Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các lễ hội

Lễ hội là sinh hoạt văn hoá quan trọng trong đời sống xã hội và là một trong những yếu tố nền tảng làm nên bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc được truyền nối và phát triển từ đời này qua đời khác.

Theo số liệu thống,kê ở nước ta hiện nay có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ trong đó có trên 80 % là các lễ hội dân gian. Các lễ hội tập trung nhiều nhất vào mùa Xuân- Mùa của lễ hội.

Đa dạng các hoạt động lễ hộ

Thực hiện quan điểm “để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”, từ năm 2011 đến nay đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền của Tổ quốc đã hội tụ về “Ngôi nhà chung” tổ chức nhiều hoạt động văn hoá phong phú, hấp dẫn. Giới thiệu với nhân dân thủ đô và du khách những nét hay, độc đáo của các phong tục tập quán vui xuân đón Tết của các dân tộc. Đồng bào các dân tộc đã phục dựng trên 60 lễ hội dân gian đặc sắc: Lễ dựng cây nêu, lễ hội Lồng Tồng của các dân tộc miền núi phía Bắc, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Xên bản- Xên Mường của dân tộc Thái, Lễ hội mừng Năm mới của tộc người Xê Đăng, Lễ mừng về làng mới của người Brâu, Lễ mừng về nhà Rông của người Ba Na và người Giẻ Triêng, Lễ cưới của người Khmer, Lễ nhẩy lửa và lễ cưới của người Dao, Lễ hội Aza Koonh của dân tộc Tà Ôi, Hội đấu vật, Lễ chúc phúc cầu an, mừng Năm mới tại chùa Khmer và chùa Pháp Ấn, Trưng bầy triển lãm ảnh với chủ đề “Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung”... các lễ hội tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn giữ được những nét truyền thống riêng có của các dân tộc.

 


Múa sạp thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc trong các lễ hội.

Từ năm 2013, những nét đẹp văn hoá, những lễ hội độc đáo đặc sắc của các dân tộc được hội tụ trong Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền của Tổ quốc” tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đó là những hoạt động lễ hội khai xuân, cầu mùa, cầu an, cầu mong cho một năm mới tốt đẹp... Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền của Tổ quốc” là hoạt động văn hoá thường niên có ý nghĩa và là nơi để các giá trị văn hoá tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được tôn vinh, khoe sắc, toả hương, quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Đây cũng là dịp để cộng đồng 54 dân tộc anh em và kiều bào ta ở nước ngoài về thăm quê hương nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc được hội tụ dưới “Mái nhà chung”, cùng nhau nối vòng tay đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống.

Lễ hội văn hoá dân gian thường có hai phần: Lễ và hội. Để phát huy hiệu quả các lễ hội trong cuộc sống đương đại cần coi trọng tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội. Ở phần lễ gồm các lễ nghi để con người biểu hiện niềm tin, lòng biết ơn đối với tổ tiên, trời đất, thần linh… dưới các hình thức như khấn, hiến sinh. Khấn cho mưa thuận gió hoà mùa màng tươi tốt, cầu mong sức khoẻ, hạnh phúc an lành. Phần lễ cần thực hiện theo tập tục và luật lệ của lễ hội, tổ chức trang trọng, giữ được không gian thiêng thì tính thiêng của nghi lễ càng tăng. Ở phần hội là biểu hiện tình cảm của người tham gia lễ hội thông qua sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật trình diễn, ứng xử, ẩm thực… Thời gian diễn ra các lễ hội có khác nhau tuỳ thuộc nội dung, điều kiện và quy mô của mỗi lễ hội.

 

Các lễ hội dân gian có giá trị nhân văn, ý nghĩa lịch sử văn hoá và góp phần bảo tồn phát huy di sản văn hoá phi vật thể của 54 dân tộc anh em. Do sự phát triển kinh tế xã hội và giao lưu hội nhập quốc tế, cuộc sống của đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi, môi trường để diễn ra các lễ hội dân gian cũng thay đổi không còn như trước đây. Dẫn đến các truyền thống văn hoá nuôi giữ bản sắc dân tộc có chiều hướng mai một dần, việc gìn giữ bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá có nhiều khó khăn. Việc tổ chức phần lễ long trọng và tổ chức phần hội đảm bảo sinh động không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh và nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ văn hoá và sáng tạo văn hoá. Đồng thời giáo dục lòng tự hào dân tộc để cho họ thêm yêu quý hơn văn hoá dân tộc, văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Từ đó tạo động lực thúc đẩy người dân có nhiều đóng góp vào việc gìn giữ, bảo tồn phát triển văn hoá dân tộc.
 


Kéo co thu hút nhiều người tham gia trong các lễ hội.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá về lễ hội không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, giá trị to lớn của lễ hội, nhất là các lễ hội lịch sử, lễ hội truyền thống đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Góp phần tổ chức lễ hội an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế những biến tướng, hiện tượng mê tín dị đoan, loại bỏ dần các yếu tố lỗi thời, hủ tục lạc hậu trong tổ chức lễ hội. Phát huy những nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, tạo hoạt động vui chơi lành mạnh cho du khách và niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Sau ngày khai trương, “Mở cổng Làng’’ (19/9/2010) đến nay, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã trở thành nơi hội tụ và lan toả văn hoá dân tộc. Hàng năm cứ đến độ xuân về, tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam lại tưng bừng tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống Mừng Đảng, Mừng Xuân, đón tết cổ truyền của dân tộc góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hoá dân gian, văn hoá dân tộc, bản sắc dân tộc và là một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn phục vụ du khách.

Phú Thọ
Theo langvietonline.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-voi-cac-le-hoi-a15950.html