Nhà cổ Bình Thủy cũng là điểm đến lý tưởng khi du khách đến TP Cần Thơ. Ảnh: Internet
Về Cần Thơ, ngoài lịch trình khám phá chợ nổi Cái Răng, chợ Phong Điền, bến Ninh Kiều, đừng quên ghé qua ngôi nhà cổ Bình Thủy được mệnh danh đẹp nhất xứ Tây Đô. Trải qua bom đạn của thời chiến với hơn 100 năm lịch sử, đến nay, ngôi nhà vẫn giữ gần như vẹn nguyên nét kiến trúc độc đáo.
Nhà cổ Bình Thủy hiện đang nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, được gia đình họ Dương xây dựng lần đầu vào khoảng năm 1870, xây mới vào những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân đầu tiên của căn nhà là ông Dương Chấn Kỳ – một thương gia tri thức giàu có, đồng thời là điền chủ với tính thẩm mỹ và sự sáng tạo cao. Nét đặc biệt của ngôi nhà khác hẳn với nhiều ngôi nhà cổ Nam Bộ thể hiện qua lối kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa mềm mại của hai nền văn hóa Đông – Tây phối hợp.
Ngôi nhà cổ được bao bọc bởi rất nhiều cây và hoa nở rộ bốn mùa làm không gian vừa có sẵn nét cổ kính, vừa sống động, tươi mới. Để vào trong nhà, du khách phải đi qua cầu thang hình cánh cung tao nhã, trang trí hoa văn nối kết tòa nhà với khoảng sân rộng.
Ngay khi đứng bên trong sân và nhìn lên mặt tiền ngôi nhà cổ, du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp tinh tế của những đường nét trang trí từ cột, vòm cửa sắt cho đến các họa tiết đắp nổi...
Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng gần chục thước với độ tuổi khoảng 40. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng thênh thang với 6 hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30 cm kê trên những tảng đá có hoa văn. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi.
Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn tấc tây. Cùng với hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng nên trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ.
Đặc biệt, ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ.
Ngoài ra, ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.
Nhiều đạo diễn, hãng phim trong và ngoài nước đã chọn nhà cổ Bình Thủy làm bối cảnh cho phim của mình, như đạo diễn người Pháp J. Annaud đến đây làm bộ phim “Người tình”; Nhiều cảnh quay trong các bộ phim như: “Chân trời nơi ấy”; “Những nẻo đường phù sa”; “Con nhà nghèo”, “Nợ đời”… cũng đều được quay tại nhà cổ Bình Thủy.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào tháng 3 năm 2009, mỗi năm đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước đến tham quan.
Hàn Yên (Tổng hợp)