“Vịnh Hạ Long” ở phương Nam

Nếu như ở miền Bắc có Vịnh Hạ Long xinh đẹp, say đắm và quyến rũ du khách, thì ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) lại sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, biển xanh, bờ cát trắng lãng mạn… được người dân ưu ái và ví như “Vịnh Hạ Long” của vùng đất phương Nam.

Hạ Long giữa đất trời phương Nam

Không ồn ào và nổi tiếng như đảo Phú Quốc, Nam Du, quần đảo gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống với hai đơn vị hành chính là xã An Sơn và xã Nam Du, với tổng diện tích 10km2.

Mặc dù quần đảo Nam Du cách trung tâm Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) hơn 80km, tuy nhiên quần đảo này vẫn có cho mình những nét đẹp riêng, mộc mạc, yêu kiều, ma mị và đầy quyến rũ.

Đặt chân đến quần đảo Nam Du, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó chính là dừa, ở đây, những rặng dừa xanh được trồng chạy rất nhiều theo dọc bờ biển, rồi ẩn mình dưới làn nước trong vắt như gương soi và trải dài trên những bãi cát êm ả, trắng mịn…

Ông Huỳnh Hua, một trong những cư dân đầu tiên ra sinh sống ở xã đảo Nam Du chia sẻ, Nam Du ngoài việc sở hữu nhiều loại hải sản ngon, phong phú, thì còn sở hữu nhiều điểm du lịch rất đẹp và hoang sơ.

Trong đó, những rặng dừa xanh nghiêng mình hướng ra biển, đã góp phần tạo nên sự yêu kiều cho các bờ biển ở nơi đây và cũng giúp người dân bớt nhớ về đất liền xa xôi.

 


Quần đảo Nam Du được ví như “Vịnh Hạ Long” của phương Nam.

Nhờ vẻ đẹp hoang sơ còn được giữ vẹn nguyên, những năm gần đây Nam Du thu hút rất đông du khách. Khu vực dịch vụ phục vụ du khách chủ yếu tập trung ở bến cảng.

Khách đến lưu trú, sau khi tìm được chỗ nghỉ, có thể thuê xe máy đi vòng quanh đảo, hoặc dong thuyền ra biển để đến các bãi tắm đẹp, câu mực, lặn ngắm san hô hay ngồi ngắm cảnh đất trời dưới những hàng dừa lung linh soi bóng biển khơi.

Ở các bãi tắm đẹp, du khách đến đây có thể phiêu bồng thả trôi mình, nhắm mắt lại giữ đều nhịp thở, hít không khí trong lành trong vòng tay vỗ về của những cơn sóng hiền hòa, rũ sạch mọi căng thẳng, mệt mỏi của bao phiền muộn từ cuộc sống…

Chia sẻ về những điểm nổi bật ở quần đảo Nam Du, ông Trần Hải Đăng, cán bộ văn hóa xã An Sơn cho biết, Nam Du là quần đảo có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi được ví như là vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân ở đây tương đối phát triển, cơ sở vật chất hạ tầng trên đảo đang được đầu tư xây dựng với hệ thống cầu cảng, đường giao thông vòng quanh đảo, trường học, trạm y tế …

Đặc biệt trên xã đảo An Sơn, chính quyền địa phương và nhân dân đã xây dựng một đài tưởng niệm để tưởng nhớ gần 500 ngư dân bị thiệt mạng trong cơ bão số 5 năm 1997.

“Với khoảng 900 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu và nhiều điểm du lịch cùng nhiều bãi tắm đẹp, quyến rũ như: Bãi Ngự, Bãi Cây Mến, Hòn Mấu, Bãi Chướng… xung quanh quần đảo Nam Du còn thu hút khách du lịch đến với những điểm du lịch huyền bí như đồi Ma Thiên Lãnh (Lại Sơn), cao hơn 400m so với mặt nước biển và Di tích lịch sử văn hóa Đình thần Nam Hải Đại tướng quân.

Nơi đây hiện còn lưu lại nhiều vết tích của người xưa và những câu chuyện kỳ bí nơi đỉnh núi này. Đặc biệt, khi đến với quần đảo Nam Du, du khách cũng sẽ được trải nghiệm với các thú vui như nuôi cá lồng bè, thưởng thức “thiên đường” hải sản… đó là những điểm khác lạ và thu hút du khách đến với quần đảo xinh đẹp này”, anh Hải Đăng cho hay.

Đánh thức tiềm năng du lịch “Vịnh Hạ Long” phương Nam

Nhờ được thiên nhiêu ưu ái nên quần đảo Nam Du có nhiều điểm du lịch rất đẹp, chưa chịu sự tác động nên hầu như còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, nhờ vậy mà Nam Du hấp dẫn và cuốn hút du khách.

Nhận biết được tiềm năng ấy, những năm gần đây chính quyền địa phương đã có những định hướng và chiến lược cụ thể nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời phát huy và gìn giữ giá trị được thiên nhiên ban tặng.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch, cũng như định hướng của chính quyền địa phương trong việc đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Việt, chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, tiềm năng du lịch ở quần đảo Nam Du được phát triển tự phát từ những năm 2014. Thời điểm đó, một số du khách tìm đến đây thấy được vẻ đẹp ở quần đảo này nên đã tự giới thiệu và quảng cáo cho nhau tìm đến đây.

Đến tháng 2/2018, quần đảo Nam Du mới chính thức được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là điểm du lịch địa phương, từ đó có sự đầu tư, tập trung phát triển du lịch và lượng du khách tìm đến với Nam Du cũng nhiều hơn.

“Nhờ có sự đầu tư và phát triển du lịch, đời sống, thu nhập của người dân trên quần đảo Nam Du đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, thay đổi lớn nhất chính là ý thức của người dân được nâng lên, tệ nạn xã hội giảm mạnh.

Nếu như trước đây chưa có du lịch, những ngày không đi biển, phụ nữ và thanh niên trên đảo lại tụ tập đánh bài, hoặc nhậu nhẹt… ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Nhưng từ khi xã chú trọng phát triển du lịch, phụ nữ có thêm việc để làm, thanh niên thì dẫn đoàn đi thăm quan, buôn bán hải sản. Làm thay đổi lớn tư duy của người dân trên đảo”, ông Việt cho hay.

Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, quần đảo Nam Du cũng như nhiều địa phương xã đảo khác còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, việc chưa có điện lưới quốc gia, cũng như chưa có các khu vực vui chơi, giải trí và các vấn đề liên quan đến việc xử lý môi trường… đã và đang trở thành hạn chế, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch của quần đảo Nam Du, theo ông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, huyện Kiên Hải và các xã đảo đang có nhiều chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại các khu du lịch như: Bãi Cây Mến, Bãi Đất Đỏ (An Sơn), Hòn Mấu (Nam Du)...

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, các dịch vụ tắm biển, ngắm rạn san hô, mô hình du lịch cộng đồng; đầu tư nuôi cá lồng bè ven biển, quanh các đảo, tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với dịch vụ du lịch… qua đó “đánh thức” tiềm năng du lịch tại xã đảo, tạo hình ảnh du lịch “Vịnh Hạ Long phương Nam” thân thiện, mến khách trong lòng du khách trong và ngoài nước.

 
Đỗ Đạt
Theo laodongthudo.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-ha-long-o-phuong-nam-a15931.html