.gif)
Trích đoạn "Xử án Thượng Dương" được tái diễn nhằm tôn vinh Minh Tơ - một trong những gia tộc cải lương lâu đời nhất ở Sài Gòn. Ảnh: vnexpress.net
Như một biểu hiện nhằm "chống lại" tốc độ xâm lấn của công nghệ, các thiết bị hiện đại vào cuộc sống và nghệ thuật, ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động nghệ thuật hướng về những giá trị văn hóa, lịch sử. Cùng với tuồng, chèo, cải lương là một trong ba bộ môn loại hình sân khấu truyền thống nhận được sự quan tâm của những người làm/ yêu văn hóa.
Trên hành trình tìm, kết nối giá trị một thời với thế hệ trẻ, Công ty CP Green Horizon đã quyết định thực hiện chuỗi chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội gồm lược sử các bài Ca ra bộ, bản Dạ cổ Hoài Lang gốc, cùng hai trích đoạn kinh điển của cải lương Việt Nam như: Đời cô Lựu, Xử án Thượng Dương. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh như: T.S. NSND Bạch Tuyết, các nghệ sĩ thuộc gia tộc Minh Tơ 6 đời theo nghiệp hát như NSƯT Quế Trân, NSƯT Sương, Trinh Trinh, Điền Trung đảm trách.
Ngoài ra, chương trình có sự góp mặt của NSƯT Ngọc Đợi (Chuông vàng vọng cổ), nhóm tài tử ca Minh Đức, NSƯT Việt Anh, diễn viên Đình Toàn. Phần nhạc của chương trình do Th.S âm nhạc - NSƯT - Huỳnh Khải đảm nhận, kịch bản và dàn dựng do Quang Thảo phụ trách. Đặc biệt, trong các suất diễn tháng 7-8/2019, chương trình có sự tham gia của NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thanh Kim Huệ.
Không xúc động sao được khi mở màn là trích đoạn bản tân nhạc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy hoà với bản cổ nhạc kinh điển Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và khép lại bằng lời khẳng định Nam quốc sơn hà. Có cần “lên gân” gì đâu, lời ca và điệu bộ đẹp đẽ như vậy làm sao khán giả không thấy yêu tiếng nói dân tộc, yêu nghệ thuật của cha ông và yêu từng tấc đất quê hương? Và khi đã yêu thì người ta giữ gìn.
Chương trình đưa khán giả đến với bản Ca ra bộ (tiền thân của Cải lương) đầu tiên là Bùi Kiệm – Nguyệt Nga rồi tiếp tục dẫn dắt đến với Dạ cổ hoài lang bản chuẩn mỗi câu 2 nhịp (được xem là bài tổ của bản vọng cổ 32 nhịp sau này) và các trích đoạn nổi tiếng: lớp cô Lựu biết chồng cũ vượt ngục và con mình còn sống trong tuồng Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) và lớp Xử án Thượng Dương trong tuồng Câu thơ yên ngựa (soạn giả Thanh Tòng).
Lần đầu tiên, NSƯT Việt Anh đứng trên sân khấu cải lương, vào vai Hội đồng Thăng - một nhân vật gây tội ác đồng thời cũng mang vác bi kịch của mình. Cô Lựu của nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn làm khán giả sụt sùi sau bao nhiêu năm. Mạnh mẽ và đầy cảm động là lớp Xử án Thượng Dương qua phần trình diễn của những nghệ sĩ thế hệ thứ 5 của gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ: Quế Trân, Tú Sương, Điền Trung…
Đại diện ban tổ chức chia sẻ: “Rất nhiều năm, cải lương xa rời và mất dần lớp khán giả trẻ, những người đóng vai trò quan trọng góp phần giữ lửa cho cải lương. Chương trình hướng đến không chỉ khán giả mộ điệu mà cả những người chưa quen thuộc với cải lương, giúp khán giả hiểu được cái hay, tinh hoa trong loại hình nghệ thuật này. Có khán giả kế thừa, cải lương mới tồn tại”.
Thùy Anh (Tổng hợp)