Tùng Lâm Diệc Cổ có tam quan rất lớn, lấy núi Hồng Lĩnh làm tiền án và sông Lam làm minh đường, theo thế tọa Càn hướng Tốn
Dấu tích còn lại...
Tích xưa lưu truyền, thời nhà Trần, khu vực chùa Diệc bây giờ là đồng ruộng, là ao chuôm. Năm nọ, hạn hán kéo dài, ao chuôm sạch nước. Bỗng một hôm có một đàn chim Diệc không biết từ đâu bay về nằm chết la liệt, lúc mọi người chạy ra xem thì trời đổ mưa to. Người dân nơi đây cho rằng, vì thương cảnh người dân không có nước tưới tiêu trồng trọt, ăn uống sinh hoạt nên đã cho đàn chim Diệc xuống làm mưa. Vì thế, họ gom xác những con chim Diệc này lại đắp thành một gò nhỏ. Kì lạ, vào ban đêm chính nơi gò nhỏ này, người ta thấy đàn chim Diệc bay về trời. Để tưởng nhớ, dân đã dựng nên một ngôi chùa - Diệc cổ Tùng Lâm cũng từ đó mà ra đời.
Tùng Lâm Diệc Cổ có tam quan rất lớn, lấy núi Hồng Lĩnh làm tiền án và sông Lam làm minh đường, theo thế tọa Càn hướng Tốn. Tam quan ước chừng cao 10 mét, 3 tầng và được xây bằng gạch đá, xi măng có khảm sành. Đây là sự dung hòa giữa kiến trúc của miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc thù của xứ Thanh và xứ Nghệ vào đầu thế kỷ XX. Thế mới biết, kiến trúc chùa Diệc ngày trước rộng lớn nhất nhì xứ Nghệ.
Chuông cổ tại Tùng Lâm Diệc Cổ
... đã hồi sinh
Những tưởng rằng vết mòn của thời gian, của tạo hóa làm Tùng Lâm Diệc Cổ bị lãng quên. Và từ những cổ vật còn sót lại: Hai bia đá, một chiếc chuông cổ là “bảo tàng” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa Phật giáo trên đất thành Vinh. Là một đại danh lam cổ, việc đầu tư phục dựng, tôn tạo lại Chùa Diệc là điều cần thiết. Đây ắt hẳn là tâm niệm của nhân dân, của những tăng ni, phật tử để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn, phát triển để Chùa Diệc “trường tồn” với thời gian vốn dĩ Chùa từng có.
Ngày 25/2/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 642/QĐ-UBND-NC phục hồi chùa Diệc. Đồng thời, ngày 03/11/2013 Ban trị sự giáo hội Phật giáo Nghệ An cũng có Quyết định số 09/QĐ-BTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thọ Lạc về trụ trì Chùa Diệc.
Kể từ ngày Thượng tọa Thích Thọ Lạc về trụ trì, Tùng Lâm Diệc Cổ ngày càng hưng thịnh, tăng ni phật tử gần xa quy tụ tu học Phật pháp ngày càng đông. Chính vậy, ngày 10/2/2015, với chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực để phục dựng, tôn tạo di tích Tùng Lâm Diệc Cổ, UBND tỉnh Nghệ An chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 614/QĐ-UB-NC-XD. Đây là lần đầu tiên Tùng Lâm Diệc Cổ được đầu tư phục dựng, tôn tạo với quy mô lớn và đồng bộ.
Chắc rằng nơi đây sẽ là nơi lui tới của rất nhiều tăng ni phật tử, của những du khách thập phương mỗi lần ghé về xứ Nghệ. Và không xa, Tùng Lâm Diệc Cổ là một công trình văn hóa tâm linh loại 1, mang đậm dấu ấn lịch sử, giữ những truyền thuyết, tích xưa cho hậu thế.
Bảo tồn, giữ gìn, phục dựng hay tôn tạo là những việc mà hậu thế như chúng ta phải làm. Chính Tùng Lâm Diệc Cổ là văn hóa, là tâm linh, nơi lưu giữ nhiều nhất những giá trị vật thể và phi vật thể. Và chúng ta là những “bảo tàng” sống trong việc phát huy hơn nữa những gì còn sót lại của ngôi chùa cổ này. Việc phục dựng, hay tôn tạo không đơn thuần là giữ gìn, phát huy những giá trị vốn có của ngôi chùa cổ này. Bên cạnh đó còn quảng bá, thúc đẩy phát triển văn hóa tâm linh trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội TP Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung.
Nguyễn Diệu