U Minh 40 năm - một sắc vóc đẹp tươi !

Trong dòng chảy lịch sử, vùng đất U Minh nổi tiếng với những lưu dân khẩn hoang hào hiệp, phóng khoáng, trượng nghĩa và sống mộc mạc, chân tình; nổi danh với những chiến công hiển hách trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm.

Qua các giai đoạn lịch sử, vùng đất U Minh có lúc là một phần của huyện Trần Văn Thời, có lúc là một phần của huyện Thới Bình. Sau giải phóng, ngày 20/5/1979, huyện được công bố thành lập - đánh dấu hành trình U Minh tự lập đi lên. Từ bước ngoặt trọng đại này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân U Minh đã đoàn kết, chung lòng vượt qua rất nhiều gian khó, thách thức. Để đến hôm nay, tròn 40 năm dựng xây và phát triển, những người con U Minh rất đỗi tự hào về sắc vóc tươi đẹp của quê hương xứ rừng.
 


Kết cấu hạ tầng phát triển với tốc độ khá nhanh, làm thay đổi hẳn diện mạo của U Minh.



Diện mạo tươi đẹp U Minh hôm nay.

 
Trải qua hai cuộc chiến tranh, U Minh bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hoá học, nên khi bắt tay vào xây dựng, huyện gặp nhiều khó khăn thách thức không thể khắc phục một sớm, một chiều, nhưng nhân dân U Minh không lùi bước và quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết quê nhà.

Tập trung sức khai thác tiềm năng, thế mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện U Minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong 40 năm xây dựng và phát triển. Trước hết là thành tựu trên lĩnh vực nông nghiệp, từ độc canh cây lúa sang đa canh theo hướng sản xuất hàng hoá, thực hiện cơ giới hóa mạnh mẽ, nâng cao năng suất và sản lượng lương thực từ 24.000 tấn năm 1979 tăng lên 130.151 tấn vào cuối năm 2018. Cùng với cây lúa, việc cải tạo vườn tạp trồng cây lấy gỗ, cây ăn trái và rau màu được quan tâm đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
 

Phong trào lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
 
 
Nông thôn ngày càng khởi sắc, nhất là từ khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới. Cùng với 2 xã đã đạt chuẩn, hiện đang lập thủ tục để công nhận xã Khánh Tiến đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại bình quân đạt 12,5 tiêu chí.
 
Có bờ biển dài 31km, với ngư trường rộng lớn trên 20.000km2, nguồn lợi hải sản phong phú - kinh tế biển được huyện U Minh phát huy. Nghề khai thác biển của ngư dân có hiệu quả; hình thành khu kinh tế cửa biển Khánh Hội; số tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm quảng canh, nuôi cá đồng, cá hồ ao phát triển mạnh. Hơn 10.000ha đất nhiễm phèn mặn, hoang hóa nay trở thành vùng đất sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm có hiệu quả.

Nổi danh với nhũng cánh rừng tràm bạt ngàn, ngoài làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, huyện phát triển có hiệu quả kinh tế rừng, nâng cao đời sống nhân dân sống trên lâm phần, giúp bà con yên tâm giữ rừng, bám đất; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo khởi sắc rõ rệt nơi xứ rừng.



Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sửa chữa phục vụ nghề biển giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.



Huyện phát huy tiềm năng du dịch sinh thái, tăng thu nhập cho người dân.

 
40 năm nỗ lực đi lên đổi mới và công nghiệp hóa - hiện đại hóa, công thương nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng của huyện U Minh có bước phát triển với tốc độ khá nhanh, làm thay đổi hẳn diện mạo địa phương. Đặc biệt, một điểm nhấn làm bừng sáng bức tranh U Minh: Cụm công nghiệp trọng điểm quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau, trái tim công nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặt tại xã Khánh An. Từ khi đi cụm công nghiệp vào hoạt động, đã đưa bộ mặt nông thôn huyện ngày càng khởi sắc. Đồng thời, huyện đang kết hợp tỉnh tích cực triển khai xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới Khánh An, đây là điều kiện thuận lợi, là động lực để U Minh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.



Việc cải tạo vườn tạp trồng cây lấy gỗ, cây ăn trái và rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.



Cụm công nghiệp trọng điểm quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại xã Khánh An.

Hạ tầng giao thông, nhất là giao thông bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và giao thương của nhân dân. Hệ thống lưới điện được đầu tư và phát triển, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện kế chính chiếm gần 99%. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác chăm lo các đối tượng chính sách có nhiều chuyển biến đáng kể…

“40 năm - một quãng thời gian, đã chứng minh sự trưởng thành, sự quyết tâm vượt qua khó khăn của Đảng bộ trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, với điểm xuất phát thấp kém buổi ban đầu. Có thể nói, U Minh đi lên từ hai bàn tay trắng, đi từ không đến có như ngày hôm nay!”  như lời chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Trương Đăng Khoa, thế mới thấy, những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân U Minh thật đáng trân trọng.

Không còn như tên gọi về một xứ sở tranh tối - tranh sáng nữa, U Minh giờ đây đã thực sự có một dáng dấp mới, một thế đứng mới, xứng danh truyền thống vàng son của vùng căn cứ địa cách mạng anh hùng.

 
T. Thanh - Ảnh: Huỳnh Lâm
Theo baoanhdatmui.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/u-minh-40-nam-mot-sac-voc-dep-tuoi-a15918.html