Thật ra không chỉ có số 3 mà từ xa xưa con người đã phát hiện những điều ẩn dụ xung quanh những con số và nó sử dụng để nói lên một hiện tượng, sự việc khi có thật, khi cũng rất trừu tượng.
Trong đó số 3 là con số đặc biệt, có tần số xuất hiện nhiều nhất, xâm nhập vào thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích, chứa đựng trong đó rất nhiều lớp nghĩa mà hiểu được nó không phải đơn giản. Cứ thế, số 3 đã trở thành mật mã trong văn chương, trong sinh hoạt giao tiếp của đời sống văn hoá, tinh thần, ăn sâu vào tiềm thức mọi người và mọi ngóc ngách đời sống xã hội.
Cúng kiếng ông bà phải thắp 3 nén nhang, có chung nước.
Vì sao? Có tài liệu nghiên cứu cho rằng, số 3 tượng trưng cho tình cảm, tài năng, gắn với mô hình tam tài (thiên thời - địa lợi - nhân hoà), hoặc tam đa (phúc - lộc - thọ). Bên cạnh đó, số 3 cũng được xem là con số vững chắc “Dù ai nói ngả nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng 3 chân”. Mặt khác, số 3 là con số hữu dụng, sự hài hoà của môi trường ở lĩnh vực số học trong việc bài trí các đồ vật theo phong thuỷ…
Tuy nhiên, quan niệm của người theo đạo Phật thì số 3 là số thiêng, ân đức Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng). Từ đó lan toả trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, cúng kiếng ông bà thì thắp 3 nén hương, rót 3 chung trà (hoặc 3 chung rượu) và khấn vái xong thì lạy 3 lạy, xá 3 xá…
Lại có quan niệm cho rằng, theo giáo lý Thiên Chúa, đạo công giáo hiện hữu trong 3 ngôi vị (Chúa cha, Chúa con, Chúa thánh thần). Song, có tài liệu dẫn chứng theo khoa học thì số 3 được sinh ra từ 3 dòng ánh sáng (mặt trời, trăng và sao)…
Có lẽ do có sự ngẫu nhiên với các hiện tượng xảy ra trong đời sống và sự lan truyền về tâm linh, tín ngưỡng, văn hoá cộng đồng…, con số 3 cứ thế ăn sâu vào tiềm thức con người từ xa xưa và trở thành con số huyền bí trong đời sống xã hội hiện tại.
Ca dao có câu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay “Ba đồng một mớ đàn ông…”. Thể hiện tình cảm có câu: “Duyên nợ ba sinh”. An ủi hoàn cảnh “Ai giàu ba họ/Ai khó ba đời”. Nhắc nhở ai đó cẩn thận trong giao tiếp “Uốn ba tấc lưỡi trước khi nói”.
Nói về ai đó tính khí thất thường “Đồ ba trợn/ba lơn”. Ám chỉ người không lập trường vững vàng “Đồ ba phải”. Khinh khi ai đó “Đồ ba hoa, ba lăng nhăng”. Đối chất vấn đề gì đó gây tranh cãi thì cần “ba mặt một lời”. Khuyên ai đó về công việc “Quá tam ba bận”…
Trước đây, xây cất nhà cửa thường là nhà 3 gian, cột 3 hàng, lối đi từ sân lên nhà phải xây tam cấp… Kiến trúc xây dựng nhà ở hiện đại lại có “quy luật số 3 bí ẩn”, chẳng hạn như chọn 3 màu trong 1 phòng, 3 kiểu đèn trong 1 phòng, sắp xếp nội thất 1 đồ chính, 2 đồ phụ, lựa chọn đồ trang trí theo bộ 3… được đánh giá rất hiệu quả trong việc bố trí nhà cửa.
Nói sao cho hết sự xuất hiện của con số 3 trong lối dùng chữ dân gian, cách ăn nói thường nhật của đời sống xã hội. Khuyên bảo, trách cứ “Khôn 3 năm dại 1 giờ”… Ngoài ra, số 3 cũng thường xuyên xuất hiện trong cách nói về những điều kiêng kỵ “Tam nam bất phú”, gặp “tam tai” phải cẩn thận, “chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”, không chụp ảnh 3 người vì “tam nhân bất đồng hành”…
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, xét góc độ nào đó cũng chỉ là ngẫu nhiên. Bởi số trong tiếng Việt chỉ là giới hạn biểu thị số nhiều, nên nếu dùng số 2 thì gần với số 1 mà số 4 (hoặc số khác) thì quá mức và số 3 được chọn như con số chuẩn “Gái giống cha giàu 3 họ, trai giống mẹ khó 3 đời”, “3 bò 9 trâu”…
Suy cho cùng, số 3 hay số nào khác cũng chỉ là những con số đơn điệu, nhưng khi đã được gắn vào mật mã truyền tải thông điệp, thông tin nào đó với nhiều hàm ý (có tốt, có xấu), nó trở nên sinh động, phong phú ăn sâu trong tư duy văn hoá, tâm linh của con người, cùng tồn tại phát triển đời sống xã hội, ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu mà hiện nay con người vẫn đang tìm hiểu để giải mã ẩn số này.
Theo Báo Cà Mau