Các nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia biểu diễn tại thính phòng ca Huế chỉ với tinh thần đam mê nghệ thuật, tự nguyện và không có thù lao, chính điều này đã góp phần đưa nghệ thuật ca Huế hồi sinh.
Kể từ ngày 20/8/2013, khi buổi biểu diễn ca Huế thính phòng đầu tiên được khôi phục dựa trên ý tưởng xây dựng lại không gian diễn xướng của loại hình nghệ thuật đã một thời từng sống trong cung vua phủ chúa, các nghệ nhân, nghệ sỹ như: Thanh Hương, Minh Mẫn, Quỳnh Hoa, Lệ Hoa, Trần Thảo, Đình Vân, Thái Hùng, NSƯT Khánh Vân, NSƯT Thu Hằng.., vẫn miệt mài tuần hai buổi (tối thứ Ba và tối thứ Sáu) đến với không gian diễn xướng ca Huế thính phòng (Bảo tàng Văn hoá Huế, số 25 Lê Lợi) để trình diễn những bài bản ca Huế như: Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh… Và một năm đã trôi qua, nhưng lời ca và nốt nhạc vẫn ngân lên để cùng hòa điệu với khách tri âm trong thanh âm ngọt ngào và sâu lắng.
Nhà thơ Võ Quê – Chủ nhiệm CLB ca Huế cho biết, từ khi ca Huế thính phòng đi vào hoạt động, sân chơi nghệ thuật này đã phục vụ 100 chương trình biểu diễn và thu hút 3.500 lượt khách. Trong đó đáng chú ý là du khách quốc tế đến từ các quốc gia như: Mỹ, Úc, Italia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Đức… Ngoài ra, sinh viên ở các Trường Đại học như: Đại học Sư phạm, Học viện Âm nhạc Huế, Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Huế… cùng một số nhân sỹ trí thức của Huế đã trở thành khách tri âm thường xuyên của khán phòng ca Huế. Có thể nói, ca Huế chính là “đặc sản” văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô. Và “đặc sản” này đã đem đến cho du khách nhiều cảm giác mới lạ khi họ đến thăm Huế, nơi có hai giá trị di sản: vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhà thơ Võ Quê tâm sự thêm.
Theo ông Huỳnh Đình Kết – Giám đốc Bảo tàng văn hóa Huế, ca Huế thính phòng là một trong những hoạt động chính của bảo tàng, khán thính giả khi đến nơi đây để thưởng thức các bài bản ca Huế sẽ không bị “khúc xạ” bởi những máy móc của đời sống hiện đại, mà chính trong không gian của thính phòng này, giới mộ điệu ca Huế sẽ được thưởng thức ca Huế một cách đích thực thông qua các ca nương và nhạc công. Điều này đã được khẳng định khi các nghệ sỹ đã trình diễn thành công và gây tiếng vang với việc thực hiện ba đêm diễn hưởng ứng Festival Huế 2014; thực hiện chương trình nghệ thuật ca Huế với chuyên đề “Biển đảo”; chuyên đề “Tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ (27/7); “Vu lan-mùa báo hiếu”... Trong thời gian sắp tới, Bảo tàng văn hóa Huế cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng phòng trưng bày các tư liệu, hiện vật có liên quan đến ca Huế, để du khách hiểu hơn những giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Trao đổi với nhà thơ Võ Quê, ông cho biết hiện nay ca Huế đang bị thương mại hóa, và do sự thiếu quan tâm của một số “chủ show” nên các bài bản lớn của nghệ thuật ca Huế như: Quả phụ, Nam xuân, Nam ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh… gần như vắng bóng; thay vào đó phần lớn là các làn điệu dân ca, các điệu lý dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng ca Huế, có thể gây sự hiểu lầm về giá trị thực của ca Huế trong lòng du khách. Do đó, ca Huế thính phòng chính là không gian để giới mộ điệu và những người nghiên cứu về lĩnh vực này hiểu hơn những giá trị nghệ thuật đích thực của nó.
Khi xem các chương trình biểu diễn tại thính phòng ca Huế, chứng kiến nhiều thế hệ nghệ sỹ cùng trình diễn các bài bản ca Huế tưởng đã thất truyền, du khách và khán thính giả mộ điệu ca Huế đã băn khoăn, một năm qua các nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn không có thù lao, liệu chính quyền địa phương có thể xem đây là một hoạt động bảo tồn, quảng bá nghệ thuật để hỗ trợ, hay tính đến chuyện bán vé, liên kết với các đơn vị du lịch để có thêm nguồn khách? Bởi, hiện tại họ đến với ca Huế bằng tình yêu và niềm đam mê nghề nghiệp, nhưng liệu tình yêu và niềm đam mê này có đủ sức cạnh tranh với cuộc sống vốn bộn bề “cơm áo gạo tiền”? Tuy vậy, chúng tôi vẫn biết, trong thâm tâm của nghệ nhân, nghệ sỹ, ca Huế thính Phòng là nơi khơi nguồn cho cảm hứng, là nơi gặp gỡ khách tri âm, tri kỷ, nơi du khách được thưởng thức một chương trình ca Huế trọn vẹn, đúng nghĩa…
Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành và phát triển ca Huế có thể từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn bình yên và cực thịnh của các chúa Nguyễn. Nghệ thuật ca nhạc là một thú vui dành cho giới quí tộc. Thế kỷ XIX ca nhạc Huế thực sự hình thành với số bài bản được rút ra từ trong nhạc lễ cung đình như các bản Long ngâm, ngũ đối thượng và 10 bài ngự. Và ca Huế thực sự phát triển cùng với sự tham gia sáng tác, biểu diễn của nhiều vị quan lại, quý tộc của triều đình nhà Nguyễn. Tương truyền chúa Nguyễn Phúc Chu đã sáng tác ra bài Ai giang nam là tiền thân của bài Nam ai, vua Tự Đức đã dựa vào bài dân ca quan họ Khí tương phùng để sáng tác ra bài Tứ đại cảnh...
Theo Bảo Vệ Pháp Luật
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoi-sinh-mot-di-san-nghe-thuat-a165.html