Có một Đà Lạt huyền bí, trữ tình ở miền Tây

Thiên Cấm Sơn (hay còn gọi là Núi Ông Cấm, Núi Cấm) tọa lạc tại địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngọn núi cao trên 700m, cao nhất trong 7 núi của An Giang. Nơi đây được ví như “Đà Lạt của miền Tây”...

Có ba cách đi lên đỉnh núi là đi cáp treo khoảng 15 phút từ nhà ga Lâm Viên chân núi lên nhà ga đỉnh núi; đi xe theo đường nhựa, hoặc bộ hành theo đường mòn lên đỉnh núi. Đối với nhiều người hành hương họ chọn cách đi bộ lên đỉnh núi bất kể người già. Hành trang của họ đem theo nhang đèn, hoa quả dâng lễ Phật trong những ngôi chùa.

Thiên Cấm Sơn cao 716m, là ngọn núi hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn. Theo nhiều tài liệu xưa, núi Cấm còn có tên gọi là “Thiên Cấm sơn”, “Thiên Cẩm Sơn”... Người thì cho rằng, trước đây Nguyễn Ánh đến trú ngụ tại núi Cấm, để tránh tung tích bị tiết lộ nên cấm người dân lên núi, lấy cớ nơi đây có nhiều thú dữ, yêu quái. Ý kiến khác lại nói, thực dân Pháp cấm người dân tụ tập trên núi để làm loạn nên tên núi Cấm cũng xuất phát từ đó.

Ngoài ra, có giả thuyết thì nói Phật thầy Tây An đã cấm các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương lên núi Cấm cất nhà cửa hoặc chùa am để ở, vì người ở thì tất sẽ có sự ô uế núi non, một nơi cần giữ gìn cho trong sạch… Và, còn nhiều ý kiến khác lý giải về tên gọi núi Cấm.

Vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng đã tạo cho Thiên Cấm Sơn trở thành một địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái lẫn tâm linh. Ở phía Đông chân núi Cấm, có Khu du lịch Lâm Viên với đầy đủ các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng.

Từ đây theo lối mòn lên núi du khách sẽ gặp ngọn suối Thanh Long thơ mộng có thể tắm mát, lên cao chút nữa đến cửa Sơn Thần đưa lối vào khu bình nguyên chùa Phật Lớn, với động và hồ Thủy Liêm trầm mặc. Khu vực lòng chảo này cũng đã có một số nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách nghỉ qua đêm thưởng thức không gian huyền ảo, lãng mạn về đêm trên đỉnh núi Cấm.

Trên đỉnh Thiên Cấm Sơn có Chùa Phật Lớn, Chùa Phật Nhỏ, tượng phật Di Lặc (cao khoảng 33,6m) và chùa Vạn Linh bao quanh hồ Thủy Liêm xanh ngắt. Trên núi có 5 Vồ (Vồ Bồ Hong, Vồ Bà, Vồ Ông Bướm, Vồ Thiên Tuế, Vồ Đầu), cùng nhiều con suối.

Hồ Thủy Liêm như một điểm nhấn tươi mới của cái nắng đồng bằng trên đỉnh núi, chiếc cầu đỏ bắc ngang để du khách cho từng đàn cá chép ăn. Những ngôi chùa khoác gam màu trang nhã chấm phá giữa màu xanh của núi rừng, tiếng chim ríu rít rộn vang trên những ngọn cây, chuông chùa khẽ điểm khiến cảnh sắc càng thêm thanh tịnh.

Xen kẽ các điểm tham quan là những hàng quán bán nhiều đặc sản địa phương như mủ gòn, hạt é, nước thốt nốt, đường thốt nốt. Đặc biệt nhất là ẩm thực bánh xèo ăn kèm với rau rừng gồm nhiều loại rau, lá cây được hái xung quanh núi.

Bên cạnh hồ Thủy Liêm có khu chợ nhóm bán trái cây, bánh bò thốt nốt, rau củ quả, đồ gia dụng, quần áo… Chợ chỉ gồm gần hai chục gánh hàng xếp hai bên bày hàng bán trông rất mộc mạc, đậm chất quê. Đa phần người địa phương buôn bán với mức giá bình dân, đến quá trưa chợ tan và sẽ tiếp tục họp vào buổi sáng hôm sau./.

Thuỳ Anh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-mot-da-lat-huyen-bi-tru-tinh-o-mien-tay-a16156.html