Chuyện những Bảo vật Quốc gia trên đất Thanh Hóa

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 164 hiện vật - nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Trong đó, có 10 Bảo vật Quốc gia được phát hiện tại Thanh Hóa. Và, với 7 bảo vật đang được lưu giữ, trưng bày trên địa bàn tỉnh thì Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh sở hữu tới 4 hiện vật. Mỗi Bảo vật Quốc gia, ngoài giá trị di sản văn hóa, lịch sử còn chứa đựng những câu chuyện, truyền thuyết... Tìm hiểu về những bảo vật, lòng lại thêm tự hào về vùng đất và con người xứ Thanh.

Từ những hiện vật “nghìn tuổi”

Nhiều thế hệ lãnh đạo của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến nay vẫn chưa thể  quên câu chuyện về việc sưu tầm Bảo vật Quốc gia “Trống đồng Cẩm Giang”. Đó là vào thời điểm năm 1992, ông Bùi Đức Tậu ở thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) trong một lần làm vườn đã tình cờ phát hiện chiếc trống đồng cổ với trọng lượng 60 kg. Sự việc sau khi lan truyền đã gây xôn xao trong giới buôn đồ cổ trong và ngoài tỉnh lúc bấy giờ. Bởi lẽ, chiếc trống đồng được xác định là hiện vật gốc thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm. Và cũng là bởi, vào thời điểm ấy, chiếc trống không chỉ đẹp mà còn “nổi tiếng” với những tiêu chí độc bản: đường kính trống rộng 73 cm; cao 41,9 cm. Cùng với những hoa văn trang trí tinh xảo hình trám lồng; chim hạc bay cách điệu; hình người hóa trang lông chim cách điệu... thì mặt trống còn gây sự chú ý với 4 khối tượng vịt trang trí quay ngược chiều kim đồng hồ. Bà Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người trực tiếp đi sưu tầm trống đồng Cẩm Giang xác nhận: Chính 4 khối tượng vịt trang trí (thông thường các mặt trống đồng cổ được trang trí tượng cóc) trên mặt trống làm nên sự “độc bản” của hiện vật. Từ xa xưa, trâu và vịt được xem là hai con vật gần gũi với đời sống của cư dân lúa nước Việt Nam. Khối tượng vịt trang trí trên mặt trống được xem là biểu tượng minh chứng cho nền văn hóa Đông Sơn. Với việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Bảo vật Quốc gia: hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ của thời kỳ văn hóa Đông Sơn thì trống đồng Cẩm Giang còn củng cố nhận định người Việt cổ xưa nói chung và người dân xứ Thanh xưa kia nói riêng là chủ nhân sáng tạo nên trống đồng.

Cũng theo những cán bộ công tác tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ thì việc sưu tầm hiện vật trống đồng Cẩm Giang giống như một “cơ duyên” đặc biệt. Bởi, thời điểm đó, ngoài Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thì rất nhiều cá nhân trong giới buôn đồ cổ cũng dành sự quan tâm đến hiện vật. Và nếu so với cái giá mà họ bỏ ra để trả cho gia đình người dân đã tìm thấy trống đồng Cẩm Giang thì số tiền thưởng “1 triệu” theo quy định của UBND tỉnh khi ấy quả thực là chênh lệch quá lớn. Vì thế, lúc đầu gia đình ông Tậu đã nhất quyết từ chối giao hiện vật cho Bảo tàng. Nếu khi đó, người dân vì cái lợi trước mặt và trống đồng Cẩm Giang thuộc về một cá nhân buôn đồ cổ nào đó thì có lẽ đến bây giờ hiện vật đã có một số phận khác và các thế hệ người dân xứ Thanh khi đến Bảo tàng đâu thể ngắm nhìn Bảo vật Quốc gia trống đồng Cẩm Giang.

Năm 1961, dưới chân núi Nưa thuộc địa bàn xã Tân Ninh (Triệu Sơn) người ta đã phát hiện ra chiếc kiếm ngắn (về sau gọi là kiếm ngắn núi Nưa) với hình dáng và thiết kế trang trí đặc biệt cầu kì, tinh xảo. Hiện vật được tìm thấy tại nơi mà Bà Triệu và người anh trai Triệu Quốc Đạt hơn 1700 năm trước đã chiêu mộ binh sĩ, luyện tập võ nghệ dấy binh khởi nghĩa chống giặc Đông Ngô xâm lược. Chính vì vậy, dân gian còn đặt ra giả thuyết về mối liên hệ giữa thanh kiếm với cuộc khởi nghĩa, rằng đây chính là thanh kiếm lệnh của Bà Triệu. Đến bây giờ, giả thuyết vẫn chưa có kết luận chính xác cuối cùng. Tuy nhiên, giá trị của hiện vật “kiếm ngắn núi Nưa” thì đã được khẳng định.



