Về An Giang nghe giai thoại về đồng Đá Nổi

Cách đây khá lâu, cánh đồng rộng lớn ở Thoại Sơn bỗng nhiên xuất hiện những hòn đá với đủ màu sắc, kích cỡ nằm nổi trên mặt đồng.

Cánh đồng đá nổi lọt thỏm giữa vùng đồng ruộng rộng lớn thuộc ấp Phú Tây, xã Phú Thuận (H.Thoại Sơn, An Giang). Những câu chuyện huyền bí đã biến cánh đồng vốn chỉ là vùng đất hoang vu, chơ vơ đá tảng, trở thành địa điểm linh thiêng bậc nhất Thoại Sơn.

Hằng ngày, dù nắng hay mưa, dòng người vẫn đổ về khu vực này chiêm bái, ngưỡng vọng. Người dân địa phương cho biết, cánh đồng đá nổi nổi tiếng với những câu chuyện bí ẩn từ 70 - 80 năm về trước. Thời điểm trên, khu vực này chỉ là một vùng đất hoang vu, mặt đất nổi đầy các loại đá to nhỏ, màu sắc khác nhau. Những câu chuyện kỳ lạ bắt đầu từ chính những phiến đá đặc biệt này.

 


Đá nổi còn sót lại được chất ở sân miếu. Ảnh: Báo An Giang

 
Theo lời kể của bà con trong vùng, đá ở đây tuy là của tự nhiên nhưng không phải cứ muốn mang về là mang về được. Đã từng có nhiều người gặp tai ương phải mang đá trả về vị trí cũ.

Theo ông Văng Công Trạc, người hiện quản lý miếu Đá Nổi cho biết: “Ngày trước, ở đồng này nổi lên nhiều đá lắm. Có ông kia tới đây lấy đá về, không lâu sau, ông đó được người thân dìu đến miếu khấn vái trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Khi thân nhân đặt đá lại chỗ đã lấy trước đây. Vừa quay lưng đi, ai cũng ngạc nhiên vì ông này đã đi đứng được bình thường như chưa hề bị gì”.

Trong một câu chuyện khác, có hai vợ chồng nông dân đến đồng này lấy tảng đá to về kê lu nước. Tuy nhiên, tảng đá này lại quá nặng nên vợ chồng người này phải dùng đến sức của ba con trâu mới có thể kéo về được.

Về nhà, người chồng đang khỏe mạnh bỗng dưng đổ bệnh trầm trọng, chạy chữa nhiều nơi không khỏi. Nhớ ngay tới tảng đá lạ, người vợ liền tìm trâu kéo đá trả lại chỗ cũ, vài ngày sau người chồng thật sự khỏi bệnh.

Từ những câu chuyện ly kỳ trên, dân địa phương truyền nhau nghiêm cấm trẻ em, thanh niên trong vùng không được mạo phạm, không được ngồi lên đá, không ai dám tự tiện lấy đá từ đồng về nhà. Khi canh tác, người dân vấp phải đá cũng chỉ dám nhặt đá lên, đem về xếp trước sân, trong khuôn viên miếu Đá Nổi.

Tương tự đá nổi, theo lời dân bản địa, cánh đồng đá nổi lúc xưa ngoài đá còn xen rất nhiều vàng. Điều này đã thu hút nhiều kẻ “săn vàng” tìm đến. “Số phận một số người tham gia cuộc đào vàng năm xưa (còn ở địa phương), nay cuộc sống không khá giả mà còn lâm cảnh nghèo túng” - ông Trạc chùn giọng.

 


Người dân thờ cúng nhiều phiến đá trên đồng đá nổi ngày ấy. Ảnh: Báo An Giang

Giờ đây, ở vị trí cánh đồng khi xưa, không còn ai đào được vàng hay còn nhìn thấy những phiến đá nổi lên từ mặt đất mà người ta chỉ có thể nhìn thấy một cánh đồng bát ngát. Dù vậy, những câu chuyện huyền bí trên đồng đá nổi vẫn còn được lan truyền.

Miếu đá nổi sau đó cũng trở thành điểm đến tâm linh được nhiều người tín ngưỡng truyền tai nhau. Mỗi ngày, miếu đều được nhang khói đầy đủ. Khách thập phương tìm đến để mong cầu bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu...

Đến nay, miếu Đá Nổi đã được nâng cấp đàng hoàng bằng tường vách vững chắc. Năm 2017, miếu Đá Nổi được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là Di tích khảo cổ cấp tỉnh.

 
Thùy Anh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-an-giang-nghe-giai-thoai-ve-dong-da-noi-a16116.html