Các bạn trẻ sinh hoạt đờn ca tài tử tại CLB Giai điệu phương nam (Nhà văn hóa Sinh viên thành phố).
Trước sự phát triển và du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, nhưng lại có không ít bạn trẻ tìm đến hiểu và luyện tập đờn ca tài tử như một cách để hiểu hơn về cội nguồn dân tộc cũng như giá trị văn hóa của người việt xưa.
Tìm thấy niềm đam mê chung từ chương trình “Nhịp phách cổ kim”, cô gái trẻ Lục Phạm Quỳnh Nhi (22 tuổi) và những người bạn đã lập ra lớp học đờn ca tài tử. Chia sẻ về lớp học này, Quỳnh Nhi cho biết: "Nhịp phách cổ kim" (NPCK) là một chuỗi chương trình được tổ chức dưới dạng "lớp học" (workshops) dành cho những ai có mong muốn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống ở mức độ chuyên sâu. “Ban đầu, NPCK chủ yếu giới thiệu về nhạc khí dân tộc như đờn tranh, sau đó có cơ duyên gặp được Ban đờn ca tài tử Sáu Hưng và nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn này nên Nhi và các bạn quyết định mở chuyên đề "NPCK - Đờn ca tài tử". Bắt đầu từ tháng 9-2018, chương trình được thực hiện với hình thức có người dẫn chương trình dẫn dắt, giới thiệu kiến thức tổng hợp từ các nguồn nghiên cứu và hướng dẫn từ những chuyên gia trong nghề.
Những âm điệu ngân nga của bài Bắc, bài Oán vang lên hòa cùng tiếng đờn điêu luyện của ban nhạc, những nghệ nhân dân gian đã tạo nên một không khí đặc biệt của lớp học, mang đến cho người nghe cảm giác dễ chịu, bình yên. Xen kẽ với các buổi học là những buổi nói chuyện chuyên đề về đờn ca tài tử. Đến nay lớp học “NPCK - Đờn ca tài tử ” đã hoạt động được gần ba tháng. Trung bình mỗi buổi thu hút từ 30 đến 40 bạn trẻ, phần lớn là học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật độc đáo này.
ĐẾN Nhà văn hóa sinh viên thành phố Hồ Chí Minh (đường Điện Biên Phủ) vào những ngày cuối tuần, chắc chắn sẽ gặp nhóm bạn trẻ của câu lạc bộ Giai điệu phương nam ngồi quây quần cùng đờn hát, tập luyện những điệu lý, câu hò. Hết điệu Nam Ai rồi đến Xàng Xê, hết điệu Tây Thi sang Chiêu Quân, rồi lại lên câu vọng cổ ngọt lịm, ai thuộc thì hát chung, ai chưa biết thì chăm chú nhẩm theo. Mỗi buổi, các thành viên cùng nhau tập những bài mới, người đã biết hướng dẫn cho người chưa biết, người có kinh nghiệm chỉ cho bạn mới vào.
Nói về sự ra đời của câu lạc bộ, bạn Trần Phương Linh (sinh năm 1997, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Giai điệu phương nam có tiền thân từ nhóm “Tài năng hè phố” của sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Đây là nhóm hoạt động với quy mô nhỏ, chỉ phục vụ trong nội bộ nhà trường với khoảng gần 10 thành viên. Kể từ năm 2013, sau ba năm hoạt động, Ban lãnh đạo Nhà Văn hóa Sinh viên thành phố Hồ Chí Minh thấy được nhiệt huyết của thế hệ trẻ nên mời về và thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử, sau đó đổi tên thành Giai điệu phương nam cho đến bây giờ”. Tính đến thời điểm hiện tại, câu lạc bộ chính thức có hơn 30 người tham gia. Không chỉ đưa bộ môn này vào trường học mà Câu lạc bộ Giai điệu phương nam còn tổ chức các buổi biểu diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để phổ biến và khơi gợi tình yêu nghệ thuật đờn ca tài tử đến mọi lứa tuổi. Không chỉ có thế, các thành viên trong câu lạc bộ còn đi các tỉnh, giao lưu với các chiến sĩ biên phòng.
Anh Tiêu Hoàng Tuấn, người thầy đứng lớp của Câu lạc bộ Giai điệu phương nam cho biết: “Đờn ca tài tử đã ăn sâu vào máu thịt của tôi từ khi bảy tuổi, đến nay đã hơn 20 năm vẫn không phai nhạt. Nhận thấy niềm đam mê trong giới trẻ, tôi đã tình nguyện đến với các em để làm người dẫn đường, đưa nghệ thuật truyền thống dân tộc phát triển”.
Một nghệ sĩ về đờn ca tài tử nhìn nhận “Những năm gần đây, tôi thấy một số bạn trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Đây là điều đáng trân trọng. Chính họ đã gieo cho tôi về niềm tin về sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử. Một thời gian dài, những loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, đờn ca tài tử rất thịnh. Rồi sự du nhập của nhiều loại hình giải trí mới khiến thị hiếu của khán giả thay đổi. Từ năm 2013, khi nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thì nhận được nhiều sự quan tâm hơn, cũng góp phần làm hồi sinh của loại hình nghệ thuật này. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ trẻ để nghệ thuật đờn ca tài tử được lưu giữ và phát huy.
Và cứ thế, mỗi tuần, sau giờ học, giờ làm, các bạn trẻ lại đến tập luyện, đồng cảm với loại hình nghệ thuật này. Và cũng là để hiểu hơn về cội nguồn cũng như giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thái Khuê
Theo nhandan.com.vn