoảng sân sau hè, cuối cùng ngập cả sàn nhà.
 
Chỉ vài tiếng đồng hồ thôi, một màn nước phủ mênh mông trắng xóa cả xóm làng. Và những âm thinh xôn xao, hỗn độn tiếng réo gọi nhau dọn dẹp, tiếng gà vịt chao chát, tiếng khua xuồng bọng, lòi tói chát chúa… và nổi bật lên tất cả là tiếng gọi chí chóe của mấy thằng nhóc cùng tiếng sủa ăng ẳng liên hồi của cả bầy chó trong xóm.
 
Đây là thời khắc đi săn sướng nhất trong cả mùa nước nổi, cứ có bao nhiêu chuột bọ, rắn rít, chúng kéo bầy lên những gò cao giữa đồng hoặc di tản lên những bụi tre sau nhà. Chiếc xuồng kéo ra là y như rằng những chú chó tinh khôn đã nhảy lên chồm chồm trước mũi xuồng, cái mũi thính nhạy của nó cứ ngửa lên khịt khịt bắt mùi trong gió rồi gầm gừ nhe răng đầy đe dọa.
 
Trên xuồng mỗi đứa mang theo ít nhất 2 cây chĩa, loại chĩa xà búp, loại chĩa 1 có cả chĩa 5… tùy, là đủ đồ chơi săn mọi địa hình. Không lâu đâu, là trên xuồng đầy nhóc, lễnh nghễnh các loại rắn, chuột nằm phơi trắng bụng trong khoang.
 
Rồi cái giác chạng vạng của ngày đầu tiên của mùa nước nổi nó mới đã làm sao, có lẽ không đâu có kiểu giăng câu như ở cái xứ mùa nước nổi. Buổi chiều đầu tiên ấy, chẳng đứa nào thèm đi xa, có bao nhiêu cần câu, giàn câu cứ cắm câu, giăng câu ngay dưới sàn nhà… chơi.
 
Cá lóc trườn mình vào sát mé đất táp mồi bầm bập. Sau bữa cơm chiều, người lớn ngồi lại với nhau uống trà, tụi nhỏ cứ ngồi… đếm cá. Cứ 1 tiếng bập rồi quậy sồn sộn, là 1 con, dính 3- 4 con mới lội xuống sàn nhà bắt cá 1 lần, hơi sức đâu mà gỡ cá. Mà chỉ canh me chộn rộn giác đầu hôm, khuya chút tụi nhỏ ngủ khò, có dính bao nhiêu sáng tính.
 
Đêm đó, bét gì cũng chục con cá lóc đổ lên. Có cả những con lươn vàng nghín tham mồi thò đầu ra khỏi hang mà dính câu. Cá mắm vậy ăn ngã nào cho hết, một nồi mắm kho có đủ cá, lươn; xuống xuồng chống vài sào ra cánh đồng sau hè, là đủ cả các loại rau đồng, “tẩn liệm” nồi mắm kho thơm nức mũi xóm làng.
 
Ô hô, chỉ mới có ngày đầu tiên của mùa nước nổi, đã là bao nhiêu nhung nhớ, bao nhiêu chuyện để mà tiếc, mà thương. Trong suốt mấy tháng nước lên đồng, đất đai lại nảy nở sinh sôi hằng hà những sản vật bản địa, giờ nghĩ lại cái đám nhỏ nhà quê ấy được gọi là “con nhà nghèo”, vậy chớ riêng mùa nước nổi, chúng đã hưởng toàn là của quý trời cho.
 
Mới là cái chuyện ăn thôi, mùa nước nổi mang lại cho xứ sở này những giá trị văn hóa không gì đánh đổi được. Vậy mà… Thử nghĩ đi, mai này có giàu đến cỡ nào, đố mà tìm lại được nguyên sơ mùa nước nổi của những ngày xa xưa ấy!
 
Theo Báo Vĩnh Long

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-qua-dong-nuoc-noi-a16544.html