Đứng trên cao nhìn xuống xung quanh là cánh đồng lúa vàng ngát hương được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch lưu thông dẫn nguồn nước phù sa ra vào bồi đắp, vậy nên cây cối rất xanh tươi, ruộng đồng phì nhiêu, hoa trái khoe sắc. Khách du lịch mỗi khi làm lễ xong thường lên đỉnh núi Sam vui chơi, ngắm cảnh, thả chim phóng sinh, một nét đẹp trong văn hóa của người Việt, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên tươi đẹp.
Làng quê miền Tây Nam Bộ, nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: qdnd.vn
Trên đỉnh, còn dấu tích một bệ đá, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu. Bệ đá có chiều ngang 1,60 m; dài 0,3 m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34 m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Gần tháp cao của Pháo Đài, cũng là nơi Trương Gia Mô (1866-1929), một nho sĩ của phong trào Duy Tân, đã gieo mình xuống vực sâu, tự kết liễu một cuộc đời bế tắc vào một đêm cuối năm 1929.
Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử - Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Miếu Bà Chúa Xứ - điểm đến tuyệt vời cho du khách. Ảnh: Lao Động
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam. Theo quan niệm dân gian, Bà Chúa Xứ rất linh thiêng, phù hộ cho dân được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vào những ngày lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ ngày 23-27/4 âm lịch hàng năm có hàng ngàn người tham dự vía Bà để cầu an, cầu lộc, cầu tài cho bản thân và gia đình.
Chùa Tây An là một danh thắng đẹp ở núi Sam. Chùa gây ấn tượng với nhiều màu sắc khá rực rỡ, lối kiến trúc là sự kết hợp giữa nhiều nền văn hóa như Việt, Hoa, Ấn, Hồi, Khmer. Chùa cũng là nơi sở hữu số lượng tượng khá đồ sộ. Khi bước vào sân chùa, du khách sẽ thấy tượng hai con voi, trong đó con voi trắng có sáu ngà, được tạc dựa theo tích Hoàng hậu Maya mơ thấy voi sáu ngà rồi sinh ra Đức Phật.
Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên sườn núi Sam. Trong sân có ba ngôi mộ lớn, mộ Thoại Ngọc Hầu nằm ở giữa, hai bên là hai người vợ của ông. Bước vào không gian này, du khách sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm và cổ kính, nơi an nghỉ của một danh thần đã dành phần lớn cuộc đời mình gắn bó với vùng đất Nam bộ.
Sau những giây phút tĩnh tâm viếng chùa, du khách hành hương sẽ đăng sơn theo đường lên đỉnh núi Sam để vãng cảnh. Có hai con đường để lên đỉnh núi: Đường trải nhựa và đường mòn. Đường nhựa rộng rãi cho xe máy, xe ô tô đi. Nếu du khách đi xe ôm lên thì lúc xuống đi bộ theo con đường mòn, trên đường “hạ sơn” sẽ ngang qua nhiều am cốc như lạc vào “cảnh thiêng”. Ngoài những địa điểm nổi bật trên, du khách có thể kết hợp đi tham quan thêm một vài nơi như: Chùa Hang, đình Vĩnh Tế, miếu ông Nghè Trương Gia Mô.
Khánh Sơn (Tổng hợp)