Khám phá chùa Bốn Mặt ở Sóc Trăng

Sóc Trăng - nơi sở hữu nhiều ngôi chùa độc đáo, linh thiêng cũng là điểm đến nổi tiếng mà bất kỳ ai khi đến với vùng đất miền Tây sông nước này. Trong đó, ngôi chùa Bốn Mặt khiến du khách không khỏi ngạc nhiên bởi lối kiến trúc độc lạ, đặc trưng của đồng bào Khmer.



Chùa Bốn Mặt. Ảnh: Internet

Nằm trên địa phận thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm TP. Sóc Trăng khoảng 7km theo hướng đi về huyện Kế Sách, chùa Bốn Mặt tương truyền được xây dựng từ năm 1537. Chùa được xây dựng với kiến trúc bằng tre, lá, rồi dần dần được tu bổ xây dựng kiên cố như hiện nay, với diện tích 65.000m2.

Cổng chùa Bốn Mặt được thiết kế khá tinh xảo với 3 ngọn tháp tròn 5 tầng, đắp nổi hình tượng các nhân vật in sâu trong văn hóa Khmer như: Rắn thần Nagar, thần gió Reahu (thường được gọi là chằn Reahu) và chim thần Krud.

Chánh điện chùa được thiết kế khá độc đáo với mái phía trên có nóc có tượng thần Mahaprum quay mặt về bốn hướng. Ngoài tượng Phật Thích Ca cũng như các hình họa mô tả khá sinh động về các tích của đức Phật Thích Ca, chùa còn thờ một tượng Phật bốn mặt hình tháp.

Xưa kia, vùng đất này chỉ là vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp. Trong khi khai hoang đồng bào Khmer đã đào được một pho tượng Phật vào năm 1537, có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có 5 vị phật. Cho đây là điềm lành nên người dân xây dựng ngôi chùa tại đây và rước tượng Phật vào chùa để thờ. Từ đó, chùa có tên là chùa Bốn Mặt.

Chung quanh việc phát hiện tượng Phật bốn mặt được lưu truyền, còn nhiều truyền thuyết với lời kể hết sức huyền bí. Đó là trong quá trình đưa tượng vào chùa, một điều khiến mọi người ngỡ ngàng, là một pho tượng không đến nỗi to, nhưng 4 chàng trai tráng lực điền lại không nhấc lên khỏi mặt đất và có một hôm một vị bô lão trong vườn nằm chiêm bao thấy Phật báo mộng rằng, cần có 4 nam thanh, 4 nữ tú ăn chay 49 ngày rồi mới khiêng được tượng. Thế là ông đã đem thông tin kể lại cho mọi người. Cuối cùng, mọi việc được thực hiện đúng như giấc chiêm bao của ông lão, tượng Phật đã được đưa vào chùa.

Tòa chính điện được sơn vàng rực rỡ, nhưng trang trọng và uy nghiêm. Trong tòa chính điện có các tượng phật xếp thành lớp từ thấp đến cao, chính giữa là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni cao 2 m, ngồi thiền trên bệ cao 3 m. Điểm nổi bật nhất của chùa tượng phật bốn mặt hình tháp Maha Prum. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến ngôi chùa có tên là chùa Bốn Mặt.

Theo quan niệm của người Khmer, đầu tượng Maha Prum tượng trưng cho đức Phật luôn nhìn về 4 hướng, ở trên cao quan sát để phổ độ chúng sinh. Vì thế, có thể dễ dàng nhìn thấy đầu tượng Maha Prum ở bất kỳ ngôi chùa Khmer nào trên đỉnh cổng, đỉnh tháp hay đỉnh chùa, những vị trí trang trọng để đặt đầu tượng Phật 4 mặt.

Mặc dù trải qua thời gian được cải tạo, tu sửa nhưng thiết kế, chất liệu của ngôi chùa vẫn y như vậy. Chất liệu xây dựng chủ yếu là đất xét, rơm và cát nên rất khác so với những ngôi chùa được xây dựng bằng bê tông.

Để chùa Bốn Mặt tồn tại mãi mãi được với thời gian, người ta đã trung tu lại. Một số công trình, hạng mục mới được xây thêm, đặc biệt là ao Mách Cha Linh. Không giống như các ao thông thường khác, giữa ao ở của chùa này có một tháp cao trên 20m, có hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên con rắn 7 đầu cùng với 12 con vật tượng trưng cho 12 con giáp của người Khmer.

Sở hữu không gian khác lạ cùng lối kiến trúc riêng biệt, ngôi chùa Bốn Mặt đã và đang gây sức hút khá mạnh đối với du khách thập phương, đặc biệt là đối với các tín đồ phật giáo. Hơn nữa, chùa này gắn với Giếng Tiên Nữ được lưu truyền trong dân gian, mang ý nghĩa về sự giáo dục, cần cù, sáng tạo.
 
Du khách khi đến với chùa Bốn Mặt sẽ được chiêm ngưỡng từng nét kiến trúc và thưởng thức các tiết mục văn nghệ nhạc ngũ âm, dù kê mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của người dân Khmer.

Lê Lê

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-chua-bon-mat-o-soc-trang-a16189.html