Bảo vệ cây di sản cần hướng dẫn khoa học

Cũng như những di sản khác, việc vinh danh đồng nghĩa với quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống hôm nay.

Đã 5 năm kể từ khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động phong trào bảo vệ cây di sản nhằm tôn vinh những giá trị nhiều mặt về văn hóa, lịch sử và môi trường của nó. Hơn 900 danh mộc cổ thụ thuộc 70 loài đã được vinh danh, trong đó có nhiều giống cây đặc hữu, quý hiếm và có tuổi đời rất cao. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không ít cây di sản sau khi được vinh danh đã bị chết một cách “oan uổng” mà nguyên nhân chính là do con người.

9 cây muỗm ở đền Voi Phục (Hà Nội) có tuổi thọ hơn 700 năm là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh cây Di sản, nay chỉ còn 1 cây sống sót là một câu chuyện buồn đối với cộng đồng và nhiều nhà khoa học. Lý giải về nguyên nhân của sự việc này, ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp cho biết, bên cạnh sâu bệnh, biến đổi khí hậu hay tuổi thọ của cây, thì những tác động của con người là nguyên nhân chính.

“Trong quá trình hạ giải để nâng cấp, trùng tu đền Voi Phục đã không nắm được các kỹ thuật, nguyên tắc bảo vệ cây di sản. Khi trùng tu đền chùa, người ta dỡ mái, xà gỗ, cột gỗ ra và cứ gom lại để gốc cây, sau đó lại phun thuốc bảo quản chống mối mọt. Ở đền Voi Phục phun 4 thùng thuốc bảo quản, mỗi thùng 200 lít. Chỉ vài trận mưa xuống, thuốc bảo quản ngấm xuống đất và đấy là nguyên nhân làm cho cây chết và cây mới trồng lại cũng không sống nổi vì đất đã bị ô nhiễm”, ông Cường cho biết.

Một trường hợp đáng tiếc khác là cây gạo cổ thụ ở Thanh Hóa cũng “chết tức tưởi” sau khi được vinh danh chỉ vài tháng. Nguyên nhân do sự chăm sóc thái quá, thiếu khoa học khi người dân cho xây bệ đỡ xung quanh rồi đổ vào gốc 2 tạ phân lân khiến cây bị “bội thực”.

Thực tế cho thấy, hàng trăm năm qua, các cây di sản vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường, không cần hoặc cần rất ít sự chăm sóc của con người. Vì vậy, bất cứ một tác động hoặc sự chăm sóc bất hợp lý nào đều dẫn đến thay đổi tình trạng của cây. Tuy nhiên, việc chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp cây khỏe mạnh và chống chịu được sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ. Điển hình như cây Táu già nhất Việt Nam (hơn 2000 tuổi) ở Phú Thọ đã được cứu sống nhờ tháo dỡ kịp thời lớp bê tông đè lên rễ khiến cây héo ngọn.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho rằng, sự quan tâm chăm sóc cho cây di sản là cần thiết và đáng quý nhưng phải có kỹ thuật, tuân thủ những nguyên tắc nhất định: “Việc chọn lựa, vinh danh cây di sản Việt Nam từ lúc khảo sát, xác định loài rồi xác định cho đủ tiêu chí để cộng đồng tổ chức vinh danh là việc khó, nhưng việc sau khi vinh danh bảo vệ cái cây đó, bảo đảm nguồn gen đó được trường tồn, bảo vệ được giá trị lịch sử, văn hóa của nó, bảo vệ được tất cả giá trị mà cây có về môi trường cũng là việc không dễ dàng. Chúng ta phải có các giải pháp khoa học, phải biết điều kiện sinh lý và sinh thái của cây đó, điều kiện xuất hiện các loại sâu hại cũng như điều kiện đất, thổ nhưỡng từng vùng như thế nào để chăm sóc”.

Vẫn biết cây di sản thuộc về cộng đồng, địa phương nhưng nếu chỉ vinh danh, gắn biển rồi để mặc cho cộng đồng bảo vệ mà không có hướng dẫn kỹ thuật thì số phận của nhiều cây di sản sẽ chưa biết đi về đâu. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh thừa nhận, sau khi vinh danh, lẽ ra phải tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để phổ biến cho bà con cách thức bảo vệ, chăm sóc, chữa bệnh cho cây di sản nhưng hiện nay, việc này chưa được quan tâm đúng mức. Thêm nữa, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc bảo vệ cây Di sản còn nhiều khó khăn.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh

“Hiện nay có một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và một số nước phương Tây như Mỹ, Anh cũng đã có kỹ thuật, công nghệ bảo vệ cây di sản, cây lâu năm, Còn nước ta, các chuyên gia về bảo vệ thực vật cũng làm các cây 1 - 2 năm, còn cây lâu năm thì chưa có kinh nghiệm. Chính vì thế, hiện nay Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã bàn bạc với Australia, Anh và các nhà khoa học Hàn Quốc để tổ chức bảo vệ. Và sắp tới, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm và cố gắng tìm nguồn kinh phí nào đó để hợp tác”, GS Huỳnh cho biết thêm.

Cũng như những di sản khác, việc vinh danh đồng nghĩa với quá trình bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản trong đời sống hôm nay. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, cùng với sự ra đi của nhiều cây di sản, thì kinh phí cho việc bảo vệ cũng chưa hề được đầu tư, những hướng dẫn cần thiết vẫn chưa đến được với cộng đồng. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ có những tài liệu hướng dẫn cụ thể về việc chăm sóc, bảo vệ, chữa bệnh cho cây phổ biến tới các địa phương có cây di sản. Đây là một động thái tích cực, nhưng giá như nó được thực hiện sớm hơn thì có lẽ những cây cổ thụ mang giá trị nhiều mặt về môi trường, nguồn gen, lịch sử, văn hóa, tâm linh đã không chết một cách đáng tiếc như vậy.

Theo VOV.VN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ve-cay-di-san-can-huong-dan-khoa-hoc-a1636.html