Bức tranh quê…
Từ những năm cuối thập niên 90, nhiều nghệ sĩ ở TP.HCM đã quây quần về khu Giồng Ông Tố (phường Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP HCM) như về “cõi riêng” để tìm cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra thế giới đa sắc màu như bức tranh làng quê Việt Nam thu nhỏ. Những ngôi nhà trong làng nghệ nhân Hàm Long được xây dựng với quy ước các nhà liền kề thông nhau bằng những bờ giậu có cửa, tạo nên một không gian vừa gần gũi nhưng cũng vừa thể hiện sự tôn trọng riêng tư của nhau. Ngôi làng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Ở đó, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những khu nhà vườn Huế, nhà sàn của người Mường, nhà cổ Nam bộ… Mỗi công trình là một quần thể kiến trúc nghệ thuật được bàn tay của gia chủ khéo léo tổ chức, bài trí vô cùng sinh động và tinh tế, tạo thành như một bức tranh mang đậm hồn quê thanh bình…
Bức tranh quê ấy được tô điểm bởi những công trình kiến trúc mang nhiều màu sắc khác nhau. Nếu như nhà của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương được xây dựng theo kiểu nhà vườn Huế thâm trầm, kín đáo mang dáng dấp cung đình, thì nhà của họa sĩ Lý Khắc Nhu lại mang dáng vẻ bình yên, dân dã với những mái lá đơn sơ. Cùng với đó là những nét chấm phá độc đáo mà các nghệ nhân đã dày công trong việc bài trí những tác phẩm nghệ thuật và tiểu cảnh, như: tranh, tượng, đồ gốm, hồ nước, non bộ, vườn hoa kiểng, vườn cây ăn trái… tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thu nhỏ của làng quê Việt Nam.
Một điểm đến
Khu đất này ngày trước là một vùng hoang sơ, đường đi chưa có. Cách đây hơn 10 năm, nhiều nghệ sĩ đã nhận thấy đây là một vị thế thuận lợi cho việc sáng tạo nghệ thuật bởi sự yên tĩnh, mát mẻ, khí hậu trong lành của bờ sông Sài Gòn thơ mộng…nên đã tập hợp về đây cất công xây dựng, tạo dựng cho mình không gian sáng tác. Đến nay đã hình thành một làng nghệ sĩ của giới làm mỹ thuật.Từ cuối năm 2010, làng Hàm Long bắt đầu đưa vào khai thác đón khách thưởng lãm, tham quan.
Bên cạnh nét độc đáo của một ngôi làng mang đậm lối kiến trúc truyền thống của người Việt, làng Hàm Long thu hút khách du lịch bởi nó còn nằm nép mình bên bờ sông Sài Gòn lộng gió. Vừa chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo lại tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của những làn gió từ sông thổi về, chúng ta như quên đi những bộn bề lo toan của cuộc sống xô bồ. Có lẽ không một nơi nào hội tụ đủ những nét kiến trúc mang đậm hồn Việt như những ngôi nhà ở làng nghệ nhân Hàm Long. Làng quê giữa đô thành đã từng là ước vọng của những con người lưu giữ hồn Việt khai sáng nó. Hiện thực khi nó trở thành, đã làm say đắm chính những người đã tạo ra nó qua những tác phẩm hội họa, điêu khắc có chiều sâu hơn, trau chuốt hơn. Hơn thế nữa, nó đã không còn là ngôi nhà riêng của giới nghệ thuật Sài thành, mà còn là nơi tìm đến của những người yêu nghệ thuật, yêu thiên nhiên, của du khách thập phương bởi sức hấp dẫn làm mê hoặc lòng người.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của những người nghệ nhân, đã biến nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn, một chốn yên bình cho du khách nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng cảm nhận các giá trị nghệ thuật thực thụ. Làng nghệ sĩ sẽ là một điểm đến hấp dẫn trong sản phẩm du lịch đường sông của TP. HCM.
Theo Báo Du Lịch
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-nghe-nhan-a161.html