Bởi xuất phát từ tín ngưỡng thờ Tứ phủ, chầu văn hay hát văn được sử dụng trong các buổi “lên đồng” hầu thánh. Nghi lễ Chầu văn có thể hiểu một cách đơn giản là cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn chau truốt nghiêm trang, cùng với các nghi lễ, hình thức ca múa để con người có thể giao tiếp với thần linh.
Trong nghi lễ Chầu văn người ta tin rằng hình thức lên đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đâng thần linh thông qua các ông đồng hay bà đồng. Hầu đồng không phải ai muốn cũng làm được bởi chỉ những người có cơ duyên đặc biệt ( hay còn gọi là có “căn”) mới được thần linh nhập hồn vào thể xác để ban phúc lộc cho người đời, trừ tà, chữa bệnh…Hầu đồng đầy đủ phải có 36 giá, tuy nhiên không nhất thiết trong một buổi lên đồng cần phải diễn đủ 36 giá. Thông thường, người lên đồng chỉ diễn những giá mà họ cho là căn mạng của họ.
36 giá gồm có các giá Mẫu: Mẫu đệ nhất là Thánh Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ; Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu xanh; Mẫu đệ tam là Mẫu Thủy Phủ mặc trang phục mầu trắng. Các giá Trần Triều là Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Các giá Quan lớn gồm: Quan đệ nhất; Quan đệ nhị; Quan đệ tam; Quan tứ phủ; Quan đệ ngũ Tuần Chanh. Các giá Chầu gồm: Chầu Bà Đệ nhất; Chầu Bà đệ nhị; Chầu Bà suốt rút; Chầu Bà đệ tứ; Chầu Bà đệ ngũ; Chầu Lục; Chầu Thất; Chầu Hai Bà Trưng; Chầu cứu tỉnh; Chầu Mười; Chầu Bà Bắc Lệ. Các giá tứ phủ quan hoàng gồm: Ông Hoàng Bơ; Ông Hoàng Bảy; Ông Hoàng Mười. Tứ Phủ Thánh Cô gồm 12 cô nhưng đa phần chi hầu ba giá cô: Cô Bơ; Cô Chín; Cô Bé. Tứ phủ Thánh Cậu gồm 4 cậu: Cậu Cả; Cậu Hai; Cậu Ba; Cậu Bé.
Trong khi hầu đồng, người hầu đồng nhắm mắt diễn tả lại tính cách, cuộc đời của một vị thánh mình đang hầu, đó là những vị thánh giúp nước, giúp dân…gọi chung là một giá đồng. Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là "cậu", nữ giới được gọi là "Cô hoặc Bà Đồng". "Cậu" thường mặc bộ quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn (tóc có thể để dài như con gái). Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng ) đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt..
Một buổi lên đồng thông thường sẽ có 6, 9 hoặc 12 giá. Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên "cậu" một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này Thanh Đồng đang ở một "giá" mới và phải thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với "giá" này. Khi thì Thanh Đồng hóa thân thành một vị tướng, khi thì là một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa..Điệu múa của Thanh Đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của "giá". "Giá" quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; giá ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ ; giá các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay không; giá các cậu thường múa hèo, múa lân ... Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, hàng Cô và Cậu..
Để phục vụ giá hầu đồng thì cần phải có các thành viên sau: Cung văn – là người hát chầu văn và dàn nhạc phục vụ hát văn. Dàn nhạc hầu đồng gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ, một cảnh đôi, một phách. Những buổi hát thờ lớn thì thêm một cỗ trống lớn, chiêng, sáo và tiêu. Mở đầu buổi lên đồng, cung văn hát điệu văn thờ, điệu này tiết tấu nhanh, gấp; sau đó khi Thánh đã nhập đồng thì hát văn hầu để ca ngợi công tích hay sự tích các thánh, sau đó chuyển hát dọc để kích thích khả năng thăng thoát của người ngồi đồng. Điệu này nhạc dồn dập, tưng bừng. Khi nhân vật đã nhập vai các thánh và “làm việc thánh” thì chuyển điệu còn là điệu thức cao hơn dọc một cung bậc. Tất nhiên khi người ngồi đồng vào vai thánh nào thì người hát phải chuyển giọng theo ngôi thánh đó cho phù hợp.
Bên cạnh những nhạc khí chủ đạo là đàn nguyệt, tiêu, trống – những nhạc cụ mang đến âm thanh rộ rã thì nhịp điệu trong chầu văn cũng rất tinh tế, độc đáo và nhộn nhịp. Chính vì thế chầu văn luôn tạo ra một không khí tươi vui, háo hức, tưng bừng chứ không ai oán, trầm lắng như ca trù.
Có thể thấy rằng Nghi lễ hầu đồng của người Việt là một sự tổng hợp hài hòa giữa yếu tố tâm linh, tính nghệ thuật của lời hát, điệu múa, âm nhạc và cả những giai thoại lịch sử về các vị thánh. Và Nghi lễ Chầu văn không chỉ đơn giản là một loại hình nghệ thuật mà nó còn chứa đựng cả một quá trình lịch sử, văn hóa và đời sống tâm linh của con người Việt Nam.
Theo Cinet.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghi-le-chau-van-cua-nguoi-viet-a1592.html