Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TP.HCM nằm trọn trong ngôi nhà trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) xưa.
Từ Bến Nhà Rồng đến Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bến Nhà Rồng được xây dựng từ năm 1862. Đây là một trong những công trình đầu tiên Pháp xây dựng ở Sài Gòn. Ngôi nhà ở bến cảng được xây theo lối kiến trúc của Pháp nhưng trên nóc nhà lại trang trí hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt”, một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam.
Ban đầu, công trình này là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales). Nhưng vì người dân Việt Nam nhìn thấy hai con rồng trên nóc nhà nên quen gọi là Nhà Rồng. Và vì ngôi nhà nằm trên bến cảng nên gọi là bến cảng Nhà Rồng.
Chính từ nơi này, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (khi ấy lấy tên anh Ba) đã lên con tàu Admiral Latouche Tréville ra nước ngoài để tìm con đường cứu khổ cho dân, mong muốn đưa đất nước thống nhất. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử ấy, 10 năm sau ngày Người mất, 2/9/1979, Bến Nhà Rồng được chọn làm địa điểm trưng bày những hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Khi đó, nơi đây chỉ là nhà lưu niệm với quy mô còn hạn chế. Năm 1995, UBND TP.HCM quyết định đổi tên là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM. Nhà lưu niệm được phát triển quy mô hơn, hiện vật cũng nhiều hơn.
Địa chỉ đỏ
Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM hiện là nơi trưng bày, bảo quản gần 20.000 tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, nhân dân Miền Nam.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, bảo tàng có 9 phòng gồm phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lối sảnh chính; 4 phòng trưng bày tư liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các giai đoạn 1890 - 1920, 1920 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1950; phòng trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ”.
Cũng theo ông Hùng, trong bảo tàng còn trưng bày những bản Tuyên ngôn Độc lập trong lịch sử Việt Nam, hình ảnh của 54 dân tộc, thông tin về những đền thờ Bác Hồ ở Nam bộ,..
Ông Hùng còn cho biết thêm: “Từ năm 2018 bảo tàng mở cửa đón khách tham quan miễn phí. Đội ngũ thuyết minh viên của bảo tàng luôn sẵn sàng hướng dẫn, giải thích, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của mỗi hiện vật, hình ảnh. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM còn trang bị bảng tra cứu thông tin điện tử giúp khách tham quan tự tìm kiếm những thông tin mình cần”.
Với không gian trưng bày khoa học, số lượng tài liệu, hiện vật lớn, thuyết minh viên hướng dẫn tận tình, đặc biệt, nơi đây gắn liền với sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước, hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM đón một lượng khách lớn đến tham quan, học tập.
“Nhìn chung, số lượng khách tham quan bảo tàng những tháng đầu năm 2019 tăng so với năm ngoái. Thống kê từ đầu tháng 1/ 2019 đến ngày 10/5/2019, bảo tàng đón tổng số 173.382 lượt khách tham quan. Trong đó, khách trong nước đạt 156.999 lượt, khách quốc tế đạt 3.483 lượt, trưng bày lưu động thu hút 12.900 lượt”, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM cho biết.
Với giá trị lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, Bến Nhà Rồng, di tích lịch sử Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của thành phố, là địa chỉ đỏ để lớp đoàn viên – thanh niên tham quan, học tập theo tư tưởng đạo đức của Người. Bến Nhà Rồng lưu dấu Người đi và lưu dấu Người trong trái tim của những người dân Việt.
Nam Trâm
Theo baodulich.net.vn