Chợ chỉ là những gánh hàng rau củ, trái cây cùng một số ít thịt, cá, nông sản quanh núi… phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của người dân trên núi Cấm. Ảnh: An Giang
Lúc đầu, chợ chỉ có vài ba người bán mấy loại rau củ, lâu dần nhóm họp thành tụ điểm để trao đổi hàng hóa gần chùa Phật Lớn, cách chân núi khoảng 2 giờ leo núi. Đến khi công trình tượng Phật Di Lặc hoàn thành vào năm 2006, nhà cửa đông đúc hơn, nơi đây mới thật sự trở thành chợ. Chợ nhóm ngay trên mặt đường, cạnh bờ hồ Thủy Liêm, phía trước là chùa Vạn Linh và một dãy núi hùng vĩ.
Hiện chợ có trên 50 bạn hàng, bán đủ các loại từ gạo, muối, thịt, cá, khô, mắm cho đến trái cây, rau củ, đồ điện máy… Mỗi người một ít, mang đến rồi bày ra, thuận mua vừa bán, không tranh giành, cãi cọ như những nơi khác. Bà con nông dân sống trên đỉnh núi thỉnh thoảng cũng mang sản vật ra chợ bán, phổ biến nhất là măng tre, trái cây, rau rừng và các loại đồ rẫy...
Một mặt hàng đặc trưng, được xem như là đặc sản của núi Cấm, ấy là thuốc núi. Thuốc núi ở Thiên Cấm Sơn được bày bán trong những gian hàng dọc theo con đường bộ từ dưới chân lên đỉnh.
Bạn sẽ gặp các loại dược liệu thường ở dạng thô, mới qua sơ chế như: tắc kè bay, rắn núi, bò cạp lửa, bửa củi, bao tử nhím khô... Thảo dược rất nhiều, có đến hàng mấy chục loại. Thông dụng nhưng khá quý hiếm như: thần thông, hà thủ ô, huyết rồng, cốt toái, linh chi, ngũ triều, kỳ hương, quế quan, thiên niên kiện, mỏ quạ, mật ong rừng... Giá cả các loại dược liệu này cũng rất bình dân, giống như mua củi ở tại rừng vậy!
Mua chừng 50.000 đồng coi chừng xách không hết! Một vài gian hàng có những chiêu tiếp thị gây tò mò cho khách. Họ trưng bày một vài bộ phận của thú rừng như sừng, gạc, xác rắn ngâm rượu, bàn tay gấu, bàn chân tượng (voi), lông nhím, da trúc (tê tê).
Khách hiếu kỳ ghé lại xem khá đông, bình phẩm này nọ và có một vài người cũng mua được những món thuốc “quý” theo lời quảng cáo của các vị “lang” núi. Không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc vậy. Đi núi cũng phải đem về nhà cái gì có “hơi” núi mới đúng điệu!
Hỏi những người già trên núi Cấm, không một ai nhớ chính xác chợ Mây núi Cấm ra đời từ lúc nào, cũng không ai biết vì sao lại có một ngôi chợ ra đời trên đỉnh núi thiêng này.
Họ chỉ biết từ thời cha ông họ, do nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dưới đồng bằng và người trên núi nên chợ Mây núi Cấm mới ra đời.
Thùy Anh (Tổng hợp)