Bảo vật Quốc gia Kiếm ngắn núi Nưa được phát hiện năm 1961 dưới chân núi Nưa - nơi Bà Triệu và anh trai Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa chống giặc Đông Ngô xâm lược.

Kiếm ngắn núi Nưa được chế tác bằng đồng với trọng lượng 0,62 kg được chế tác theo hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Điểm nổi bật đặc biệt riêng có của kiếm ngắn núi Nưa chính là hình khắc họa người phụ nữ đứng thẳng trên cán kiếm. Hình ảnh người phụ nữ được khắc họa với vẻ đẹp hình thể và sức mạnh đầy quyền uy: Mặt trái xoan; chân mày dài, cong; mũi thẳng, mắt sáng; trang phục trên người bận đồ trang sức... Hình ảnh khắc họa trên cán kiếm góp phần khẳng định sự phổ biến của chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và trong những năm đầu thế kỷ thứ ba sau công nguyên. Với chế độ mẫu hệ thì vai trò của người phụ nữ trong xã hội được thực sự đề cao (khác với xã hội phong kiến ảnh hưởng bởi học thuyết nho giáo Trung Quốc về sau). Với những đặc điểm nổi bật của hiện vật, nhiều nhà nghiên cứu và giới chuyên môn đã cùng chung nhận định: Đây là kiếm ngắn đẹp nhất, độc đáo nhất trong số kiếm ngắn có khối tượng người cổ được tìm thấy ở Việt Nam.

Lại nói về hình ảnh người phụ nữ được khắc họa trên cán kiếm: khuôn mặt trái xoan, cằm nhô, đầu tượng vấn khăn hình chóp giống búp sen, bụng và eo thắt dải rộng như cạp váy, áo xẻ ngực không cài khuy để lộ dải yếm bên trong khoe vẻ đẹp hình thể, phục trang lộng lẫy với những hoa văn trang trí cầu kì mang đặc trưng của thời kỳ văn hóa Đông Sơn hơn khoảng 2.000 năm về trước. Và kiểu mặc áo yếm này, đến ngày nay vẫn thường phổ biến trang phục truyền thống của phụ nữ Mường.

Dù đến nay, chưa có khẳng định khoa học chắc chắn về nguồn gốc cũng như chủ sở hữu của hiện vật kiếm ngắn núi Nưa xưa kia. Song, dựa trên đặc trưng thẩm mỹ, chạm khắc và niên đại cũng như vị trí tìm thấy bảo vật, hậu thế hôm nay tin rằng thực sự có mối liên hệ giữa kiếm ngắn núi với hình tượng Bà Triệu. Đó có thể là thanh kiếm lệnh được tạo ra để dành riêng cho vị nữ thủ lĩnh đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vang danh cả dãy Ngàn Nưa và vùng đất Cửu Chân lúc bấy giờ.

Kiếm ngắn núi Nưa sau khi được phát hiện với những đặc điểm nổi bật, riêng có cùng những giá trị niên đại, lịch sử được xác định đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của người làm chuyên môn. Và hiện vật sau đó, đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, dừng chân trong khu vực trưng bày hiện vật thời tiền sử, ngắm nhìn bảo vật, ta như mường tượng ra trước mắt hình tượng vị nữ anh hùng đã làm nên dấu mốc lịch sử của vùng đất xứ Thanh hơn 1700 năm về trước.

Đến “bằng chứng” của một vương triều thịnh trị

Vương triều Hậu Lê thịnh trị và kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà với 360 năm tồn tại đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của quốc gia Đại Việt. Sự tồn, vong của mỗi vương triều đều có “lý lẽ” của lịch sử và cũng là sự phù hợp với quy luật vận động của tạo hóa, đất trời, con người dù muốn hay không thì cũng chỉ có thể chấp nhận. Hậu thế không thể thay đổi, làm mới lịch sử. Nhưng, hậu thế xưa, nay vẫn học cách hiểu và trân trọng lịch sử.

Sau 10 năm nếm mật nằm gai, gian khổ khôn cùng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi cùng sự đồng lòng của nghĩa quân cuối cùng cũng đi đến thắng lợi, giành lại giang sơn gấm vóc tiên tổ, lập ra vương triều Hậu Lê, định đô ở Thăng Long. Tuy nhiên, cùng với đó, một Lam Kinh trên đất Thanh Hóa cũng song hành được xựng xây, là nơi để các vua Lê bái yết, tri ân tiên tổ. Đồng thời, đây cũng là khu vực tâm linh được các triều vua thời Lê Sơ lựa chọn làm chốn nghỉ ngơi sau cùng.

 


Bảo vật Quốc gia Nhà bia Vĩnh Lăng (bia Vĩnh Lăng) được ví như bản “hùng ca” trên đá khắc ghi thân thế, cuộc đời binh nghiệp của đức vua Lê Thái Tổ và khởi nghĩa Lam Sơn.

