Vĩnh Thông - 70 năm bản hùng ca bất hủ

“Bao phen quạ nói với diều, Vĩnh Thông-cầu sắt có nhiều xác Tây...” là câu hát quen thuộc trong ca khúc “Vĩnh Thông bất diệt” của nhạc sĩ Hiếu Nam khi nhắc đến chiến công vang dội của trận cầu sắt Vĩnh Thông (lấy lời thơ của đồng chí Nguyễn Văn Sa, Chính ủy Liên trung đoàn 126-128). 70 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng từ chiến thắng ấy vẫn mãi lưu truyền.

Từ chiến thắng oai hùng năm xưa…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cầu sắt Vĩnh Thông là một trong những vị trí chiến lược, là đoạn đường quan trọng phục vụ cho hoạt động quân sự từ Châu Đốc vào núi Dài. Trên đoạn đường 2,2km từ Lạc Quới vào núi Tượng - Ba Chúc (cầu sắt Vĩnh Thông nằm cách núi Tượng 1km), địch cho sửa cao hơn mặt ruộng 2m, được làm vững chắc, mặt đường trải đá. Để thực hiện âm mưu phong tỏa biên giới, thực dân Pháp đã đưa 1 tiểu đoàn lính Âu Phi vào đây. Tại ngã ba Lạc Quới, địch xây dựng 1 đồn kiên cố có trận địa pháo 105 ly yểm trợ. Mỗi ngày đều có 1 trung đội lính Âu Phi hành quân vào khu vực cầu sắt Vĩnh Thông, ngày đêm xây lô cốt nhằm làm bàn đạp tấn công vào núi Tượng.

Lúc này, Đại đội 2006, 2005 (thuộc Liên Trung đoàn 126-128) đóng tại núi Tượng và Lê Trì, trang bị khá thô sơ. Tuy nhiên, nhờ nắm được quy luật hoạt động của địch, lực lượng ta đã chuẩn bị kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ, trong đêm bí mật đào công sự dưới chân lộ, ngụy trang kín đáo, tạo thế tiến công bất ngờ đánh tiêu diệt địch. Ngày 3-6-1949, khi địch cho 1 tiểu đội đi giữa, 2 tiểu đội đi 2 bên vào cầu sắt Vĩnh Thông, Ban Chỉ huy (BCH) đã lệnh cho khẩu đại liên nổ súng khiến địch trở tay không kịp, hỗn loạn tháo chạy sang 2 bên mé lộ để tránh đạn. Bất ngờ, lực lượng phục kích 2 bên chân lộ “đội mồ” xông lên, giáng đòn áp đảo vào quân địch đang nhốn nháo. Chỉ trong vòng 10 phút, bộ đội đã diệt gọn trung đội lính Âu Phi.

Điên tiết do mất trắng 1 trung đội, 2 ngày sau, địch đưa 1 đại đội vào đóng dài theo lộ, tiến hành đào công sự, xây lô cốt và ăn ngủ tại chỗ. Trong trận phục kích lần 2, BCH điều 3 trung đội của Đại đội 2006, 1 trung đội của Đại đội 2005, 1 tiểu đội hỏa lực của e.304 tham gia tác chiến. Đêm 7-6-1949, bộ đội bí mật hành quân từ núi Tượng ra chiếm lĩnh ở các hướng Tây Bắc và hướng Đông. Khi còn cách cầu sắt Vĩnh Thông 50m, khẩu đại liên được lệnh nổ súng. Trong khi quân địch tập trung đối phó ở hướng cầu sắt, quân ta bất ngờ xông lên tiêu diệt địch từ trên lộ chạy xuống và đánh chiếm từng công sự. Chỉ trong vòng 1 giờ, bộ đội tiêu diệt gọn một đại đội địch.

Hôm sau, địch lại đưa 1 đại đội vào lấy xác và ngoan cố chiếm đóng ở vị trí cũ. Kiên quyết không để địch củng cố lại công sự và đóng lại đồn, BCH Đại đội 2006 và 2005 chuẩn bị kế hoạch chu đáo với quyết tâm “tiêu diệt tận gốc quân địch”. Đêm ngày 9, rạng sáng 10-6-1949, bộ đội hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đến nửa đêm, khi được lệnh nổ súng, quân ta tấn công từ nhiều hướng khiến địch bị dồn gom lại, cuống cuồng chạy trên lộ. Từ phía sau, quân ta tấn công, dồn địch về cầu sắt - nơi bộ đội dàn trận chờ sẵn, tiêu diệt nhanh gọn quân địch.

Kết quả qua 7 ngày đánh thắng 3 trận liên tục, ta tiêu diệt gần 300 tên lính Âu Phi, bắt sống 7 tên, thu 213 súng các loại, bẻ gãy âm mưu của địch lấn chiếm vùng Bảy Núi và khóa cửa giao thông qua lại biên giới, giữ vững vùng giải phóng. Chiến thắng vang dội ở cầu sắt Vĩnh Thông đã làm nức lòng quân dân An Giang, củng cố niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

 

Hình ảnh oai hùng trên bia chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông

…đến nghĩa cử hôm nay

Nhằm ghi dấu chiến công oai hùng của quân dân An Giang, năm 2003, công trình bia chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông đã được xây dựng ngay vị trí cầu sắt năm xưa. Bức tượng những tên lính Âu Phi gục ngã dưới chân những chiến sĩ cách mạng như lời nhắc nhở thế hệ mai sau phải luôn nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng với công lao của cha ông đi trước.

Ngày 10-6 tới sẽ tròn 70 năm kỷ niệm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông. Nhận thấy công trình bia chiến thắng có phần xuống cấp, vị trí tưởng niệm nhỏ hẹp không xứng tầm với chiến công hào hùng khi xưa, lãnh đạo huyện Tri Tôn đã chủ trương vận động xã hội hóa thực hiện công trình nâng cấp bia chiến thắng tại ấp Vĩnh Hòa (xã Lạc Quới). Chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp trên 800 triệu đồng để triển khai công trình với diện tích 285,6m2. Bia chiến thắng được làm mới, cùng với đó là công viên rộng rãi, cây cảnh xanh tươi. Công ty TNHH MTV Gia Vĩ Hòa (Tri Tôn) hoàn thành thiết kế và xây dựng chỉ trong 1 tháng, kịp đưa vào phục vụ trước lễ kỷ niệm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông.

Dự kiến, lễ kỷ niệm năm nay sẽ được tổ chức trang trọng, vừa là dịp ôn lại chiến công hào hùng năm xưa, vừa là cơ hội giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và người dân vùng biên giới hôm nay. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, vào ngày lễ kỷ niệm (ngày 10-6-2019), có trên 200 đại biểu cấp tỉnh, ban, ngành cấp huyện, lãnh đạo các huyện lân cận và 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn được mời tham dự. Theo chương trình, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện sẽ tiến hành dâng hương tại bia chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông (đoạn Tỉnh lộ 955B Ba Chúc - Lạc Quới), cùng ôn lại lịch sử oai hùng của trận cầu sắt Vĩnh Thông cách nay 70 năm, gắn với chào mừng hoàn thành công trình nâng cấp bia chiến thắng…

Huyện Tri Tôn đang cho phục chế lại chiếc cầu sắt Vĩnh Thông năm xưa để làm chứng tích lịch sử, trưng bày tại bia chiến thắng. Đó như là lời tri ân và nhắc nhở về bản hùng ca bất hủ của chiến công 7 ngày đêm (từ ngày 3 đến 10-6-1949).

 
Ngô Chuẩn
Theo An Giang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-thong-70-nam-ban-hung-ca-bat-hu-a16029.html