Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những chuyến ghe xuôi ngược dòng Cửu Long mang hàng hóa tỏa đi khắp nơi, qua bao đời nay đã hình thành một “nền kinh tế văn hóa sông nước” mang tính cộng đồng, giúp cho việc giao lưu văn hóa kinh tế phát triển. Nghề đi ghe thương hồ phát triển rất sớm ở nhiều địa phương miền sông nước Cửu Long.
Đây là nghề kinh doanh giúp những người có ghe cùng gia đình mang ít vốn, ngược xuôi mua hàng hóa nông sản ở nông thôn về họp chợ. Sau nhiều năm chịu khó sống cảnh cơm ghe bè bạn “gạo chợ nước sông”, có nhiều chủ ghe nhỏ sắm được ghe lớn, tạo được cơ ngơi khá giả. Nhưng có lênh đênh theo ghe mới thấm thía nhiều nỗi niềm của đời thương hồ. Không chỉ sống rày đây mai đó lãng mạn, đời thương hồ là những câu chuyện tình nghĩa mưu sinh nhọc nhằn và bao hiểm nguy trên sông nước.
So với nhiều năm trước thì số lượng ghe thương hồ ngày nay có phần ít hơn. Tập trung nhiều ở một số vùng sâu vùng xa, ít đường xá và xa chợ búa như: Miệt Thứ, U Minh, Đất Mũi và một số nơi ở các huyện Ngọc Hiển, Cái Nước, Năm Căn (Cà Mau), Giồng Riềng (Kiên Giang)… Và rất khó mà tìm được nơi đâu ngoài miền Tây Nam bộ có đời sống thương hồ độc đáo như vậy.
Thương hồ ngày trước với một chiếc ghe đi khắp các ngỏ ngách kênh rạch, cùng rất nhiều hàng hóa nhu yếu phẩm. Cả gia đình với mọi sinh hoạt trên ghe, xung quanh bộn bề muối gạo, hành tỏi, bánh kẹo, thuốc men… Thương hồ ngày nay không chật vật nhiều như trước nữa, mà đã có phần hiện đại và khấm khá hơn.
Có thể đời sống thương hồ ngày nay đã khấm khá hơn, hàng hóa đa dạng và hiện đại hơn nhưng những ghe thương hồ vẫn mang đầy mừng vui, chờ mong và háo hức ở những nơi nó đi qua, đặc biệt là những vùng sâu cách xa phố chợ...
Chưa được rong ruổi nhiều trên những dòng kênh, con rạch, chưa từng ăn cơm chợ, uống nước sông như những thương hồ, nhưng tôi vẫn thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà họ phải cam chịu trên bước đường mưu sinh, vật lộn với cuộc sống, tìm kiếm đồng tiền ít ỏi sau những ngày lênh đênh trên sông nước.
Mong sao câu hò thở than “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi. Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê” chỉ là chuyện của ngày xưa, không còn là nỗi xót xa của những người trong cuộc bây giờ.
Hàn Yên (Tổng hợp)