Trải qua thời gian, thăng trầm, biến thiên của lịch sử, khu di tích Lam Kinh ít nhiều không còn vẹn nguyên hình hài ban đầu. Tuy nhiên, không rõ là trùng hợp ngẫu nhiên hay “ý đồ” của tạo hóa mà hệ thống bia đá gắn liền với thân thế, cuộc đời trị vì, ân đức của các vua và hậu thời Lê Sơn gần như vẫn còn nguyên vẹn. Đến hôm nay, trong số 7 bảo vật quốc gia lưu giữ trên đất Thanh Hóa thì Lam Kinh chiếm 4 bảo vật. Và đó đều văn bia độc bản: Bia Vĩnh Lăng - Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi; Bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng; Bia Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi - Bia vua Lê Thánh Tông; và Bia Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi - Bia vua Lê Hiến Tông. Tất cả các bảo vật Quốc gia được công nhận tại Khu di tích Lam Kinh đều là bia đá nguyên khối được đặt trên lưng rùa - một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với các tấm bia trong thời kỳ phong kiến.

Với 6 năm trị vì, đức vua Lê Thái Tổ băng hà đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng quần thần và quân dân Đại Việt. Sau khi mất, nhà vua đã được an táng tại Sơn lăng ở Lam Kinh. Cách lăng mộ vua khoảng 300m là Vĩnh Lăng Bia - Bảo vật Quốc gia đầu tiên ở Lam Kinh được công nhận. Nội dung trên Bia Vĩnh Lăng do khai quốc công thần Nguyễn Trãi soạn và Hàn Lâm Viện Đãi chế thần Vũ Văn Phỉ khắc chữ, dựng bia năm 1433. Trải qua gần 600 năm, Vĩnh Lăng Bia vẫn được xem là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu. Theo đó, bia và rùa đá được làm bằng đá trầm tích nguyên khối màu xám xanh lẫn đốm trắng. Trên hiện vật trang trí chạm khắc hình ảnh linh vật rồng; hoa văn cúc dây mềm mại... Bên cạnh giá trị nghệ thuật về mặt kiến trúc, điêu khắc thì nội dung trên Bia Vĩnh Lăng còn là bản anh hùng ca trên đá. 750 chữ Hán viết theo lối chữ Chân với tài hùng văn của văn thần Nguyễn Trãi đã tóm tắt đầy đủ về gia tộc, thân thế, ngày sinh, mất của đức vua Lê Thái Tổ. Cùng với đó còn có những sự kiện quan trọng trong diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến khi đất nước khải hoàn dưới thời vua Lê Thái Tổ. Vì vậy, Bia Vĩnh Lăng được đánh giá như một tài liệu sử quý giá, căn cứ phục vụ cho việc tìm hiểu và nghiên cứu của hậu thế hôm nay.

Nếu đức vua Lê Thái Tổ là người sáng lập ra vương triều Hậu Lê thì vua Lê Thánh Tông lại được lịch sử lưu danh bởi tài năng và đức độ xuất chúng, trở thành một minh quân với văn võ toàn tài, tên tuổi và sự nghiệp của ông thậm chí còn trở thành niềm cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật cho hậu thế về sau. Chiêu Lăng Bi giống như một tài liệu sử để hậu thế tìm hiểu và tỏ lòng ngưỡng vọng về vị vua sáng. Và, con trưởng của vua Lê Thánh Tông - vua Lê Hiến Tông lại lấy sự nhân đức, hiền từ để trị vì. Bia Dụ Lăng được xem như một tư liệu thành văn vô giá ghi lại trọn vẹn cuộc đời của bậc vua hiền. Cùng với đó, Dụ Lăng Bia còn độc đáo với những giá trị về kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật.

Được xem là người có tầm ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách và tài năng của đức vua Lê Thánh Tông, Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao lưu danh sử sách như một bậc mẫu nghi. Bà cũng là điển hình cho mẫu phụ nữ thời trước với công, dung, ngôn, hạnh hiếm có. Chính vì vậy, sau khi mất, bà đã được an táng tại Sơn Lăng và dựng bia Khôn Nguyên Chí Đức làm gương cho hậu thế muôn đời.

Với đầy đủ tiêu chí: là hiện vật gốc độc bản; hình thức độc đáo; có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, và cũng là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu... 7 Bảo vật Quốc gia hiện đang lưu giữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là tài sản vô giá mà cha ông đi trước đã dày công sáng tạo để lại cho hậu thế hôm nay. Đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ cẩn trọng cho muôn đời sau.

Thu Trang
Theo vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-nhung-bao-vat-quoc-gia-tren-dat-thanh-hoa-a15941.html